Tướng Phạm Xuân Thệ: Phải khiến TQ biết dè chừng ở Biển Đông
Thursday, January 16, 2014
Trong trường hợp cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, chúng ta phải đấu tranh bằng lý bằng tình sao cho có hiệu quả, tránh xung đột. “Mềm nắn rắn buông”, TQ rất hiểu điều đó.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Ảnh: Tuấn Nam)
LTS: Sau khi tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra lệnh cấm các tàu nước ngoài hoạt động trên Biển Đông từ ngày 1/1/2014, đã có nhiều quốc gia lên tiếng phản đối hành động này. Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cũng đã khẳng định hành động ra lệnh cấm này là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.
Nhưng trước các ý kiến phản đối mạnh mẽ như vậy, Trung Quốc vẫn chưa chịu hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh quân khu 1, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Trung tướng, ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi tiếp nhận thông tin về việc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra lệnh cấm tàu cá nước ngoài hoạt động trên Biển Đông?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Chúng ta là công dân của đất nước có chủ quyền. Mỗi một đất nước có một lãnh thổ và chủ quyền nhất định. Tuy nhiên, một số lãnh đạo của một số đất nước lại tự cho mình cái quyền làm những việc mà nước khác không được làm và coi đó là đặc quyền của mình. Đó là một việc không chấp nhận được. Không một người dân nào có thể chấp nhận luật đó và nhất là đối với những người từng chiến đấu bảo vệ đất nước như chúng tôi càng bức xúc.
PV: Chúng ta nên ứng xử như thế nào trước hành vi ngang ngược của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) và thái độ im lặng thể hiện sự dung túng cho tỉnh Hải Nam làm càn của chính quyền Trung ương Trung Quốc, thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Trong thời đại ngày nay, chúng ta đấu tranh bằng phương pháp ngoại giao chứ không dùng biện pháp quân sự. Chúng ta mềm mỏng nhưng không nhún nhường, phải đấu tranh có lý có tình. Nói một lần, người ta chưa hiểu, nói hai lần vẫn chưa hiểu thì chúng ta phải nói nhiều hơn.
Tôi cho rằng trong việc này, không phải họ không biết luật pháp quốc tế nhưng họ vẫn cố tình làm. Và trong trường hợp này chúng ta phải nói để cho họ biết rằng phải dè chừng, đừng làm càn nữa.
PV: Theo ý của Trung tướng là các nước trong khu vực Biển Đông cần đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ trước lệnh cấm phi lý, ngang ngược này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đúng như thế. Mỗi một đất nước trong khu vực liên quan đến Biển Đông đều có quyền lợi nhất định. Điều đó đã được quy định trong Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tôi tin rằng nếu các nước đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ thì Trung Quốc sẽ không dám có những hành động ngang ngược thể hiện sự coi thường các nước có liên quan đến Biển Đông nữa.
PV: Trung Quốc thường lý giải cho những hành động ngang ngược trên Biển Đông của mình là do cấp dưới tự ý làm. Từng là Tư lệnh quân khu ở biên giới với Trung Quốc, ông có tin rằng chính quyền Trung ương Trung Quốc không biết việc Hải Nam ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Không phải bây giờ tôi mới gặp chuyện như thế này. Luận điệu đó tôi nghe nhàm tai. Tôi hiểu việc làm đó của Trung Quốc một cách cặn kẽ.
Tôi hay liên hệ cách làm đó của Trung Quốc như việc ông bố có đưa con đi ăn trộm gà của hàng xóm. Nếu ông bố thấy đứa con mang con gà về mà mắng và bắt đem trả thậm chí là đánh thì đứa trẻ sẽ không dám ăn cắp gà của hàng xóm nữa. Nhưng đằng này, nếu đứa con mang con gà về nhà mà ông bố lại cùng ngồi ăn thịt thì bảo sao là tại con được? Lỗi trong đó rất lớn là của người bố.
Từ trước tới nay, đó là một “bài’ của Trung Quốc. Rõ ràng: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
PV: Tại vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc đã quyết định lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của mình. Tại Biển Đông, Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá. Theo Trung tướng, liệu Trung Quốc có ra quyết định thành lập Vùng Nhận dạng Phòng không tại Biển Đông?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Khó có thể nói được điều đó có diễn ra không. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng nếu khi Trung Quốc quyết định lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của mình mà không bị Nhật phản ứng và lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông không bị phản ứng thì Trung Quốc sẽ còn làm những điều khác nữa. Biết đâu sau nay họ lại còn cấm không ai được lên vũ trụ nữa? (cười)
Khi cách mạng chưa thành công, Bác Hồ đã dạy là chúng ta chỉ có ngày và đêm. Khi cách mạng thành công, Bác dạy chúng ta không những có ngày và đêm mà còn có cả rừng, cả biển. Có biển, chúng ta phải giữ biển. Có rừng, chúng ta phải giữ rừng. Biển của chúng ta đến đâu thì Công ước quốc tế về Luật Biển đã quy định rồi. Các nước cũng đã ký vào Công ước đó rồi.
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tháng 3/2013 (Ảnh Tuổi trẻ)
PV: Thưa Trung tướng, nếu trong thời gian tới, Chính quyền Trung ương Trung Quốc biết việc làm của tỉnh Hải Nam là phi lý mà vẫn không cho dừng thì các nước trong khu vực Đông Nam Á có liên quan liệu sẽ có một vụ kiện mới, sau vụ kiện của Philippines?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Nếu các nước Đông Nam Á thấy cần thiết thì sẽ có một vụ kiện như thế. Nếu các nước đấu tranh bằng ngoại giao không được thì sẽ phải có một người đứng ra dàn xếp. Và người dàn xếp đó trong bối cảnh hiện nay rất có thể là Tòa án quốc tế.
PV: Có ý kiến dự đoán rằng, việc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là một động thái mang tính chất thử trước khi Trung Quốc có hàng loạt hành động ngang ngược khác. Trung tướng nghĩ như thế nào về dự đoán này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tôi không nghĩ đó là phép thử mà đó đã là một việc làm hiển nhiên. Và nếu không ai lên tiếng về việc làm đó thì họ sẽ mặc nhiên nhận Biển Đông là của họ. Khi đó, Trung Quốc sẽ nghĩ thiên hạ sợ mình nên càng lấn tới.
Nếu có quyền lợi mà không đấu tranh giành quyền lợi thì sẽ mất quyền lợi đó và sẽ mất nhiều thứ khác nữa. Trong trường hợp cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, chúng ta phải đấu tranh bằng lý bằng tình sao cho có hiệu quả, tránh xung đột. “Mềm nắn rắn buông”, Trung Quốc rất hiểu điều đó.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng đã chia sẻ!
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment