Phải chăng không thể tránh khỏi đụng độ Việt-Trung trên Biển Đông?
Sunday, October 18, 2015
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của chính quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố như vậy. Cách đây chưa lâu, gần quần đảo Hoàng Sa, nơi đã hàng trăm năm nay là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt, các "cán bộ thực thi pháp luật" của Trung Quốc một lần nữa thu giữ dụng cụ đánh bắt cá của ngư dân Việt và nhấn chìm những con thuyền nhỏ của họ. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc lắp đặt máy phát trên những hòn đảo mà Việt Nam coi là của mình.
Trong cuộc họp báo này, ông Lê Hải Bình ủng hộ ý định của Hoa Kỳ tiến hành tuần tra hải quân hoặc không quân trong vùng bán kính 12 dặm xung quanh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp trong khu vực quần đảo tranh chấp khác là Trường Sa. Quân đội Trung Quốc phản đối gay gắt ý định của phía Mỹ và hứa hẹn đáp trả cứng rắn.
Tình hình đang trở nên phức tạp hơn, còn những triển vọng hòa bình bền vững và lâu dài trong khu vực ngày càng mong manh hơn, — chuyên viên Dmitry Mosyakov lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nêu nhận xét.
“Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn không cho các nước khác sử dụng tài nguyên sinh vật và khoáng sản của Biển Đông trong ranh giới do Bắc Kinh đặt ra — cái gọi là đường 9 đoạn, tức là tới 80% vùng biển. Trung Quốc đang mở rộng sự bành trướng trong khu vực, dần dần nhưng liên tục. Động thái đó buộc các nước Đông Nam Á phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước lớn, mà trước hết là Hoa Kỳ. Lại cũng đúng lúc khi người Mỹ đang điều bộ phận cơ bản thuộc nhóm quân của họ đến Thái Bình Dương. Trung Quốc đang từng bước tăng cường lực lượng, nếu trước đó chỉ tuyên bố tham vọng chủ quyền thì nay tại vùng Biển Đông và các đảo trong đó họ đang củng cố sự kiểm soát hiện thực: gia tăng số lượng máy bay và tàu tuần tra, lập hạ tầng cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo. Với mỗi hành động trong khu vực mà theo cách nhìn của Trung Quốc là bất hợp pháp đều bị máy bay truy đuổi hoặc phóng tên lửa. Hoa Kỳ sẽ phản ứng với điều này như thế nào thì hiện chưa rõ nhưng thực sự là đang tăng cao nguy cơ xung đột”.
Tuy nhiên, đụng độ quân sự hiện thực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong Biển Đông sẽ không xảy ra, — đó là nhận định của nhà sử học Việt Nam, PGS-TS Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Hoa Kỳ sẽ không chống Trung Quốc, bởi có những ràng buộc quá chặt chẽ, trước hết là về kinh tế. Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng Mỹ vào Biển Đông vì ủng hộ quyền lợi của Việt Nam, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng không phải thế. Người Mỹ luôn luôn chỉ bảo vệ lợi ích của họ, và trong trường hợp này họ quan ngại đảm bảo tự do hàng hải, tự do lưu thông vận chuyển thương mại đường biển. Bởi ¼ dòng lưu thông hàng hóa qua eo biển Malacca là gửi đến Hoa Kỳ”.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment