Thái Lan trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ
Saturday, June 1, 2013
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Thái Lan để củng cố ý nghĩa của chính sách “hướng Đông”.
Hãng thông tấn Thái Lan (TNA) ngày 31/5 đưa tin, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Singh và người đồng cấp Thái Lan Yingluck Shinawatra, hai bên đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán tiến tới thiết lập Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai nước trong thời gian sớm nhất. Bà Yingluck Shinawatra cũng kêu gọi các nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar do Thái Lan xúc tiến và đặc khu kinh tế ở miền Nam Mianma nhằm tăng cường liên kết giữa ASEAN, Nam Á cũng như các nước và khu vực ở Thái Bình Dương.
Nhân chuyến thăm này, thủ tướng hai nước cũng chứng kiến lễ ký 7 thỏa thuận song phương, bao gồm một bản ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến các giao dịch tài chính nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển tiền phi pháp và một hiệp định về dẫn độ.
Đây là chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, dù trước đó ông từng hai lần đến quốc gia Đông Nam Á này để dự Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC 2004 và Hội nghị cấp cao ASEAN 15 năm 2011. Thái Lan và Ấn Độ từng tuyên bố sẽ nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược và chuyến thăm này được đánh giá là nhằm thúc đẩy mong muốn đó.
Chuyến thăm cũng nhằm khẳng định việc Ấn Độ công nhận Thái Lan là một cửa ngõ nhằm củng cố kết nối với khu vực Đông Nam Á, đồng thời phản ánh chính sách "hướng Tây" của Thái Lan và "hướng Đông" của Ấn Độ.
Theo The Indian Express, Bangkok là trung tâm quen thuộc đối với hành khách hàng không Ấn Độ tới phía Đông, có tới gần 140 chuyến bay/tuần giữa các thành phố của Ấn Độ và Bangkok. Tuy nhiên, Ấn Độ còn mong muốn có sự kết nối thương mại mạnh hơn với Thái Lan. Thủ tướng Singh nhấn mạnh vị trí của Thái Lan tại trung tâm Đông Nam Á và tầm quan trọng của nước này trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ.
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ với Thái Lan đi qua Myanmar đã được triển khai hơn một thập niên qua, với việc phát triển 1.400 km đường nối Moreh thuộc Manipur (Ấn Độ) tới Mae Sot (Thái Lan) đi qua khu vực Bagan (Myanmar) nhằm nối khu vực Đông Bắc Ấn Độ với Đông Nam Á. Tuyến đường này sẽ nâng đáng kể triển vọng kinh tế của khu vực Đông Bắc, song không thể đóng vai trò như một hệ thống giao thông “đa năng” nối Ấn Độ và Thái Lan thông qua Myanmar, cũng như vận chuyển những khối lượng lớn hàng hóa giữa Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã đẩy mạnh một dự án như vậy, với tên gọi là hành lang Dawei. Dự án này có vốn đầu tư 8 tỷ USD, bao gồm xây dựng một cảng nước sâu ở cực Nam Myanmar. Dawei chỉ cách Bangkok 250 km về phía Tây. Bên cạnh cảng nước sâu, các cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, trạm xăng dầu… sẽ biến khu vực này thành một trung tâm hậu cần lớn.
Với hành lang Dawei, bà Yingluck hy vọng biến Thái Lan thành một trung tâm giao thông vận tải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nội các Thái Lan đã thông qua quyết định ủng hộ phát triển dự án hành lang Dawei hồi đầu tháng 5, vấn đề còn lại của Bangkok là phải thu hút đầu tư quốc tế. Tuần trước, bà Yingluck đã tới Tokyo để kêu gọi sự ủng hộ của Nhật Bản đối với dự án. Nhật Bản quan tâm đến dự án này, song họ đang phải tập trung phát triển một hải càng khác tại Thilawa, gần Yangon (Myanmar). Trong chuyến thăm Myanmar vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã tới Thilawa và khẳng định sự ủng hộ của Tokyo đối với việc xây dựng một khu công nghiệp gần hải cảng mà các công ty Mitsubishi, Marubeni và Sumitomo của Nhật Bản đang tham gia./.
V.V - TOQUOC
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment