Các chuyên gia quân sự thế giới đang bày tỏ sự ngỡ ngàng kèm thán phục khi Hải quân Nga phóng 26 tên lửa hành trình, bay 1.500 km qua biên giới nhiều nước để tấn công IS tại Syria.
Chiến hạm Dagestan trong một cuộc diễn tập phóng tên lửa năm 2012 (Ảnh: Tass)
Ngày 7/10, Bộ quốc phòng Nga đã khiến dư luận trong và ngoài nước “phát sốt” khi công bố thông tin kèm video 4 chiến hạm Nga phóng 26 tên lửa hành trình từ biển Caspian tấn công IS trong tối 6/10.
Thông cáo khẳng định các tàu được trang bị “hệ thống tên lửa chính xác cao Kalibr NK, có khả năng tấn công mục tiêu bằng các tên lửa hành trình, tới mọi vị trí trên lãnh thổ Syria với sai số không quá 3m. Các tên lửa hành trình bay ở độ cao tối đa 50m so với địa hình”.
Ngoài vấn đề khoảng cách, các tên lửa của Nga cũng phải “quá cảnh” không phận Iran, Iraq và Syria trước khi tới mục tiêu. Hành trình bay như vậy đòi hỏi một nỗ lực chống xung đột lớn với các hệ thống phòng không và không quân tại Iraq và Iran, Bryan Clark, một cựu sỹ quan hải quân Mỹ, người từng là cố vấn đặc biệt của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho biết.
“Nếu họ thực sự đã làm việc đó, đây là một bước tiến khổng lồ về năng lực phối hợp các chiến dịch phạm vi rộng, chưa từng được thể hiện nhiều thập niên qua”, ông Clark khẳng định với USNI News.
Nếu thông tin này thực sự được xác nhận, năng lực của Nga trong việc thực hiện một vụ tấn công từ khoảng cách đó cũng mang tính gợi mở, Eric Wertheim nhà phân tích hải quân, tác giả cuốn sách Các hạm đội chiến đấu trên thế giới của Học viện Hải quân Mỹ bình luận.
Việc Nga sở hữu một vũ khí có tầm bắn và hiệu suất tương đương với tên lửa tấn công Tomahawk - tên lửa tấn công tầm xa của Mỹ - cho thấy “phần còn lại của thế giới đang bắt kịp với công nghệ này”, Wertheim nói.
Quỹ đạo hành trình của tên lửa Nga từ Biển Caspian tấn công IS tại Syria (Ảnh: Washington Post)
Ngoài việc khẳng định hiệu quả của công nghệ Nga trong việc tấn công các mục tiêu, vốn có thể dễ dàng bị phá hủy bởi các chiến đấu cơ Nga đã triển khai, cuộc tấn công còn mang thông điệp khác, Steven Horrell, chuyên gia cao cấp Hải quân Mỹ tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.
“Bất kể giá trị chiến thuật của nó là gì, đây là thông điệp rõ ràng tới Mỹ và NATO”, ông Horrell nói. “Có khả năng đây cũng là thông điệp dành riêng cho Thổ Nhĩ Kỳ sau những va chạm gần đây tại không phận khu vực biên giới”.
Việc phóng tên lửa từ biển Caspian, thay vì từ đội tàu tác chiến tại Biển Đen đang có mặt tại phía đông Địa Trung Hải, cũng cho thấy năng lực của hạm đội tàu mặt nước của Nga.
Các tàu tuần tiễu lớp Buyan-M dài chừng 70m và tàu khu trục Dagestan lớp Gepard dài 200m, nằm trong số các chiến hạm mặt nước hiện đại của Nga, được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng UKSK, có khả năng trang bị các tên lửa hành trình tầm xa. Trong khi đó các tàu trong Hạm đội Biển Đen chưa có khả năng trang bị các vũ khí hiện đại, bởi Nga chưa muốn hiện đại hóa đội tàu tại đây.
Tuy nhiên Hải quân Nga cũng đang mở rộng việc trang bị tên lửa hành trình.
“Ngoài Hạm đội Biển Caspian, năng lực này cũng được trang bị tại Biển Đen trên tàu ngầm lớp Kilo cải tiến Novorossiysk, vừa được điều động hồi tháng trước, và tại hạm đội Baltic trên các tàu khu trục mới”, Horrell khẳng định.
Nhà phân tích Jeremy Binnie, đến từ tạp chí quân sự và tình báo IHS Jane của Anh thì tin rằng, vụ phóng tên lửa có ý nghĩa khẳng định sức mạnh hơn là mang ý nghĩa chiến thuật. Theo chuyên gia này đây là lần đầu tiên một vụ phóng tên lửa hành trình có tầm bắn trên 1500km được Nga công khai.
Thông thường, các tên lửa hành trình được sử dụng để mở màn các chiến dịch tấn công, nhằm phá hủy đồng thời các mục tiêu giá trị cao, và tránh sự phát hiện của radar địch, đảm bảo yếu tố bất ngờ.
Do đó, việc Nga tấn công bằng tên lửa hành trình sau khi đã không kích các mục tiêu tại Syria suốt hơn 1 tuần thì việc này mang ý nghĩa khác.
“Tôi nghĩ nếu chúng ta để ý mục đích thường thấy của việc sử dụng tên lửa hành trình…thì đây không phải một trong những tình huống đó”, Binne nói. “Nga đã tấn công IS hơn một tuần, còn Mỹ đã làm việc này hơn một năm”.
Nhà phân tích này cho rằng các tên lửa hành trình được phóng có lẽ nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự và công nghệ Nga, nhất là khi chúng được phóng từ các tàu tuần tiễu cỡ nhỏ. Nó cho thấy ngay cả các tàu nhỏ của hải quân Nga cũng uy lực hơn vẻ bề ngoài.
Thanh Tùng-Dân Trí
Comments[ 0 ]
Post a Comment