Cuộc đọ sức cân não Mỹ-Trung tại Biển Đông bắt đầu
Wednesday, October 28, 2015
Ngày 27/10/2015, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tuần tra khu vực bên trong 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa.
Tàu khu trục của Mỹ USS Lassen mở đầu chiến dịch tuần tra tại Biển Đông nhằm bảo vệ "quyền tự do hàng hải"
Hành trình của tàu USS Lassen được các máy bay do thám P-8A và P-3 hộ tống. Tàu Mỹ hoạt động trong vài giờ ở các khu vực trên và trở về căn cứ.
Chấm dứt tranh luận ở Mỹ
Đây là động thái cụ thể đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ triển khai đều đặn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Một quan chức Bộ Quốc phòng khẳng định: “Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động thông thường trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các lực lượng Mỹ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương dựa trên cơ sở thường nhật, kể cả ở Biển Đông”.
Được biết, các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Như vậy, qua các cuộc tranh luận trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc và Biển Đông, cuối cùng Nhà Trắng đã cho phép tàu chiến Mỹ thực hiện chiến dịch tuần tra này.
Hoạt động tuần tra lần này là nhằm thách thức hành vi trái phép của Trung Quốc, khẳng định giới hạn 500m chứ không phải 12 hải lý của các đảo nhân tạo. Đồng thời còn khẳng định “quyền” của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà phía Mỹ lựa chọn. Năm 2014, hải quân Mỹ tiến hành 35 cuộc tuần tra như vậy tại một số vùng biển quốc tế, trong đó có 19 lần ở các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyến tuần tra này mang tính biểu tượng. Nó là một đòn cân não. Nó nhằm thể hiện nguyên tắc Mỹ đề ra từ năm 1979 về việc hải quân Mỹ theo đuổi quyền “tự do hàng hải”. Và theo các nhà phân tích quốc tế, chừng nào hải quân Mỹ còn đảm đương “sứ mệnh” duy trì trật tự trên các vùng biển và đại dương thế giới như họ cam kết mấy chục năm qua, chiến hạm Mỹ sẽ còn tiến hành tuần tra, bất luận nó là vùng biển mà Trung Quốc tìm cách khẳng định chủ quyền như Biển Đông.
Mỹ hiểu rằng, nếu không hành động bây giờ, sẽ là quá muộn. Trung Quốc sẽ quân sự hóa 7 đảo Trường Sa, từ đây khống chế các con đường biển qua Biển Đông, tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và ngăn chặn chúng khi có xung đột.
Các kịch bản tiếp theo ở Trường Sa/Biển Đông
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 25/9/2015, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: (Trong các cuộc trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình) “Tôi tái khẳng định quyền tự do của tất cả các nước đi lại trên biển và bay qua bầu trời. Tôi còn cho biết tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi qua các vùng biển và bay qua bầu trời, và hoạt động bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Cũng trong cuộc họp báo này, Chủ tịch Trung Quốc hai lần khẳng định Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải (ở Biển Đông).
Mỹ và Trung Quốc tháng 11 năm ngoái và tháng 9 vừa rồi đã ký hai thỏa thuận về tránh đụng độ trên biển và trên không. Hai nước có hơn 90 cơ chế quan hệ dân sự và quân sự để tránh các hiểu nhầm có thể dẫn tới đụng độ vũ trang.
Lần này, Mỹ đã “chuẩn bị tinh thần” cho phía Trung Quốc từ 3 tuần qua để tránh hiểu nhầm. Trung Quốc tuy lên tiếng chỉ trích và phản đối ở tất cả các cấp độ, nhưng thực tế hôm qua đã phản ứng nhẹ nhàng, “biến đại sự thành tiểu sự”.
Theo tờ The Diplomat, hồi tuần trước (19/10), USS Lassen đã cập cảng tại Kota Kinabalu để ghé thăm Malaysia, sau khi hoàn tất một chuyến tuần tra thường kỳ trên Biển Đông. Tàu được sử dụng cho chiến dịch Bảo vệ tự do hàng hải (U.S. Freedom of Navigation ). Sẽ còn có tiếp tục những chuyến đi như vậy trong những tuần tiếp theo ở những nơi khác.
Các cuộc cọ xát Mỹ-Trung trên Biển Đông sẽ còn diễn ra gay gắt, lâu dài. Chúng sẽ diễn tiến tùy theo tương quan lực lượng giữa hai nước. Mỹ chắc chắn không bỏ các cuộc tuần tra và Trung Quốc chắc chắn sẽ bám lấy 7 hòn đảo nhân tạo họ xây dựng trái phép ở Trường Sa.
Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, ủng hộ các nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng Biển Đông. Chúng taghi nhận việc Mỹ tuyên bố hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời Việt Nam kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp báo ngày 25/10 tại Nhà Trắng đã cam kết “không quân sự hóa” (các đảo mà Trung Quốc đã bồi đăp và xây dựng tại khu vực Trường Sa).
Người ta chờ đợi Trung Quốc sẽ hành động đi đôi với lời nói, cùng với các nước liên quan khác phấn đấu vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại vùng biển quan trọng này của thế giới./.
Người bình luận-Tổ Quốc
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment