Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Cam-pu-chia từ ngày 12 đến 14-1-2014.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: http://www.dangcongsan.vn
35 năm sau ngày thoát khỏi họa diệt chủng, đất nước Cam-pu-chia sống trong thanh bình. Nhân dân Cam-pu-chia, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Cam-pu-chia, đã tích cực lao động sản xuất, thu được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống.
Kinh tế Cam-pu-chia duy trì đà phát triển khá cao. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Cam-pu-chia năm 2013 đạt 7,6 %, lạm phát 3%; xuất khẩu may mặc trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 4,76 tỷ USD (tăng 24 % so với cùng kỳ năm 2012); trong 8 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại Cam-pu-chia với các nước đạt hơn 10 tỷ USD; Cam-pu-chia đã đón 2,42 triệu du khách quốc tế trong năm 2013.
Cam-pu-chia đặt mục tiêu đến năm 2015 trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới và thu hút khoảng 5 triệu khách du lịch; phấn đấu ra khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất vào năm 2020.
Trên bình diện đối ngoại, Cam-pu-chia tham gia tích cực các hoạt động đa phương nhằm tranh thủ tối đa trợ giúp của cộng đồng quốc tế và các thể chế tài chính (WB, IMF, ADB...). Cam-pu-chia đã nhiều lần cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở một số nước như Xu-đăng, Li-băng, Trung Phi…
Theo quy định của Hiến pháp, Cam-pu-chia thực hiện chính sách trung lập, không liên kết vĩnh viễn, không xâm lược hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Cam-pu-chia là thành viên thứ 10 của ASEAN (tháng 4-1999), thành viên chính thức thứ 148 của WTO (tháng 9-2003), gia nhập ASEM tại Hội nghị cấp cao ASEM 5 (tháng 10-2004) tại Hà Nội; và đang tích cực chuẩn bị tham gia APEC trong thời gian sớm nhất. Cam-pu-chia cũng là thành viên tích cực trong hợp tác khu vực như: Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC); Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV); Hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV); Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawadi - Chao Praya - Mekong (ACMECS); Hành lang Đông Tây (WEC)...
Hiện nay, Cam-pu-chia có quan hệ thương mại với 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chú trọng quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU, các nước tài trợ, các nước láng giềng và đang đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Trong thời gian qua, quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đã có những bước phát triển tích cực.
Hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều đoàn nhằm củng cố và duy trì quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Trong năm 2013, hai bên đã trao đổi các đoàn cấp cao, trong đó có Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu dự Lễ hỏa táng Thái Thượng hoàng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc (2-2013), Thủ tướng Hun Xen và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam (từ 26 đến 28-12-2013), Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia Heng Samrin dự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (10-2013) và dự Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/7-1-2014)…
Hợp tác an ninh, quốc phòng được tăng cường. Hai bên phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, tăng cường hợp tác đào tạo, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Cam-pu-chia.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển nhanh. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,3 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2011 đạt 2,829 tỷ USD); dự kiến năm 2013 đạt 3,5 tỷ USD. Tính đến tháng 6-2013, Việt Nam đã đầu tư vào Cam-pu-chia 126 dự án với tổng vốn 3 tỷ USD, tập trung vào một số lĩnh vực: Trồng cây công nghiệp; khai khoáng; thăm dò, tìm kiếm và kinh doanh sản phẩm dầu khí; phát triển nguồn điện; viễn thông; tài chính, ngân hàng…
Công tác phân giới cắm mốc biên giới (PGCM) tiếp tục được hai bên phối hợp triển khai. Đến nay, hai nước đã xác định được 239/314 vị trí mốc (đạt khoảng 76,1% khối lượng công việc), xây dựng xong 279/372 cột mốc (đạt 75%), phân giới được 850/1137 km đường biên giới. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác để sớm hoàn thành công tác này, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Trong hợp tác giữa hai nước, những kinh nghiệm của Cam-pu-chia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ rất hữu ích cho Việt Nam khi lần đầu tham gia hoạt động này.
Chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Cam-pu-chia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng diễn ra chỉ ít ngày sau khi hai nước long trọng kỷ niệm 35 năm ngày Quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân, dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/7-1-2014), thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia, tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…
Hai nước đã gắn bó với nhau bởi liên minh chiến đấu trong quá khứ và sẽ tiếp tục cùng nhau hướng về tương lai, cùng hợp tác phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, trong khu vực cũng như trên thế giới.
Chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Cam-pu-chia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thành công tốt đẹp.
QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment