Liên tiếp từ đó đến cuối năm 1978, tập đoàn Polpot – Yeng Sary đã xua quân tiến hành hàng trăm cuộc lấn chiếm biên giới Việt Nam. Tháng 4 năm 1977, quân chính quy Khmer Đỏ tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25 tháng 9 cùng năm, lần này 4 sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, giết chết và bắt đưa đi mất tích gần 800 thường dân. Ngày 31 tháng 12 năm 1977, sáu sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công trả đũa vào sâu trong đất Campuchia đến tận bến phà Neak Luong, đến ngày ngày 5 tháng 1 năm 1978 thì rút về bên này đường biên giới.
Ngày 1 tháng 2 năm 1978, Trung ương Đảng Cộng sản của Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn. Trong nghị quyết của chúng có ghi: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”. (Nayan Chanda (1986). Brother Enemy. The War after the War.. Harcourt Brace Jovanovich.) Thực hiện nghị quyết này, Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15–20 km.
Trong các đợt tấn công đó, Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát đối với người Việt Nam. Một ví dụ kinh hoàng là vụ thảm sát Ba Chúc, Tân Châu, An Giang vào tháng 4 năm 1978 với 3.157 dân thường bị giết hại. Đàn ông bị đập đầu bằng cuốc. Thiếu nữ bị hãm hiếp đến chết. Phụ nữ có thai bị giày xéo đến trụy thai, bị mổ bụng moi thai. Trẻ em bị lính Polpot cầm chân quật vào gốc dừa cho vỡ sọ. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30.000 người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới.
Ở trong nước, tập đoàn Polpot – Yeng Sary lộ rõ bộ mặt của những tên phát xít mới. Sau khi Phnom Penh bị chiếm, Khmer Đỏ đã lan truyền tin đồn rằng quân Mỹ đang lên kế hoạch đánh bom thành phố. Những con đường ra khỏi thành phố đã bị tắc do người đi sơ tán. Dân số Phnom Penh với số lượng 2,5 triệu người, nhưng 1,5 triệu người đã tị nạn,trung tâm đô thị gần như bỏ hoang. Sơ tán cũng tương tự xảy ra tại Battambang, Kampong Cham, Siem Reap, Kampong Thom, và ở các thị trấn khác. Hàng nghìn người đã chết đói và chết vì bệnh tật trước khi Đảng Cộng sản Campuchia giành được chính quyền. Hàng nghìn người chết đói hay chết vì bệnh tật trong thời gian tản cư sau đó và vì những hậu quả của nó. Nhiều người trong số đó bị buộc phải rời khỏi các thành phố và định cư tại những ngôi làng mới được lập nên, thiếu lương thực, dụng cụ lao động và chăm sóc y tế. Nhiều người từng sống trong các thành phố và đã đánh mất khả năng tự kiếm sống để tồn tại trong môi trường nông nghiệp. Hàng nghìn người chết đói trước khi mùa màng được thu hoạch. Thiếu ăn, suy dinh dưỡng và ở bờ vực của nạn đói là điều xảy ra liên tục trong nhiều năm. Đa số các lãnh đạo quân sự và dân sự của chế độ cũ, những người không thể che giấu được nhân thân của mình đã bị hành quyết.
Ông Hun Sen nhớ lại “Người ta đang đói gần chết, nhưng không ai được phép chạm vào bất cứ trái chuối nào ở trên cây mọc gần trại. Thậm chí Khmer Đỏ còn tịch thu tất cả chén đĩa, xoong nồi và đồ dùng để không cho người ta nấu nướng và ăn bất cứ thứ gì tại nhà. Mỗi người được phép giữ một cái đĩa và một cái muỗng. Giống như những kẻ nô lệ, những người trong trại sẽ được tập trung bằng kẻng để đến ăn cháo loãng (…) bắt được một con ếch, hoặc một con cá nhỏ li ti, cũng không được phép ăn khẩu phần dư ra ấy”.Những người có dị tật hay ốm yếu không giúp ích cho xã hội đều bị giết với lý do tránh lãng phí lương thực phẩm.
Cuộc sống ở nước “Kampuchea dân chủ” rất dã man và tàn bạo. Ở nhiều vùng trong nước, người dân bị bố ráp và bị hành quyết vì tội nói tiếng nước ngoài, đeo kính, bới rác kiếm thức ăn, thậm chí là than khóc khi có người thân qua đời. Những nhà doanh nghiệp thời trước và các quan chức bị săn đuổi một cách tàn nhẫn và bị giết chết cùng toàn bộ gia đình họ. Khmer đỏ sợ rằng những người đó có lòng tin là họ có thể sẽ đứng lên phản đối lại chế độ của chúng. Một số kẻ trung thành với Khmer Đỏ thậm chí còn bị giết vì tội không thể kiếm đủ số “phản cách mạng” để hành quyết. Những ước tính chính xác về số lượng người đã chết trong giai đoạn 1975 và 1979 vẫn chưa có được sự thống nhất, nhưng có lẽ hàng trăm ngàn người đã bị hành quyết tàn nhẫn bởi chế độ đó. Hàng trăm ngàn người chết vì đói và bệnh tật. Một số ước tính về số người chết trong khoảng từ 2 đến 4 triệu người, trong tổng số dân năm 1975 của nước này là 7,3 triệu. Sau chế độ phát xít Hitler và chế độ quân phiệt Nhật Bản, “Kampuchea dân chủ” trở thành một trong những chế độ diệt chủng tàn bạo nhất của loài người ở thế kỷ XX.
Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Tà Teng (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer.
Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng Khmer Đỏ từ chối đàm phán, Trung Quốc yểm trợ cho Khmer Đỏ đã không chịu làm trung gian hòa giải. Còn Liên Hợp Quốc với sự hậu thuẫn của Mỹ thì đã không có biện pháp gì phản hồi lại các phản đối của chính quyền Việt Nam về các hành động gây hấn của Khmer Đỏ. Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.
Ngày 2 tháng 12 năm 1978 trong một vùng giải phóng trên đất Kampuchea, Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia (Kampuchean National United Front for National Salvation-KNUFNS) thành lập. Các thành viên chủ chốt đều là những người thuộc Đảng Cộng sản Kampuchea bị tập đoàn Polpot – Yeng Sary truy bức, hãm hại đã sang Việt Nam nhờ các đồng chí Việt Nam cứu giúp. Ngày 25 tháng 12 năm 1978, 150.000 cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh Lê Trọng Tấn, một người chỉ huy lão luyện từng trải qua các cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ đã tiến vào lãnh thổ Campuchia. Hai tuần sau, ngày 7 tháng 1 năm 1979, Quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh. Ngày 5 tháng 1 năm 1979, 66 đại biểu Campuchia được triệu tập họp ở Mimot để bàn về việc thành lập một đảng cộng sản Campuchia mới. Đảng này lấy lại tên Đảng Nhân dân Cách mạng có từ năm 1951 khi tách khỏi Đảng Cộng sản Đông Dương. Pen Sovann được đề cử giữ chức Chủ tịch đảng. Những Uỷ viên thường vụ của Trung ương Đảng gồm Hun Sen, Heng Samrin, Chea Sim, Bou Thoong, Chan Kiri và Chia Soth. Một Hội đồng cách mạng (đóng vai trò của Chính phủ) được thành lập do đồng chí Heng Samrin làm chủ tịch. Hội đồng này ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương trợ lẫn nhau với Việt Nam, hợp thức hoá sự hiện diện của Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Tàn quân của Polpoy – Yeng Sary được Trung Quốc và Thái Lan hậu thuẫn đã rút về vùng biên giới Thái – Miên, tiếp tục hoạt động phỉ để chống phá, gây mất ổn định cho nước Campuchia mới.
Rõ ràng là Quân đội và Nhân dân Việt Nam đã giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Rõ ràng là những người Campuchia yêu nước đã giành lại cuộc sống của mình từ tay bọn Khmer đỏ tàn bạo với sự giúp đỡ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Rõ ràng là Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng ở Campuchia để “giúp bạn cũng là tự giúp mình”, để bảo vệ hòa bình ở vùng Tây Nam của Tổ quốc, tạo điều kiện xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo môi trường hòa bình. Hàng triệu người dân Campuchia đã thoát nạn. Người ta tính rằng, nếu Việt Nam chỉ chậm mở chiến dịch quân sự một năm nữa thôi thì cả dân tộc Campuchia sẽ đứng trước thảm họa diệt vong. Cho đến nay, đại đa số người dân Campuchia vẫn gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”. Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 50.000 cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất nước chùa tháp trong cuộc tấn công giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng, bảo đảm quốc phòng và giữ gìn an ninh cho dân tộc này đến 10 năm sau đó.
Ấy thế nhưng với sự đạo diễn của Mỹ, Trung Quốc và các thế lực phản động quốc tế khi đó, bộ máy truyền thông Mỹ, phương Tây và Trung Quốc đồng loạt dựng lên cái gọi là “Sự kiện Việt Nam xâm lược Campuchia”, lôi kéo cả thế giới (trừ Liên Xô, một số nước XHCN Đông Âu, Lào và Cuba) đồng loạt vu cáo Việt Nam. Các nước phương Tây, (trừ Mỹ), Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và khối ASEAN vẫn tiếp tục công nhận chính phủ của Pol Pot, một chính phủ mà họ thừa biết rằng nó là thủ phạm gây nên cái chết của 1/3 dân tộc Campuchia chỉ trong gần 4 năm cầm quyền. Không những thế, Trung Quốc, Mỹ và các nước chư hầu còn về hùa với nhau mở cuộc “Chiến tranh phá hoại nhiều mặt” chống Việt Nam, bao vây, cấm vận Việt Nam nhằm làm cho đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ 30 năm này đi đến chỗ rối loạn và sụp đổ. Nếu như không có sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khi đó và bằng lòng quyết tâm, quả cảm, kiên trì chịu đựng của cả một dân tộc luôn khẳng định tính chính nghĩa của mình, Việt Nam đã sụp đổ.
Và cho đến tận bây giờ, khi bè lũ Polpot - Yeng Sary kẻ thì chết trong rừng, kẻ thì bị đưa ra vành móng ngựa và bị tòa án quốc tế xét xử, cũng vẫn còn những kẻ vô ơn bạc nghĩa, những con chó săn trung thành với chủ Mỹ, chủ Tàu sẵn sàng lật ngược lịch sử vì những quyền lợi ích kỷ của chúng. Con bài Polpot – Yeng Sary, cho dù đã bị quân dân Campuchia và Quân đội nhân dân Việt Nam đuổi cổ khỏi Phnompeng, kéo nhau chạy dạt lên biên giới vẫn còn được Mỹ, Trung Quốc và các thế lực phản động quốc tế sử dụng để gây bất ổn cho Campuchia và Việt Nam, Lào trong suốt 10 năm sau đó cho đến khi lực lượng UNTAC vào Campuchia thay thế cho Quân tình nguyện Việt Nam.
Trong suốt thời gian tồn tại của chế độ Polpot – Yeng Sary, kể cả khi chế độ này bị lật đổ, người ta đều thấy rõ bàn tay của Trung Quốc điều khiển nó, trang bị vũ khí cho nó, huấn luyện nó để nó đánh Việt Nam đến người Campuchia cuối cùng.
2- Сирийское небо славян (Vũ điệu Slaviyan trên bầu trời Syria)
36 năm sau, lịch sử dường như lặp lại. Chỉ có điều, nó diễn ra ở một nơi khác, với những lực lượng khác, trong hoàn cảnh quốc tế khác. Khởi đầu bằng việc sử dụng những băng đảng Hồi giáo cực đoan người Kavkaz cùng đội quân Hồi giáo đánh thuê được tuyển mộ từ Afghanistan và nhiều nơi khác trên thế giới, Mỹ đã có một chiến lược dài hạn để làm mất ổng định ở Kavkaz và các nước cộng hòa trong khối SNG lỏng lẻo, làm suy yếu nước Nga, kể cả khi nó không còn là một nước XHCN. Hoạt động phỉ của các lực lượng Hồi giáo ly khai Checheniya kéo dài suốt từ sau khi Liên Xô sụp đổ đến khi chúng bị tiêu diệt gần hết và số còn lại bị đẩy đuổi sang Gruzia cũng kéo dài suýt soát 10 năm. Trong những năm sau đó, từng nhóm nhỏ những tên khủng bố được CIA thông qua chính quyền tay sai ở Tbilissi huấn luyện và trang bị vẫn lọt về lãnh thổ Nga, gây ra các vụ khủng bố đẫm máu ở bệnh viện Dagestan, nhà hát “Vòng bi”, Trường phổ thông Beslan, ga tàu điện ngầm, chung cư, trên xe lửa, xe buýt và nhiều nơi khác. Những hoạt động này làm người ta liên tưởng đến các hoại động của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” (tiền thân của Việt Tân) do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Với các phương thức tương tự, tập đoàn phản động này đã tổ chức cho nhiều toán gián điệp, biệt kích xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, chuyển vũ khí và tiền giả vào Việt Nam với mục đích phá hoại an ninh quốc gia và lật đổ chính quyền Việt Nam. Mặc dù bị Cơ quan an ninh Việt Nam triệt phá phần lớn lực lượng trong “Kế hoạch CM-12” nhưng các hoạt động của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” chỉ chấm dứt vào năm 1988 khi tất cả các toán quân cuối cùng của tổ chức này bị cơ quan an ninh Việt Nam phối hợp với quân đội Lào và Campuchia tiêu diệt và bắt sống trong “Kế hoạch ĐN-10”. Có một điều gì đó rất chung giữa lực lượng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” với cái gọi là Cộng hòa Chechnya Ichkeria bởi đứng sau lưng hai tổ chức này đều là CIA của Mỹ.
Trong quá trình thực hiện cái gọi là “Cuộc chiến chống khủng bố”, CIA có cả một kế hoạch huấn luyện những đội quân Hồi giáo cực đoan cũng như các đội quân đánh thuê được CIA, núp dưới bóng các Công ty đào tạo vệ sĩ tư nhân tuyển mộ và huấn luyện. Vào những năm 2007 - 2009, những đội quân này bất đầu gây nên những điểm nóng ở Tây Bắc Trung Quốc, vùng Kavkaz của Nga, vùng Trung Á thuộc Liên Xô trước đây và các quốc gia có chính quyền mà Mỹ cho là không dân chủ như Lybia, Syria .v.v… Và đến cuộc xâm lược của NATO chống Chính quyền của Muhama Gadaffi cũng như cuộc xung đột giữa FSA do Mỹ dựng lên với quân chính phủ ở Syria thì đội quân này đã nhanh chóng phát huy tác dụng cho Mỹ. Hàng nghìn lính Hồi giáo ly khai, lính đánh thuê phương Tây đã chiến đấu trong hàng ngũ quân tiễu phạt chống lực lượng DNR và LNR ở Ukraina. Khi xuất đầu lộ diện, lực lượng IS cũng tỏ ra tàn bạo không kém quân đội của Polpot ở Campuchia trước đây. Những điểm chung giữa chúng lần lượt xuất hiện và chúng đều được hai “ông lớn” trên thế giới che chở. Trung Quốc từng che chở cho “Kampuchea Dân chủ”, còn Mỹ thì che chở cho FSA, thực chất là cái bình phong chính trị che đậy cho IS. Và một điều lý thú khác, cả hai tổ chức tàn bạo khét tiếng này lại đều mang danh là “Dân chủ” hay núp dưới những chiêu bài “dân chủ”, "nhân quyền”. Thật không thể lố bịch và trơ trẽn hơn được.
Giống như người Việt Nam trước đó 36 năm, người Nga phải làm gì trước tình hình đó ? Họ chờ đợi chăng ? Để bọn IS sau khi đập tan chính phủ hợp pháp ở Syria rồi tràn sang miền biên viễn của Nga thì mới ra tay chăng ? Không ! Mục tiêu của Nga là phải tiêu diệt khủng bố ngay ở sào huyệt của nó. Người Nga đã làm đúng như người Việt Nam trước đó 36 năm để trợ giúp cho người dân Syria thoát khỏi bàn tay của bọn diệt chủng IS theo đúng nghĩa “giúp bạn là tự giúp mình”. Không chỉ chuyện những kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã được những người DNR và LNR vận dụng khá thành công ở Đông Ukraina khi họ đối đầu với quân đội ngụy Kiev và các tiểu đoàn lính Pravyi Sector, lính Svoboda, lính Bandera, lính đánh thuê đến từ phương Tây. Mà còn là bài học tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot – Yeng Sary ở Campuchia, khi mà Liên Xô hết sức ủng hộ Việt Nam cũng là một kinh nghiệm để người Nga đem không quân đến trợ giúp Chính phủ hợp hiến, hợp pháp ở Syria trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Quả là có sự giống nhau không nhỏ giữa việc Nga triển khai lực lượng quân sự ở Syria với việc Việt Nam triển khai quân tình nguyện ở Campuchia trước đó 36 năm.
Và cũng vẫn như trước đây 36 năm, Mỹ và phương Tây lập tức phản ứng với Việt Nam về việc triển khai quân tình nguyện ở Campuchia thì Mỹ và phương Tây cũng phản ứng với Nga tương tự như vậy. Và bộ máy truyền thông của Mỹ và phương Tây lập tức “quên tịt” sự tàn bạo của IS mà họ vẫn hàng ngày ra rả trước đó. Cũng như trước đây 36 năm, khi Việt Nam đưa quân sang Campuchia, bộ máy truyền thông của Mỹ và phương Tây cũng “quên tịt” sự tàn bạo của Kampuchea Dân chủ” mà trước đó, từ UPI đến AP, từ VOA đến Reuter, từ CNN đến AFP vẫn hàng ngày đưa tin.
Quả là có những sự giống nhau không hề nhỏ trong các hành xử của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào cuối năm 1978 khi triển khai quan tình nguyện ở Campuchia với Chính phủ Liên bang Nga do Tổng thống Vladimir Vladimirovich đứng đầu khi triển khai lực lượng quân sự ở Syria. Và trước đó, vào năm 1978, Liên Xô cũng đã triển khai lực lượng quân sự tại Afghanistan để yểm trợ cho Chính phủ của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA). Tuy cuộc chiến này không đem lại thắng lợi cho quân đội Liên Xô nhưng cũng phần nào loại trừ được một mối đe dọa ở phía Nam Liên Xô. Trong cuộc chiến ấy, Trung Quốc đã về hùa với Mỹ lên án Liên Xô xâm lược.
