Quân và dân cả nước đang một lòng hướng về Trường Sa thân yêu; chia sẻ, tri ân cùng các cán bộ, chiến sĩ bộ đội hải quân và đồng bào, đang ngày đêm bám trụ biển đảo. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, trong đó có kỷ niệm về Trường Sa. Tháng 4-1995, tôi khi đó ở cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia Đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng ra Trường Sa. Ngày ấy, Trường Sa còn nhiều khó khăn. Sau chiến tranh, chúng ta tiếp quản đảo - trong giai đoạn rất mới, phải xây dựng, kiến thiết, để đảo trở thành căn cứ và pháo đài vững chắc. Bộ đội vô cùng vất vả, người dân sống trên đảo chỉ lác đác.
Vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn, cả về vật chất và tinh thần, những người lính đảo Trường Sa vẫn kiên trì ngày đêm luyện tập. Cũng tại chuyến đi đó, cá nhân tôi và nhiều cán bộ đã tham gia chỉ đạo, giúp anh em huấn luyện về nhiều mặt; trao đổi kinh nghiệm cùng bộ đội…
Đi đảo thì nhiều, song với tôi, ấn tượng nhất là ba đảo lớn: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và đảo Phan Vinh. Sỡ dĩ mang tên Phan Vinh là bởi tại đảo có những đồng chí, đồng đội, trong đó có Anh hùng Phan Vinh đã hy sinh nên sau này lấy tên đảo là Phan Vinh. Quanh khu vực đảo Phan Vinh, tồn tại những miệng núi lửa. Bộ đội đi tàu hàng chục cây số trên những cái miệng núi lửa đó, nơi sót lại một số tàu buôn ngày xưa bị chìm, còn trơ lên những chiếc cột. Ngày đó, chim hải âu nhiều vô kể. Chúng tôi đi trên tàu cứu hộ có tên “Ti tan” của Đức (chiến sĩ hải quân gọi là tàu Hoa Hậu, thường dành cho các đoàn cán bộ cấp cao), ngồi trên tàu mà ngắm chim hải âu thì thích thú phải biết.
Ra Trường Sa, cả đi lẫn về mất chừng 15 ngày, nhiều người say sóng bí tỉ. Vui sao, những đêm đi câu cá mực, xem hàng trăm chú cá heo “múa lượn” theo tàu… mọi người phần nào quên đi cái sự mệt nhọc. Đi cùng với các đoàn ra Trường Sa, thường có anh chị văn công, tham gia biểu diễn văn nghệ. Những chuyến ra đảo thường đi vào dịp 30-4, thời điểm sóng êm biển lặng. Ra đảo cuối năm, là thời điểm đưa quà Tết... Vất vả vô cùng. Điện thoại chưa phổ biến, liên lạc giữa đảo khơi và đất liền chủ yếu bằng thư từ. Cánh lính, không gì vui và xúc động bằng nhận được thư nhà, thư người yêu…
Thượng tướng, Viện sỹ, TSKH Quân sự, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu (bên trái ảnh) bên cây bàng vuông được ông mang về từ Trường Sa.
Sau chuyến đi đó, tôi rất thấm thía về nỗi nhọc nhằn, gian truân của bộ đội ta. Họ luôn ngày đêm luyện tập, thể hiện trách nhiệm cao nhất, ý thức cao nhất, cảnh giác cao độ, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Comments[ 0 ]
Post a Comment