Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung trước quan hệ song phương phức tạp
Wednesday, July 10, 2013
Chương trình nghị sự lớn nhưng thiếu sự tin cậy chiến lược.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ lần thứ năm diễn ra tại Washington từ ngày 10-11/7 là một hoaṭ động giao lưu cấp cao quan trọng giữa hai nước tiếp sau cuộc gặp Barack Obama-Tập Cận Bình ở California tháng trước.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, phía Trung Quốc mong thông qua đối thoại lần này tiếp tục thực hiện nhận thức chung quan trọng đạt được giữa nguyên thủ hai nước về cùng nhau nỗ lực kiến tạo quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng trong thời kỳ mới, thiết thực biến ý chí về xây dựng quan hệ kiểu mới thành hành động chính sách.
Đây là sự kiện thường niên luân phiên, được khởi động cách đây 5 năm nhằm điều hòa và giải quyết các vấn đề xung quanh mối quan hệ song phương ngày càng phức tạp. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ hội đàm cùng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương. Ngoài ra còn có những người phụ trách của hơn 20 bộ ngành.
Chương trình nghị sự liên quan nhiều lĩnh vực
Về an ninh mạng, theo Báo cáo công bố ngày 23/5 của Ủy ban Giám sát hoạt động đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, mỗi năm nền kinh tế số một thế giới thiệt hại khoảng 300 tỷ USD do các cuộc tấn công quy mô lớn của tin tặc quốc tế. Số tiền tương đương với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang châu Á trong năm 2012. Sau 11 tháng điều tra, Ủy ban trên kết luận trong số các tin tặc quốc tế, tin tặc từ Trung Quốc là thủ phạm đánh cắp bản quyền hàng đầu thế giới.
Tranh cãi giữa hai nước ngày càng phức tạp hơn sau khi trong số các thông tin về chương trình giám sát mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị Edward Snowden tiết lộ có nhắc tới các mục tiêu là mạng máy tính của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và Đại học Hong Kong. Trung Quốc hy vọng qua đối thoại lần này sẽ nhận được sự giải thích cụ thể từ phía Mỹ. Trong khi đó, Mỹ muốn hai bên tập trung vào các vụ đánh cắp thông tin thương mại và các tài sản trí tuệ khác.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, Mỹ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để Trung Quốc tiếp tục có thái độ cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên sau khi quốc gia này tiến hành vụ thử hạt nhân hồi tháng 2/2013 và Bình Nhưỡng liên tục có các hành động khiêu khích. Liệu các tuyên bố của Trung Quốc đối với Triều Tiên có mang lại kết quả thiết thực cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay không sẽ cho thấy bản chất của thoả thuận của Trung Quốc là mới hay vẫn theo đường mòn cũ. Theo một số nhà phân tích, sự chuyển hướng trong thái độ của Trung Quốc không hề đồng nghĩa với việc cường quốc châu Á này đã thay đổi quan điểm trong việc duy trì sự tồn tại của Bắc Triều Tiên.
Cuộc gặp Barack Obama-Tập Cận Bình tại Sunnyland (6/2013), được phía Trung Quốc xác định là cột mốc cho quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ - mục tiêu mà Trung Quốc phấn đấu xây dựng với Mỹ trong thập kỷ tới
Về tranh chấp lãnh hải ở Đông Á: Hiện Mỹ vẫn tuyên bố trung lập trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại châu Á, phủ nhận vai trò trung gian giữa các bên, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh các hàng động làm ảnh hưởng tiêu cực tới tự do hàng hải trong khu vực. Điểm mới là Mỹ công khai tuyên bố chống lại việc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng tại các vùng biển có tranh chấp ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Nhật Bản và Philippines là hai đồng minh quân sự chính thức của Mỹ. Theo Bắc Kinh, chính sách tái cân bằng lực lượng tại châu Á mà chính quyền Obama đang thực hiện đã trở thành đòn bẩy cho các nước thách thức Trung Quốc và đã phá vỡ sự yên tĩnh của khu vực.
Về quan hệ quân sự song phương, các đối thoại trước đây thường diễn ra đứt quãng và là yếu điểm của quan hệ hai nước, tuy đã phát triển đáng kể trong vòng hai năm trở lại đây, với hàng loạt chuyến thăm cấp cao và các cuộc hội đàm bên lề nhiều hội nghị khu vực.
Các vấn đề kinh tế đề cập 5 lĩnh vực
Vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của cả Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất trên thế giới. Trong các cuộc thảo luận đầu tiên hồi tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ giảm dần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Nghị định thư Montreal năm 1987 của Liên hợp quốc (LHQ). Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Nhóm Hoạt động vì Biến đổi Khí hậu Mỹ-Trung mới được thành lập hồi tháng 4/2013 sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể để thúc đẩy hợp tác song phương trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Về đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ đang phải đối mặt với các rào cản hoặc những hạn chế về quyền sở hữu trong khoảng 90 lĩnh vực tại Trung Quốc và điều này đang cản trở các cơ hội của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mỹ đang lo ngại nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các quyết định bất lợi từ Quốc hội Mỹ hoặc bị từ chối vì lý do đảm bảo an ninh mà Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ đưa ra. Các quan chức hy vọng trong khuôn khổ đối thoại lần này, hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận bước đầu về một hiệp định đầu tư song phương, tuy nhiên, các thỏa thuận tương tự sẽ cần nhiều năm để cân nhắc và thông qua.
Về nông nghiệp, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên, người nông dân Mỹ vẫn đang phải chịu nhiều rào cản từ Trung Quốc làm hạn chế hoạt động của họ. Mỹ muốn Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò, thịt lợn và gia cầm. Hiện Trung Quốc đang thi hành các điều luật giới hạn nhập khẩu các sản phẩm hoa quả như táo, lê, khoai tây và dâu tây, động thái mà Mỹ cho là vô căn cứ và không dựa trên các bằng chứng khoa học cụ thể. Việc Trung Quốc không mặn mà cân nhắc nhập khẩu các loại nông sản biến đổi gien cũng là nguyên nhân khiến Mỹ thất vọng, mặc dù hồi tháng trước Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu hai loại ngô hạt biến đổi gien để phục vụ hoạt động chăn nuôi của nước này trong bối cảnh dân số tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn.
Về tiền tệ, Mỹ lâu nay vẫn cho rằng chính quyền Trung Quốc đã định giá quá thấp đồng nhân dân tệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này có nhiều lợi thế về giá hơn so với các nước khác trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã giảm bớt thái độ gay gắt đối với việc Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân tệ sau khi đồng nhân dân tệ tăng giá, thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc giảm và giá nhân công tăng khiến các sản phẩm của quốc gia châu Á này mất dần lợi thế cạnh tranh.
Về kiểm soát xuất khẩu, Trung Quốc trong nhiều năm đã kêu gọi Mỹ giảm bớt hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu các hàng hóa công nghệ cao của Mỹ sang Trung Quốc với nhiều khả năng ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Washington đang trong giai đoạn cải cách quy chế kiểm soát xuất khẩu, tuy nhiên các quan ngại của Mỹ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và lo ngại rằng nới lỏng xuất khẩu các mặt hàng này có thể giúp Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự có thể làm hạn chế các cơ hội mới của các công ty Trung Quốc trong việc mua các mặt hàng công nghệ cao của Mỹ.
Đại sứ Thôi Thiên Khải tìm cách làm nhẹ các mong đợi từ cuộc gặp lần này. Ông ta nói cần “có một cái đầu lạnh” để đánh giá về kết quả của cuộc Đối thoại; một cuộc gặp thượng đỉnh chưa thể bảo đảm cho quan hệ phát triển suôn sẻ.
Việc hai bên thiếu lòng tin chiến lược lẫn nhau là nhược điểm chính của quan hệ Trung-Mỹ. Các gặp gỡ thượng đỉnh hoặc cấp cao Mỹ-Trung khó lòng khắc phục được sự thiếu hụt cơ bản này, tuy nó giảm thiểu các hiểu lầm có thể dẫn tới đổ vỡ quan hệ. Có thể nói nó chỉ có tăng chứ không giảm cùng với việc Trung Quốc tăng cường quốc lực và sức mạnh quân sự, thách thức vai trò truyền thống của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, cũng như tại những khu vực trọng điểm khác, như châu Phi, Mỹ Latinh./.
Nguyễn Nguyên - Toquoc
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment