Lực lượng tàu ngầm tại Đông Á đang ở thế cân bằng động, với Mỹ, Trung Quốc, Nga ở thế thượng phong.
Quá trình hiện đại hóa hải quân đang diễn ra sôi nổi ở Đông Á. Việc Việt Nam sở hữu một tàu ngầm hiện đại đầu tiên được dư luận khu vực quan tâm, cho rằng sự hình thành lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ tác động đến cán cân lực lượng hải quân trên Biển Đông.
Nhưng tàu ngầm chỉ là một trong 5 thành tố của quân chủng hải quân. Một lực lượng hải quân hoàn thiện bao gồm tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, lực lượng phòng không, lực lượng lính thủy đánh bộ và lực lượng phòng vệ bờ biển. Hải quân nước lớn còn có năng lực tác chiến kép hạt nhân và thông thường; tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay là trang thiết bị cần thiết của hải quân biển xa.
Ngoài ra, còn phải căn cứ 4 tiêu chuẩn để đánh giá thực lực hải quân quốc tế, bao gồm lý luận phát triển hải quân, trình độ trang bị, chi phí quân sự và tố chất chiến sĩ - trình độ huấn luyện. Hải quân Mỹ có vị trí siêu cường trên thế giới. Quy mô của hải quân Anh nhỏ hơn rất nhiều, tuy nhiên do nền tảng “bá chủ trên biển” năm xưa nên “tuy nhỏ song vẫn mạnh”.
Mỹ, Trung Quốc và Nga là ba nước có các hạm đội tàu ngầm lớn nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương và là những nước triển khai tàu ngầm hạt nhân trong khu vực. Trung Quốc hồi cuối năm ngoái “giải mật” lực lượng tàu ngầm hạt nhân tự đóng. Những bức ảnh chụp được về ít nhất 2 tàu ngầm SSBN lớp Tấn cho thấy lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Trung Quốc đã đạt tới trình độ chưa từng có.
Kilo là loại được nhiều nước ưa chuộng, vừa hợp túi tiền,
vừa thích hợp cho các vùng biển Đông Á
Nhật Bản lo ngại sức mạnh tăng nhanh của hải quân Trung Quốc, hồi tháng 12/2010 thay đổi từ chính sách phòng thủ bị động sang linh hoạt và tấn công. Chính sách này yêu cầu mở rộng đội tàu ngầm lần đầu tiên trong 34 năm, nhấn mạnh vai trò thực hiện các chiến dịch thu thập tình báo, giám sát và do thám cũng như tiến hành hoạt động tuần tiễu thường xuyên ở các vùng biển xung quanh nước này. Nhật Bản hiện có 18 tàu ngầm chạy bằng điện và dầu điêzen gồm 3 thế hệ. Thế hệ tàu ngầm mới nhất được trang bị hệ thống khí đẩy độc lập cho phép tàu hoạt động ngầm dưới nước lâu hơn. Số lượng tàu ngầm của nước này dự định tăng lên 22 chiếc vào năm 2015.
Nếu chính phủ ở Bắc Kinh ngày càng quyết liệt, Nhật Bản sẽ càng có cớ đẩy nhanh quá trình nâng cấp khả năng quân sự, bên cạnh củng cố liên minh với Mỹ và các nước khác. Việc hồi cuối năm ngoái, một chiến hạm Trung Quốc đã chĩa radar ngắm bắn trên tàu chiến của mình vào tàu cảnh sát biển của Nhật Bản là hành động khiêu khích không có lợi.
Nhưng, cho dù việc mua sắm thêm tàu ngầm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được thực hiện đúng theo kế hoạch, hạm đội tàu ngầm của nước này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc bước vào giai đoạn “đại phát triển của hải quân”. Khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản có một số ưu thế, song do năng lực tấn công tầm xa, đặc biệt là ở lĩnh vực tên lửa đạn đạo, Trung Quốc lại chiếm ưu thế tuyệt đối vì Nhật Bản gặp hạn chế không được phát triển vũ khí loại này. Bù lại, Nhật Bản được Mỹ bảo vệ theo “Hiệp ước đảm bảo an ninh Nhật-Mỹ”, khai chiến quy mô lớn đối với Nhật Bản đồng nghĩa khai chiến với Mỹ.
Trong vòng 16 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng hạm đội tàu ngầm của họ. Cơ cấu của hải quân Trung Quốc là hoàn thiện, hợp lý, song nền tảng tương đối kém nếu căn cứ theo 4 tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có lực lượng tàu ngầm lớn nhất ở châu Á, bao gồm 6 chiếc SSN và 54 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng điêzen (SS). Hơn một nửa các tàu ngầm chạy bằng điêzen là các loại tàu ngầm hiện đại lớp Kilo, lớp Tống và lớp Nguyên. Trung Quốc đã đàm phán xong việc mua 4 tàu ngầm lớp Lada của Nga. So với lớp Kilo, tàu ngầm Lada hoàn thiện hơn. Lada là khắc tinh đối với tàu ngầm hiện đại lớp Sōryū của Nhật Bản có khả năng lặn sâu từ 350-500m, phục vụ cho hoạt động dưới biển Hoa Đông.
Tại Guam Mỹ có căn cứ hải quân có thể đón nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân. Nếu Mỹ phong tỏa các tuyến vận tải hàng hải tới Trung Quốc tại Biển Đông, các tàu thuyền tới Trung Quốc từ Ấn Độ Dương sẽ buộc phải đi qua biển Arafura giữa Inđônêxia và Ôxtrâylia hoặc phải đi đường vòng qua Ôxtrâylia, chi phí sẽ rất lớn. Trong hoạt động tác chiến gọi là “phong tỏa từ xa”, những tàu thuyền này cũng có thể dễ dàng bị không quân, hải quân Mỹ tấn công.
Mỹ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một thách thức đối với hải quân Mỹ. Sự điều chỉnh chiến lược mới của Mỹ lấy đảo Guam làm trục chính. Sự bố trí lực lượng hải, không quân hùng mạnh của Mỹ ở đảo này đã gây cản trở nghiêm trọng cho việc hải quân Trung Quốc tiến ra biển xa. Việc các nước láng giềng của Trung Quốc đang ra sức phát triển lực lượng không quân trên biển cũng buộc Trung Quốc không thể sao nhãng mặt nào.
Hàn Quốc có lực lượng tàu ngầm mạnh. Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young cho biết nước này hiện đang xem xét phát triển tàu ngầm loại nhỏ để đối phó với tàu ngầm của Bắc Triều Tiên.
Singapore bắt đầu mua sắm tàu ngầm từ năm 1995 với tàu ngầm qua sử dụng của Thụy Điển. Cuối tháng 11/2013, Singapore thông báo kí hợp đồng mua 2 tàu ngầm Type 218SG mới của Đức. Chúng sẽ thay thế cho 4 tàu lớp Challenger cũ hơn và cùng với 2 tàu lớp Archer mới được tân trang (từ lớp Västergötland của Thụy Điển) để hình thành hạm đội tàu ngầm của Singapore, một lực lượng đáng nể án ngữ các đường biển nối Đông Á với Ấn Độ Dương.
Indonesia có tàu ngầm sớm nhất ở Đông Nam Á, đã đặt hàng 3 tàu ngầm U-209, đang được đóng ở Hàn Quốc, và dự kiến sẽ được chuyển giao trong giai đoạn 2015-2016. Indonesia đang cân nhắc mua và nâng cấp các tàu ngầm lớp Kilo đã qua sử dụng của Nga.
Malaysia hiện triển khai 2 tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp theo hợp đồng kí năm 2002. Tháng 5/2012, Malaysia tỏ ý sẽ mua thêm tàu ngầm tùy thuộc vào tình hình tài chính.
Tháng 4/2011, Thái Lan mua 2 trong số 6 tàu ngầm Type 206A của Đức, nặng 500 tấn khi di chuyển dưới nước, thuộc loại siêu nhẹ. Tháng 10/2013, có tin Hải quân Hoàng gia Thái Lan sẽ mua 3 tàu ngầm trong khuôn khổ tiến trình mua sắm khí tài trong 10 năm tới.
Tháng 6/2013, Tư lệnh Quân đội Myanmar, Tướng Aung Hlaing đã thảo luận với phía Nga về việc mua 2 tàu ngầm lớp Kilo. Tin tức cho hay Myanmar có ý định thành lập lực lượng tàu ngầm vào năm 2015.
Chính quyền Aquino ở Philippines dự định mua sắm tàu ngầm, nhưng kế hoạch này đã bị lặng lẽ gác lại.
Trong vòng 1 thập kỉ mới, vùng biển Đông Nam Á, và đặc biệt tại Biển Đông, sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể hoạt động triển khai tàu ngầm quy ước của các quốc gia trong khu vực./.
TS Nguyễn Ngọc Trường - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment