Trung Quốc áp đặt quy định mới về đánh bắt cá trên Biển Đông (biển Hoa Nam) gây bất bình ở Philippines, bị Đài Loan bác bỏ và những phát biểu gay gắt ở Hoa Kỳ. Giới phân tích không loại trừ khả năng các yêu sách mới sẽ làm tăng xác suất sự cố trong vùng biển mà ngoài Trung Quốc, có các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei tuyên bố kỳ vọng lãnh hải.
Ngày 19-5, ngư dân Bùi Văn Phải (24 tuổi, ngụ xã An Hải, Lý Sơn – Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 96382 TS từng bị Trung Quốc bắn cháy cabin, đã lên đường trở lại Hoàng Sa tiếp tục đánh bắt hải sản. - Ảnh Báo NLĐ
Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải chính thức xin phép khi bơi qua hải giới và tiến hành đánh bắt cá trong vùng nước được Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền. Khu vực bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có các vùng và hải đảo tranh chấp. Từ trước tới nay, ngư dân Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei cũng như tàu cá Đài Loan vẫn tự do hành nghề trong khu vực. Nhưng kể từ lúc này, tàu nước ngoài vi phạm hải giới Trung Quốc có khả năng bị tịch thu hải sản đánh bắt và trang thiết bị. Đối tượng vi phạm bị đe dọa phạt số tiền tương đương 83.000 USD (500.000 nhân dân tệ).
Chính quyền Trung Quốc cho biết rằng biện pháp thông qua xuất phát từ lợi ích sử dụng công khai, hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên hải sản, cũng như căn cứ vào kế hoạch tăng cường an ninh lãnh thổ đất nước. Các nước láng giềng không chấp nhận và bác bỏ lập luận như vậy. Manila phẫn nộ vì không được báo trước và đòi Bắc Kinh lập tức giải thích. Chính quyền Đài Loan nhấn mạnh việc Đài Bắc không công nhận các quy tắc của Bắc Kinh.
Phản ứng gay gắt nhất xuất hiện từ phía Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki gọi quy định mới của Trung Quốc là "sự hạn chế" quyền lợi của các nước khác trong loạt khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Đối với Washington đây là "hành động khiêu khích và nguy hiểm", - bà Spaki nhấn mạnh. - "Trung Quốc không đưa ra bất cứ sự cắt nghĩa hay luận chứng dựa trên luật pháp quốc tế, cho các tuyên bố trên vùng biển rộng lớn."
Theo ông Andrei Ostrovsky, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện HLKH Nga), đằng sau những tuyên bố của Washington là cuộc chơi mà Hoa Kỳ thực hiện trong khu vực từ lâu nay:
"Hoa Kỳ chẳng có gì liên quan đến vùng biển này... Họ phát triển khái niệm quan hệ đối tác Thái Bình Dương, trong đó Philippines và Việt Nam là những ứng cử viên triển vọng nhất tham gia vào hiệp hội mới mà Hoa Kỳ xây dựng. Rõ ràng Hoa Kỳ ủng hộ Philippines và Việt Nam trong cuộc tranh giành các vùng nước của Biển Đông.”
Quy định về đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng. Trong ngày, Trung Quốc đã tổ chức diễn tập quân sự với sự tham gia của 14 tàu cùng 190 quân nhân thuộc lực lượng hải giám và cảnh sát, hoàn thiện các thao tác nghiệp vụ bảo vệ hải giới.
Trước đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã hiện diện tại vùng biển trong khuôn khổ chuyến bới đào tạo huấn luyện đầu tiên. Các nước láng giềng của Trung Quốc coi đó như sự phô trương mới về sức mạnh quân sự ngày càng tăng và khẳng định ưu thế trong các tranh chấp hải đảo ở Biển Đông.
Quy định mới của Trung Quốc về đánh bắt hải sản đe dọa làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực. Đặc biệt, tăng khả năng các sự cố nếu Trung Quốc tìm cách trục xuất tàu nước ngoài.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Comments[ 0 ]
Post a Comment