Ngày 9-1, Nhật Bản và Pháp đã đạt được thỏa thuận chia sẻ thông tin về xuất khẩu trang thiết bị có tiềm năng quân sự, sau khi Nhật Bản bày tỏ mối lo ngại về việc một công ty quốc phòng Pháp xuất khẩu cho Trung Quốc các thiết bị giúp máy bay trực thăng hạ cánh trên các tàu chiến.
Rất nhiều vũ khí Trung Quốc dùng thiết bị, linh kiện ngoại nhập
Tại cuộc hội đàm an ninh 2+2 giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, hai bên đã đồng ý thành lập một ủy ban song phương để thảo luận về những thương vụ xuất khẩu như vậy.
Tokyo hy vọng Ủy ban này sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu các trang thiết bị như vậy cho Trung Quốc, và giám sát được việc xây dựng sức mạnh quân sự của họ ở thời điểm khi căng thẳng tăng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku, do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, và gọi là Điếu Ngư.
Công tắc hành trình AZ8112 của hãng Panasonic trên Hệ thống phòng không HQ-9 Trung Quốc
Theo trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, hai quốc gia đã lên kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm phát triển các thế hệ trực thăng, máy bay không người lái và tàu ngầm hiện đại nhất. Hai bên cũng đặt mục tiêu soạn thảo các quy định về xuất khẩu các loại khí tài quân sự do hai nước cùng phát triển sang nước thứ ba.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm, các bộ trưởng cũng đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa quân đội 2 nước, và xác nhận kế hoạch thành lập một ủy ban khác để nghiên cứu phát triển chung các trang thiết bị quân sự và nhanh chóng xác định những thiết bị nào sẽ được phát triển chung.
Khu trục hạm Thanh Đảo (113) Type 052 Trung Quốc dùng thiết bị vệ tinh Nhật
Ủy ban chia sẻ thông tin xuất khẩu vừa thành lập sẽ được nhóm họp ở cấp chuyên viên một hoặc hai lần trong một năm, và Tokyo có kế hoạch sẽ yêu cầu Paris kiềm chế xuất khẩu sang Trung Quốc do lo ngại có thể có tác động đến an ninh khu vực, theo các quan chức Nhật Bản.
Biết rằng những thương vụ làm ăn với Trung Quốc mang lại những món lợi kếch xù cho các công ty vũ khí châu Âu, nên Nhật đang có kế hoạch đưa ra những điều kiện ưu đãi đầu tư và hợp tác để thuyết phục thêm các nước châu Âu như Anh, Đức… ngừng xuất khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ lưỡng dụng (quân dụng và dân dụng) cho Trung Quốc.
Tàu ngầm "Kilo nhái" thuộc lớp Nguyên của Trung Quốc dùng động cơ MTU 396 SE84 của Đức
Với ngón đòn này, Nhật hy vọng sẽ bóp nghẹt ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Trung Quốc, bởi vì hàng loạt những thiết bị, linh kiện chế tạo vũ khí công nghệ cao như động cơ tàu ngầm, động cơ tàu mặt nước, radar máy bay cảnh báo sớm, động cơ xe tăng, thiết bị vệ tinh, thiết bị điện tử hàng không, thiết bị tên lửa…, Trung Quốc chủ yếu là phải nhập ngoại từ Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật…
Đức Hùng - ANTĐ
Theo Kyodo
Comments[ 0 ]
Post a Comment