Phía sau thành tựu bất ngờ của công nghiệp quân sự Việt Nam
Thursday, July 11, 2013
Trước khi Viettel tham gia sản xuất thiết bị quân sự, ít người nghĩ rằng Việt Nam có khả năng này bởi chỉ những quốc gia phát triển với tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ mới đủ năng lực.
Máy thu phát sóng cực ngắn 50W – một thiết bị thông tin quân sự 'Made by Viettel'.
Khi trên đường trở thành tập đoàn viễn thông số 1 Việt Nam, vươn ra thế giới và cũng ở vị trí số 1 tại một số thị trường như Lào, Campuchia, giấc mơ sản xuất thiết bị quân sự của người đứng đầu Viettel bỗng ùa về. Vốn là Giám đốc Nhà máy thông tin M1 – đơn vị chịu trách nhiệm gia công, lắp ráp, sửa chữa thiết bị thông tin quân sự cho Quân đội – Trung tướng Hoàng Anh Xuân từng có một khát vọng tự sản xuất được các thiết bị này mà không cần phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Hàng chục năm, dự định ấy chưa thành hiện thực nhưng nó vẫn được ông ấp ủ dù đã có nhiều công ty đã thử tham gia lĩnh vực này và không thành công. Bên cạnh đó, khi nói đến công nghiệp quân sự, người ta thường nghĩ đến những tổ hợp quốc phòng khổng lồ của các quốc gia phát triển như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Israel… chứ không ai nghĩ đến một nước đang phát triển như Việt Nam có thể góp mặt. Thế nhưng, cũng giống như nhiều nhiệm vụ được coi là “bất khả thi” trước đó, người lãnh đạo của Viettel vẫn quyết định xung trận.
Trên thực tế, việc sản xuất thiết bị quân sự không hề dễ dàng, chưa kể đến những thói quen, suy nghĩ về việc sử dụng hàng ngoại cũng làm khó sản phẩm trong nước. Và khi mới tham gia vào lĩnh vực này, không ít lần, Viettel phải nghe những lời can ngăn. Giám đốc AIC, đơn vị chuyên tư vấn về thiết bị quân sự thẳng thắn khẳng định, trong lĩnh vực này, người Việt Nam không thể làm được.
Với dự án sản xuất máy thông tin quân sự dành cho không quân, công suất 150w, 5 lần mang ra thao trường thử nghiệm là 5 lần, các kỹ sư Viettel phải mang sản phẩm trở lại phòng thí nghiệm. Đã không ít lần, cán bộ Viettel nản lòng. Thế nhưng, về với Viettel là rất nhiều kỹ sư, kiến trúc sư người Việt Nam đã từng làm thuê cho các công ty tên tuổi của nước ngoài. Đã từng kinh qua nhiều vị trí, nhiều công ty, tất cả đều có chung một nhận định, người Việt Nam rất thông minh, khéo léo và hoàn toàn có đủ khả năng làm chủ công nghệ, làm chủ kỹ thuật. Giấc mơ “người Việt Nam làm được” đã khiến những kỹ sư Viettel quyết không lùi bước. Cũng giống như trước đó, những kỹ sư Viettel đã không nản lòng khi phải đi tìm từng vị trí phù hợp để đặt trạm phát sóng, phủ gần như toàn bộ vùng biển Việt Nam với bán kính cách bờ 100km, điều mà chỉ có trên lý thuyết mà chưa từng có công ty nào trên thế giới làm được. Cũng giống như cách đây hơn chục năm, các kỹ sư Viettel là những người đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ thu phát sóng trên cùng 1 sợi cáp quang với cự ly gần 1.500 km.
Khó khăn khi sản xuất chỉ là một phần nhỏ trong những trở ngại mà các kỹ sư Viettel gặp phải. Ngay cả khi nhiều sản phẩm đã thành công, Viettel vẫn phải đối mặt với không ít nghi kỵ. Nhiều người vẫn cho rằng, Viettel đơn thuần chỉ là lắp ráp. Thậm chí, ngay một chiếc anten, trước kia, khi hỏng là vứt đi toàn bộ cái máy, cán bộ, kỹ sư Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công, cứu sống một chiếc máy, nhưng những người sử dụng không ngần ngại cho rằng, Viettel mua anten của nước ngoài về lắp.
Anh Nguyễn Văn Ty- Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty M1 cho biết, khi đưa mẫu máy thông tin quân sự lục quân ra đơn vị chiến đấu thử nghiệm và lấy ý kiến, cán bộ, chiến sỹ nhìn ngắm chiếc máy rồi đưa ra những yêu cầu “cắc cớ” như:“Cái nút điều chỉnh này chúng tôi dùng quen dạng núm xoay rồi, các anh thay đổi như vậy thì chúng tôi không thao tác nhanh được…”.
Nếu chiếc máy kia là sản xuất theo đơn đặt hàng, chắc chắn, Viettel sẽ phải tốn không ít thời gian để thay đổi chiếc núm. Vì để sản xuất đơn lẻ, với yêu cầu quay trở lại sử dụng những cách thức đã cũ, ít đơn vị nào đồng ý thực hiện. Tuy nhiên, chỉ 2 hôm sau, các kỹ sư Viettel đã quay lại với không chỉ 1 mà là 5 phương án khác nhau cho các chiến sỹ lựa chọn. Điều đó đã hoàn toàn thuyết phục được những người sử dụng….
Vào ngày 24/4/2013, Bộ Quốc phòng chính thức giao nhiệm vụ cho Viettel sản xuất trang bị thông tin đảm bảo cho toàn quân trong hai năm 2013- 2014. Đây là một minh chứng thuyết phục đầu tiên cho việc làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị quân sự của Viettel. Tuy nhiên, theo như lãnh đạo của tập đoàn xuất thân từ Quân đội: “Chặng đường xây dựng một ngành công nghiệp trong lĩnh vực này cho đất nước còn rất dài và những kỹ sư của Viettel sẽ còn rất nhiều trở ngại cũng như khó khăn trên con đường đi của mình”.
Cú đập bàn tóe máu khó quên
Đã gần 3 năm trôi qua, nhưng đến giờ, anh Lưu Quang Trường – Nguyên Phó Giám đốc Kĩ thuật Nhà máy thông tin M1, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển, nay là Trưởng phòng Nghiên cứu, sản xuất thiết bị của Tập đoàn, vẫn không quên lần vị Tổng Giám đốc, Trung tướng Hoàng Anh Xuân đập vào bàn kính chảy máu tay khi xuống kiểm tra Nhà máy M1 vào một ngày cuối tháng 11/2010.
Căn nguyên cũng vì tiến độ sản xuất máy vô tuyến điện sóng ngăn 20W – 1 sản phẩm đề tài của Nhà máy lúc bấy giờ quá chậm, phần lớn do chưa tìm được cách làm đúng. Sau cú đập bàn đó, anh Trường được giao trọng trách chỉ huy đội quân của Nhà máy, đảm bảo đến 30/12/2010, tức 1 tháng sau phải có 40 sản phẩm “ra lò”. Với kinh nghiệm thực tế hơn 20 năm trong quân đội, sành sỏi về lĩnh vực đảm bảo thông tin, anh Trường đã nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm đầu tay của Nhà máy M1 và hoàn thành đúng thời hạn.
Theo Nguyễn Hà - Khoa học và Đời sống
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment