Trung Quốc khởi đầu 2014 tại Biển Đông bằng hành động khiêu khích nguy hiểm
Tuesday, January 14, 2014
Nhằm vào ngư dân Việt Nam, Philippines và áp đặt quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm 2013, Hải quân Trung Quốc phối hợp với các tàu bán vũ trang áp dụng chiến thuật "cây bắp cải" và "cây gậy nhỏ" tại Biển Đông
Trung Quốc bắt đầu năm 2014 tại Biển Đông bằng hành động mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phê phán: “Việc thông qua các lệnh cấm hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trong khu vực tranh chấp trên Biển Ðông là một hành động khiêu khích và có thể gây nguy hiểm”.
Dường như đã thành thường lệ, cứ bắt đầu năm mới, nhà đương cục Trung Quốc lại bày ra những hành động khiêu khích mới. Đầu năm 2013, nhà đương cục Trung Quốc tại tỉnh Hải Nam đã thông qua Pháp lệnh quản lý trị an, cho phép Cơ quan an ninh biên giới của Sở Công an tỉnh khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước ngoài “xâm nhập phi pháp” trên Biển Đông (từ 1-1-2013). Nhưng chủ trương này bị gác lại vì vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Vì nếu được thực hiện, nó “lãnh địa hóa” Biển Đông và tiến tới áp đặt trật tự Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á. Mỹ từng nêu rõ tự do hàng hải ở Biển Đông “thuộc lợi ích quốc gia” của Mỹ. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Devendra Kumar Joshin từng tuyên bố “khi xảy ra tình huống có liên quan tới các lợi ích quốc gia, ví dụ như liên quan tới công ty dầu mỏ ONGC Videsh, chúng tôi sẽ được yêu cầu tới đó và chúng tôi sẵn sàng cho điều này”.
Chủ trương sai trái ngày 1/1/2014 nằm trong trăm phương nghìn kế của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng trong các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng giáp Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Đông Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định: Quyết định của chính quyền tỉnh Hải Nam có thể được coi là “một hành động leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc trong việc áp đặt quyền tài phán của họ trên các vùng mà họ đòi chủ quyền ở Biển Đông”, với mục tiêu hợp pháp hóa một loạt vụ chặn bắt, bắn phá, tịch thu tài sản, bắt nộp phạt mà Trung Quốc đã tiến hành từ trước đây đối với ngư dân Việt Nam và Philippines. Còn báo mạng Washington Freebeacon nhận định, đây là lần đầu tiên Trung Quốc luật hóa một cách rõ ràng đòi hỏi chủ quyền của họ trên khu vực Biển Đông đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei…
Bên cạnh đó, nó là một nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên Biển Đông, nâng cao thực lực tổng thể của kinh tế biển để phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ kinh tế biển chiếm tới 10% GDP của đất nước. Tổng giá trị sản phẩm biển bình quân của Trung Quốc mỗi năm tăng 80%.
Từ giữa năm 2012, Trung Quốc đã điều tàu công xưởng và một đội tàu hỗ trợ ra Biển Đông, nhập vào đoàn tàu đánh cá hoạt động tại vùng biển này, với một tàu chế biến hải sản tải trọng 32.000 tấn và một tàu chở dầu 20.000 tấn, hai tàu vận tải 10.000 tấn và ba tàu hỗ trợ có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn tăng cường cho đội tàu đánh cá hiện có từ 6.000 đến 7.000 chiếc của Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại vùng biển tranh chấp. Đội tàu bổ sung này giúp các tàu cá Trung Quốc có thể đánh bắt tại Biển Đông suốt 9 tháng. Mục tiêu tại Biển Đông là đưa sản lượng đánh bắt hải sản trong vùng biển này đạt 2,2 triệu tấn vào năm 2015, thu về 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,9 tỷ USD).
Trong năm 2013, Trung Quốc ra sức củng cố chỗ đứng ở Biển Đông, tập trung đối phó với Nhật Bản tại biển Hoa Đông, mặt khác họ tìm cách cô lập ngoại giao và gây sức ép kinh tế với Philippines là nước đã kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài Liên hợp quốc về luật biển.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động ngoại giao xung quanh, tiếp tục tìm cách phân hóa, gieo rắc nghi kỵ, chia rẽ hàng ngũ các nước ASEAN, thực hiện “câu giờ” đối với đàm phán COC.
Chiến thuật “cây bắp cải” và “cây gậy nhỏ”
Về mặt quân sự, sau khi đã kiểm soát được trên thực tế bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, năm 2013 Trung Quốc gia tăng sức ép tại khu vực Bãi đá ngầm Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát. Họ áp dụng chiến thuật “cây bắp cải”: khẳng định chủ quyền lãnh thổ và từng bước bao vây khu vực tranh chấp của đối phương bằng nhiều lực lượng vũ trang và bán vũ trang, ngăn cản đối phương tiếp cận, từ đó thiết lập các hoạt động mới trên thực địa.
Các chuyên gia quân sự phương Tây còn gọi chủ trương nêu trên là “cây gậy nhỏ”: Để tránh tranh chấp bùng nổ thành chiến sự, Trung Quốc chia nhỏ, sau đó cô lập từng phần để xử lý vấn đề nhằm gây ra kháng cự ít nhất có thể từ đối phương. Điều đó không chỉ có lợi cho Trung Quốc trong việc cô lập đối thủ mà còn có thể vô hiệu hóa sự can thiệp của hải quân Mỹ bảo vệ đồng mình.
Hải quân Trung Quốc còn triển khai tàu sân bay Liêu Ninh tập trận và thử nghiệm cập cảng Tam Á thuộc đảo Hải Nam, xác định phạm vi khống chế của căn cứ hàng không mẫu hạm Tam Á bao gồm toàn bộ Biển Đông.
Chủ trương 1/1/2014 chủ yếu nhằm vào Việt Nam và Philippines. Nó rõ ràng đi ngược lại thỏa thuận cấp cao Trung-Việt hồi tháng 10/2013 tại Hà Nội thực hiện tinh thần “kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được” (cho vấn đề Biển Đông) và lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.
Chủ trương 1/1/2014 nhằm thăm dò phản ứng dư luận. Nếu dư luận không phản ứng mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ lấn tới, tiếp tục theo đuổi điều mà Tạp chí Forbes nhận xét: Trung Quốc đang thực hiện cuộc chiến chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới II./.
Người bình luận - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment