Vì sao Mỹ đưa tàu chiến tới Biển Đông?
Wednesday, October 28, 2015
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen hôm qua đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà TQ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng, điều này đánh dấu sự khởi đầu của Mỹ trong việc thách thức yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra với Biển Đông - một trong các tuyến đường tàu bè đi lại đông nhất thế giới.
Lần đầu tiên kể từ năm 2012, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chiến tới khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép ở Biển Đông. Nó nhằm chứng minh rằng, Washington không công nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào với các đảo nhân tạo này.
Luật hàng hải quốc tế cho phép các nước tuyên bố chủ quyền ở khu vực lân cận đảo tự nhiên, chứ không phải đảo nhân tạo.
Trong hai năm qua, TQ đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Trên một trong số này - bãi Chữ Thập - họ đã xây dựng đường băng dài 3km mà giới phân tích tin là có thể phục vụ mọi loại máy bay quân sự của TQ.
Hôm thứ hai, Josh Earnest, thư ký báo chí Nhà Trắng đã nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng, họ có quyền hoạt động ở bất kỳ nơi nào là vùng biển quốc tế. "Biển Đông có dòng chảy thương mại trị giá nhiều tỉ USD/năm và việc đảm bảo dòng chảy tự do thương mại, tự do hàng hải cho tàu bè là điều tối quan trọng với kinh tế toàn cầu", Earnest nói.
Nhiều nhà phân tích tin rằng, với những nỗ lực chưa từng có trong xây dựng lực lượng hàng hải, TQ đang cố khuếch trương sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương - nơi Mỹ là cường quốc hải quân chủ chốt kể từ Thế chiến 2.
Năm 2012, ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch TQ khi đó cho rằng, nước này sẽ "trở thành một cường quốc hàng hải". Đây là lần đầu tiên, TQ nhắc tới vị trí cường quốc hàng hải trong vòng 500 năm qua.
Buộc TQ phải rõ ràng
TQ tuyên bố đã cảnh báo và theo sát tàu chiến Mỹ. Bộ Ngoại giao TQ ra tuyên bố rằng, con tàu này đã "trái phép đi vào vùng biển của TQ", rằng "hành động này đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của TQ, đặt sự an toàn của con người trên đảo vào chỗ nguy hiểm". Bộ này cảnh báo những hậu quả nếu một nước nào đó gây rắc rối hay gia tăng căng thẳng trong vùng biển mà TQ tuyên bố chủ quyền.
Hôm thứ hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định, một nước không cần tham vấn nước khác "nếu thực hiện quyền tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga từ chối bình luận về việc Mỹ triển khai tàu, nhưng nói rằng "cộng đồng quốc tế làm việc cùng nhau để bảo vệ đại dương mở, tự do và hòa bình là rất quan trọng'.
Australia cho biết, họ "ủng hộ mạnh mẽ" quyền của tất cả các nước qua lại ở Biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu CSIS cho rằng, việc tuần tra của Mỹ nhiều khả năng sẽ diễn ra thường xuyên vì hải quân nước này muốn đảm bảo rằng họ không bị ngăn chặn tiếp cận tại khu vực này.
Trong khi đó, Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến hàng hải châu Á của CSIS nhấn mạnh, hoạt động của Mỹ nhằm mục tiêu thử nghiệm sự kiểm soát ở các vùng biển và đẩy TQ vào sự khó xử. "Họ buộc TQ phải rõ ràng trong tuyên bố chủ quyền. Chiến lược của TQ ở Biển Đông khá mơ hồ".
Theo Poling, luật pháp hàng hải không công nhận vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo. Đó là lý do Hải quân Mỹ điều tàu khu trục tới gần bãi Subi. Trước khi "qua tay" TQ, cả bãi Subi và Vành khăn đều là bãi ngầm khi thủy triều lên.
"Nên nếu Bắc Kinh nói Mỹ đang ở lãnh hải của họ, thì sau đó Mỹ có thể phản ứng rằng, không có lãnh hải tồn tại với một đảo nhân tạo", Poling nói.
Theo VietNamNet
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment