Lợi, hại của Mỹ - Trung trong xung đột Biển Đông?
Thursday, October 29, 2015
Đá Xu Bi, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường băng dài 3.000m.
Nhận định với phóng viên Báo Lao Động, Giáo sư Mỹ Jonathan London, Đại học Thành thị Hong Kong (Trung Quốc), và bà Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ cho rằng xung đột với Mỹ chắc chắn sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Nhìn tổng thể, hai nhà nghiên cứu cho rằng cần có chiến lược chiến thuật ngoại giao để làm giảm và giải quyết căng thẳng trong khu vực.
- Ông, bà bình luận gì về việc tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn và Xu Bi?
Bonnie Glaser: Việc Trung Quốc tuần tra đơn thuần là để thực hiện tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Nó không nhằm thách thức chủ quyền của Trung Quốc và không được chờ đợi là sẽ thuyết phục Trung Quốc ngừng quân sự hóa trên các đảo.
Jonathan London: Hành động của Mỹ là để chứng minh tàu của Mỹ và bất cứ nước nào đều có quyền đi vào bất cứ khu vực nào mà luật quốc tế cho phép. Đây là một hành động hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển của kiến trúc an ninh mới ở Đông Nam Á và là một hành động mà tất cả nước trong khu vực, trừ một nước sẽ hoan nghênh.
- Hành động của Mỹ liệu có khả năng gây xung đột hay leo thang căng thẳng trong khu vực?
Bonnie Glaser: Tôi cũng không chờ đợi việc leo thang căng thẳng sau sự việc này. Trung Quốc biết rõ mục đích của chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ là gì. Phản ứng của Trung Quốc sẽ chỉ là phản đối một cách hoa mỹ việc tuần tra nói trên.
Jonathan London: Rất tiếc những đòi hỏi bất chính đáng và những hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và chắc chắn chính phủ Mỹ đã và đang chuẩn bị cho mọi kịch bản. Dù chúng ta có thể chờ đợi những phản ứng nhất định từ phía Bắc Kinh, nhưng có xung đột với Mỹ chắc chắn sẽ không giúp gì cho Trung Quốc cả, đặc biệt trong lúc Mỹ đã rất khó chịu về một số hành động khác của chính phủ Trung Quốc, như hành động tấn công mạng. Không có ai loại trừ khả năng sẽ có một sự cố. Nhưng điều cũng quan trọng là để thấy nếu không có ai bảo vệ những nguyên tắc trên biển thì rất khó có thể có một tương lai bình an trên Biển Đông.
- Trung Quốc đã lập tức phản ứng, nói Mỹ "chớ nên mù quáng". Liệu Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả nào tiếp theo?
Jonathan London: Chắc chắn Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả. Theo tôi, các nước trong khu vực phải tự quyết định phản ứng, nhưng tựu chung lại, cần có một phản ứng đoàn kết nhất quán, ủng hộ những nguyên tắc mà Mỹ đang đẩy mạnh. Như vậy mới có khả năng khiến Bắc Kinh tự thấy phải xem xét lại lập trường nguy hiểm của họ.
- Liệu việc tuần tra có ngăn cản được sự quả quyết của Trung Quốc trên Biển Đông hay không?
Bonnie Glaser: Thời gian sẽ trả lời liệu việc tuần tra có ảnh hưởng đến hành xử của Trung Quốc hay không. Việc thiếu đi phản ứng đủ mạnh mẽ với sự quả quyết của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm cho Trung Quốc trở nên bạo dạn.
- Tất nhiên, việc Mỹ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý không giải quyết được hoàn toàn các vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Vậy các nước trong khu vực và đặc biệt là Việt Nam tới đây nên có những hành động gì để đối phó với sự quả quyết của Trung Quốc?
Bonnie Glaser: Một vấn đề đặt ra với các bên tuyên bố chủ quyền khác là các nước đó có thể làm gì để đóng góp vào một chiến lược thuyết phục Trung Quốc quản lý các tranh chấp lãnh thổ thông qua biện pháp ngoại giao và làm giảm căng thẳng.
Jonathan London: Như nhà phân tích gốc Việt Vũ Quang Việt và tôi vừa đề nghị, trước hết Việt Nam nên kiên quyết tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời có những hành động để giảm bớt những tranh chấp đang có, trong khi cần đoàn kết với Philippines, Malaysia và Indonesia.
Thứ hai, Việt Nam nên hình thành một nhóm liên lạc đa phương mới nhằm giảm thiểu và cuối cùng là giải quyết những căng thẳng trong khu vực. Có thể mời Trung Quốc tham gia nhóm này. Cần lưu ý, nhóm liên lạc nên bao gồm các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong ASEAN, cùng Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và EU.
Thứ ba, Việt Nam nên ban hành một tuyên bố chung cùng với các nước khác để ủng hộ những nguyên tắc mà các hoạt động của Mỹ đang hỗ trợ.
- Xin cảm ơn quý vị!
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment