Vấn đề Hoàng Sa: Ai là ông chủ trong Biển Đông?
Saturday, January 25, 2014
Giai đoạn cuối tháng Giêng chính là mùa đánh bắt cá truyền thống trong khu vực Biển Đông. Từ thời xa xưa, ngư dân Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á khác đã quen khai thác hải sản xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với hàng ngàn gia đình đây là công việc duy nhất để duy trì cuộc sống. Nhưng năm nay, hoạt động đánh cá bình thường đã trở nên nguy hiểm.
Từ ngày 1 tháng Giêng năm 2014, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc công bố quy định mới về việc sẽ bắt giữ, phạt tiền và tịch thu phương tiện của bất kỳ tàu nước ngoài nào đánh cá hoặc nghiên cứu trong vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Diện tích khu vực biển này chiếm gần 80% Biển Đông và bao quanh bởi cái gọi là "móng ngựa", "đường chữ U” hoặc "đường lưỡi bò." Bản đồ Trung Quốc đã vẽ đường này vào năm 1947 dưới thời Quốc Dân Đảng. “Đường lưỡi bò” khi đó gồm 11 đoạn, bắt đầu từ ngoài khơi bờ biển Đài Loan, chạy dọc theo bờ biển Philippines, bao quanh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vòng lên bờ biển Việt Nam và kết thúc tại đảo Hải Nam của Trung Quốc. Сhính quyền Cộng sản Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của vấn đề, nên không từ bỏ tuyên bố về “đường lưỡi bò", chỉ giảm số lượng từ 11 khúc xuống còn 9 khúc. Nhưng vào đầu năm nay, Trung Quốc bắt đầu công bố bản đồ mà trên đó “đường lưỡi bò” đã trở thành một đường khép kín, dường như đó là biên giới quốc gia của Trung Quốc.
Luật mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng, và trong ngày 2, một số ngư dân Việt Nam đã bị bắt giữ, bị tịch thu công cụ và sản phẩm đánh bắt. Hạn chế mới đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ ở nhiều nước, từ Việt Nam cho đến Hoa Kỳ. Đến giữa tháng Giêng, tại Myanmar, quốc gia năm nay đóng vai trò chủ tịch Hiệp hội, Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN đã có cuộc họp đầu tiên bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động của chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã giải thích rằng họ công bố luật mới là do quan tâm về việc bảo tồn nguồn cá ở Biển Đông.
Việc áp dụng luật về hạn chế đánh cá gợi lại cho chúng ta nhớ về sự kiện 40 năm trước, khi Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện nghiên cứu Viễn Đông Grigory Lokshin khẳng định. Tại hội nghị khoa học về sự kiện này, được tổ chức gần đây tại St Petersburg, ông Lokshin đã phát biểu:
“Bây giờ, cũng giống như khi đó, Trung Quốc chờ đến một thời điểm nào đó để ra đòn, sao cho mọi việc diễn ra mà họ không bị trừng phạt. Bởi vì trong nửa năm cuối 2013, quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á đã tan băng đáng kể. Hồi tháng Chín đã tổ chức cuộc tham vấn đầu tiên ở cấp thứ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc để phát triển quy định pháp lý ràng buộc về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông. Thỏa thuận quan trọng đã đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã nói về phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ, về thăm dò và khai thác dầu khí chung ở Biển Đông. Và đột nhiên họ công bố đạo luật cấm đánh bắt cá. Động thái mới và bất ngờ với các nước láng giềng có thể chỉ ra rằng "thập kỷ kim cương" thay thế cho "thập kỷ vàng" trong quan hệ với ASEAN đã bị hoãn lại. Động thái này cũng cho biết ý định của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc là sẽ duy trì sự căng thẳng trong khu vực để kiểm soát và buộc các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á phải trả giá đắt, nếu họ cho phép mình ngả theo Mỹ, để cho Mỹ thực hiện kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Hiện tại vẫn chưa rõ quy định mới của chính quyền Hải Nam sẽ được thực hiện như thế nào, và nói chung, liệu nó có được thực hiện hay không. Biển thì dầu sao cũng không phải là nhỏ bé, mà tiềm năng của các cơ quan hàng hải Trung Quốc không phải là quá lớn để biến nó thành một cái hồ của Trung Quốc, Giáo sư Grigory Lokshin khẳng định. Nhưng rõ ràng đây là quyết định mang tính chính trị và có ý nghĩa chứng tỏ ai là ông chủ trên biển Đông. Luật pháp quốc tế không tính đến yêu cầu lịch sử của các quốc gia, mà chỉ xác định việc sử dụng kinh tế của các vùng lãnh thổ. Trung Quốc đang cố gắng khẳng định chủ quyền của họ đối với các đảo và vùng biển trong Biển Đông để giải quyết nhiệm vụ quân sự và chiến lược là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực, đồng thời giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm. Nhưng điều đó đang dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trong khu vực. Đó là điều không cần thiết cho bất cứ ai, chuyên gia Nga nhấn mạnh:
“Trong năm qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei, Trung Quốc đã hỗ trợ sáng kiến của Nga về việc thành lập hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc an ninh bình đẳng cho tất cả các bên. Quan hệ kinh tế giữa các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á rất chặt chẽ và phong phú, cho nên cách giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp quân sự là không thể chấp nhận được.”
Các vấn đề khu vực gay cấn nhất chỉ có thể giải quyết trên bình diện pháp lý và có tính đến lợi ích của tất cả các bên. Hy vọng rằng sớm hay muộn sẽ tìm ra giải pháp như vậy.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông,
Hoàng sa
TQ âm mưu lắm r, thèm biển đông lắm
ReplyDelete