Phải đến “Sự kiện Thiên An Môn” đẫm máu xảy ra giữa lòng Bắc Kinh từ ngày 15 tháng 4 năm 1989 đến ngày 4 tháng 6 năm 1989, những người Cộng sản Trung Quốc mới rút ra được bài học đắt giá: “Những người chơi với Mỹ sẽ có kết cục thế nào”. Chính vì vậy mà có một điểm khác trong việc Nga triển khai lực lượng quân sự ở Syria: Trung Quốc ủng hộ Nga. Bây giờ thì người ta có quyền hỏi lại Mỹ: Tại sao ngay sau vụ khủng bố 11-9, đánh sập hai tòa tháp khổng lồ của WTC ngay giữa New York. Mỹ đã tuyên bố sẽ tấn công Al Qaeda ngay tại sào huyệt của chúng là Afganistan thì Nga lại không thể tiêu diệt mối nguy cơ khủng bố IS đang đe dọa cả thế giới và bản thân Nga tại chính sào huyệt của nó tại vùng ngã tư biên giới Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Jordani ? Chỉ có một câu trả lời. Cái thời mà Mỹ một tay che cả bầu trời, tay phải trước mặt làm ra vẻ chống khủng bố, tay trái sau lưng nuôi dưỡng khủng bố đã kết thúc.
Có một lăn tăn nhỏ mà người viết không biết có nên nói ra hay không. Tuy nhiên, đã nói tới A thì phải nói tới Z. Đó là Việt Nam tuổi gì mà so sánh với Nga ? Việt Nam tầm cỡ nào để Nga lấy mình làm bài học kinh nghiệm ? Thực ra thì tài năng không đợi tuổi, chính nghĩa bất kể lớn nhỏ. Một khi thế giới đã nhận ra “Cái gì là cái gì” và “Ai là Ai” thì mọi sự lừa bịp, thói đạo đức giả, mọi sự xuyên tạc, bóp méo, vu khống đều sụp đổ. Chiến tranh Việt Nam ở các thời kỳ trong thế kỷ XX không chỉ đưa lại bài học cho người Việt Nam mà còn là bài học của toàn nhân loại trong đó có cả Mỹ. Rằng đừng có dân tộc nào đó mong áp đặt điều mình muốn cho một dân tộc nào đó bằng vũ lực. Chỉ cần nhìn vào các động thái của Mỹ. Ở Afghanistan năm 201, Mỹ thực sự đã cướp công của “Liên minh miền Bắc” bởi sự lớn mạnh của họ mới là nhân tó quyết định đưa đến sự sụp đổ của Taliban trong các cuộc chiến trên bộ. Trong các trường hợp Mỹ đưa quân đến Nam Tư, đưa quân đến Afhanistan, đưa quân đến Iraq, không kích ở Syria… Mỹ đều là “khách không mời”, “tự nhiên như ruồi” và ngạo mạn. Trong khi đó thì Quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai ở Campuchia, quân đội Nga triển khai ở Syria đều là những đội quân được chính quyền và người dân ở đó cho phép và hoan nghênh.
Một khi cuộc chiến ở Syria kết thúc với thắng lợi của quân đội trung thành với Tổng thống Bashar Al Assad, một cuộc điều tra quốc tế sẽ được tiến hành. Bộ mặt thật của Mỹ trong mối quan hệ với IS và FSA cũng như Al-Nursha, chi nhánh của Al-Qaeda tại Trung Đông sẽ bị vạch trần. Đó là điều mà Mỹ lo sợ nhất. Vì vậy, khi Nga triển khai lực lượng tại Syria, Mỹ và phương Tây là quay ngoắt 180 độ, hô hào một giải pháp hòa bình, làm một cuộc chuyển giao chính trị và không còn khăng khăng một mực đòi tổng thống Al Assad phải lập tức ra đi nữa Đã đến lúc Mỹ không còn có thể lừa bịp được cả thế giới nữa. Cho dù Mỹ vẫn là cường quốc quân sự - kinh tế mạnh nhất thế giới thì thời kỳ một tay che cả bầu trời của Mỹ đã kết thúc.
Để kết thúc bài viết, tôi muốn mượn hai tác phẩm nghệ thuật nhỏ: Đó là bài hát “Điệu múa Apsara và người lính tính nguyện Việt Nam” và bản nhạc “Vũ điệu Slaviyan trên bầu trời Syria”. Và cũng có một sự tương đồng không nhỏ giữa hai tác phẩm này.
Comments[ 0 ]
Post a Comment