Tờ Bangkok Post mới đây dẫn lời Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho biết, nước này không muốn tình hình địa chính trị cũng như sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow
Theo ông Sihasak, tình hình địa chính trị không ổn định trong khu vực có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Ông cho biết, Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ và lợi ích trong khu vực Đông Nam Á mong muốn Thái Lan đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán với tư cách là nước điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Washington cũng muốn hoàn thành COC càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, phía Mỹ nhất trí rằng, việc xây dựng hòa bình trong khu vực phụ thuộc vào việc các quốc gia thương lượng định ra các tiêu chí, quy tắc ứng xử với nhau.
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh, đàm phán COC là một vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc, các cường quốc có lợi ích cạnh tranh ở khu vực nên quản lý, điều chỉnh mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Trung Quốc và Nhật Bản nên xác định mối quan hệ song phương rõ ràng hơn một khi cả hai nước có vấn đề lịch sử, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới thứ II.
Cũng theo ông Sihasak, trong tháng 4/2014, ông sẽ chủ trì một hội nghị quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc tại Thái Lan về các chi tiết của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Trước hội nghị, ông dự kiến sẽ làm việc với từng thành viên ASEAN nhằm tìm kiếm sự đồng thuận và tăng cường vị thế của ASEAN khi đàm phán với Bắc Kinh.
Được biết, hội nghị trên sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề cấp bách như triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trên biển, thiết lập đường dây nóng trợ giúp khẩn cấp và các hoạt động hàng hải chung.
"Tất cả các nước đều đã nhất trí rằng, COC không nhất thiết phải xuất phát từ con số 0. Bộ quy tắc ứng xử này có thể kế thừa, sử dụng các nguyên tắc của Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002, Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Trung Quốc năm 2012 làm cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa hai bên", ông Sihasak nói.
Kết quả của hội nghị sẽ được báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức vào tháng 5/2014, dưới sự chủ trì của tân Chủ tịch luân phiên của khối - Myanmar.
Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng cho rằng, tình hình ở Biển Đông bây giờ đã tốt hơn. Ông cũng hy vọng các quốc gia như Trung Quốc và Philippines sẽ tham gia đối thoại nhiều hơn để ngăn chặn xung đột leo thang ở khu vực.
“Việc thi hành đầy đủ các quy tắc ứng xử sẽ mất nhiều thời gian và tất cả các nước nên duy trì một bầu không khí ổn định ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Philippines”, ông Sihasak nói.
Ông cũng nói thêm rằng: “Sự căng thẳng trên biển đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán về COC. Do đó, cần phải có biện pháp trung gian để xây dựng lòng tin trong quá trình xây dựng COC”.
Đáng chú ý, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn thể hiện một “bộ mặt mới” với ASEAN và không muốn các cuộc đối thoại ASEAN - Trung Quốc bị thống trị bởi vấn đề Biển Đông.
Ông cũng cho hay, tất cả các nước đã thống nhất rằng, các cuộc đàm phán về COC nên gắn với việc xây dựng lòng tin và không để căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Đây cũng không phải là nơi giải quyết tranh chấp, theo ông Sihasak.
Minh Châu - Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment