Phải còn rất lâu nữa trình độ công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc mới đuổi kịp Nga, Mỹ nhưng với phương châm giá rẻ, số lượng nhiều để bù chất lượng, các vũ khí “made in China” trên biển Đông thực sự là một ẩn số cần hóa giải.
Xe chở tên lửa CJ-10 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh năm 2009
Với CJ-10, Trung Quốc hù dọa cả Mỹ
Tên lửa hành trình Chang Jian-10 (CJ-10) lần đầu công khai trong cuộc duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc năm 2009. Loại tên lửa đã thu hút nhiều sự chú ý của giới chuyên gia quốc tế. Nhưng kể từ đó tới nay, CJ-10 đã "mất tích" hoàn toàn.
Không chỉ thế, CJ-10 xuất hiện năm 2009 không được tiết lộ diện mạo thực sự. Vì khi đó, loại tên lửa này được "bọc" trong ống phóng đặt trên xe tự hành bánh lốp.
Thời gian gần đây, Trung Quốc lại công khai rộng rãi tính năng kỹ thuật của CJ-10, cũng như biến thể nâng cấp CJ-10A. Theo tuyên bố của giới truyền thông Trung Quốc đây là một quân bài chiến lược không chỉ ở biển Đông, biển Hoa Đông mà còn góp phần khẳng định sức mạnh của Trung Quốc trên cả Thái Bình Dương.
Trung Quốc tuyên bố rằng với CJ-10A, các tàu sân bay cỡ lớn, thậm chí các căn cứ Mỹ ở Guam, Hawai đều dễ dàng bị tiêu diệt.
Trong sách trắng quốc phòng năm 2012 của Trung Quốc mới công bố, lần đầu tiên nước này công bố khá chi tiết về lực lượng pháo binh số 2 (cách gọi lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc). Trong đó, lần đầu tiên tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 được công bố.
Lữ đoàn tên lửa CJ-10 đầu tiên đặt ở Liễu Châu, phía Nam khu tự trị Quảng Tây, trong khi đó, lữ đoàn thứ 2 được xác nhận triển khai ở trung tâm phía Nam của tỉnh Hồ Nam. Theo các nguồn tin chưa được xác nhận thì lữ đoàn tên lửa CJ-10 thứ ba có vẻ như đã được triển khai ở khu vực Jianshui, phía Tây Nam tỉnh Vân Nam.
Bức ảnh được cho là cảnh bắn thử tên lửa CJ-10
Trong năm 2009, một báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng, Lực lượng pháo binh số 2 của Trung Quốc được trang bị khoảng 150 - 350 tên lửa CJ-10.
CJ-10 còn được gọi là Long Sword, hay Trường Kiếm là một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất cũng như tấn công hạm tàu. CJ-10 được thiết kế tương tự như BGM-109 Tomahawk của Mỹ.
Sự phát triển của CJ-10 được cho là dựa trên nguyên mẫu và tài liệu kỹ thuật của tên lửa hành trình Kh-55 của Liên Xô trước đây do Ukraine nắm giữ. Các phương tiện truyền thông Nga cho rằng, Ukraine có thể có một vai trò lớn trong dự án phát triển tên lửa CJ-10 của Trung Quốc.
Ngoài công nghệ tên lửa hành trình Kh-55 của Liên Xô/Nga, Trung Quốc cũng đã thu được một số tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ từ Pakistan và Afghanistan, sau khi các tên lửa này bắn lỗi trong một đợt tấn công vào Al Qaeda năm 1998. Những kinh nghiệm từ các tên lửa này đã được Trung Quốc ứng dụng vào chương trình phát triển tên lửa CJ-10 của họ.
Tên lửa được thiết kế với 3 ống phóng đặt trên khung gầm xe tải WS-2400 8x8 bánh. Theo các thông số kỹ thuật được công bố, CJ-10 có tầm bắn khoảng 1.500 - 2.000km. Đặc biệt, tên lửa có khả năng đạt tốc độ vượt âm thanh, Mach 2,5. CJ-10 mang theo một đầu đạn nặng 500 kg và thậm chí cả đầu đạn hạt nhân, độ chính xác tiêu diệt mục tiêu nhỏ hơn 10 m. Một quả đạn tên lửa CJ-10 có khả năng đánh chìm chiến hạm cỡ 7.000 - 10.000 tấn. CJ-10 dựa vào các cảm biến tiên tiến để tìm, nhận dạng, xác định vị trí của mục tiêu.
Tên lửa CJ-10 lắp trên máy bay ném bom H-6
Bức ảnh được cho là ống phóng tên lửa CJ-10 gắn trên khu trục hạm Type 052C
Biến thể tên lửa hành trình CJ-10A được phóng từ trên không, có tầm bắn xa từ 2.000 - 2.200 km, CJ-10A chỉ có tầm phóng 300 km. Các tên lửa thường được lắp ở các giá treo bên ngoài cánh của máy bay ném bom H-6K với cơ số 6 tên lửa.
Ngoài ra, gần đây còn có hình ảnh xuất hiện biển thể CJ-10 phóng từ tàu ngầm hạt nhân Type 95 và khu trục tối tân Type 052D.
Nghi ngờ của các chuyên gia
Sau khi phát hiện sách trắng quốc phòng Trung Quốc đề cập tới tên lửa hành trình tầm xa CJ-10, Viện Nghiên cứu Project 2049 (tổ chức của Mỹ nghiên cứu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương) đã có sự “quan tâm đặc biệt” tới vũ khí mới này.
Theo như các công bố thì CJ-10 thực sự là một mối nguy hiểm, nhưng cũng như nhiều loại vũ khí “made in China” được truyền thông Trung Quốc tung hô thì CJ-10 cũng có những hạn chế nhất định.
Trên truyền thông Trung Quốc, chuyên gia quân sự Yanyan Wang đã ca ngợi loại tên lửa này còn hơn cả Tomahawk của Mỹ.
Vị chuyên gia này cho rằng, CJ-10 đang được triển khai cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và có đủ khả năng để đánh chìm tàu tuần dương hạm tên lửa của Mỹ ngay loạt đạn đầu tiên. Để minh chứng cho lập luận của mình, chuyên gia Wang đã đưa ra một số so sánh giữa CJ-10 và Tomahawk.
Theo đó, tên lửa Tomahawk có tốc độ hành trình cận âm nên rất dễ bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không mặt đất. Trong chiến tranh Kosovo năm 1999, liên quân Anh - Mỹ đã phóng đi khoảng 1.000 tên lửa vào Nam Tư, trong đó, 328 tên lửa bị đánh chặn (khoảng 30%, theo thông tin từ trang mạng của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ thì số lượng tên lửa Tomahawk được sử dụng trong chiến tranh Kosovo chỉ có 218 tên lửa được phóng đi).
Trong khi đó, tên lửa CJ-10 có tốc độ siêu âm nên rất khó đánh chặn. Tuy nhiên, thông tin này có vẻ không hợp lý. Thông thường, các tên lửa hành trình tấn công mặt đất sử dụng động cơ tua bin phản lực nên rất khó đạt được tốc độ siêu âm. Ngoài ra nếu tốc độ siêu âm bay trong tầng khí quyển rất khó để bất kỳ loại tên lửa nào đạt tầm xa hàng ngàn km vì vấn đề lực cản không khí và nhiên liệu.
Hơn nữa, độ cao hành trình của tên lửa tương đối thấp nên nếu bay với tốc độ siêu âm, tên lửa sẽ không kịp thay đổi quỹ đạo bay khi gặp chướng ngại vật, nhất là các dãy núi cao.
Với tốc độ cận âm, Tomahawk mới có thể thay đổi quỹ đạo phù hợp với địa hình cũng như có tầm bắn lên đến hàng nghìn km
Chưa hết, vị chuyên gia này còn lập luận rằng, CJ-10 được trang bị hệ thống dẫn đường rất tinh vi, kết hợp giữa dẫn hướng quán tinh và định vị GPS nên có khả năng nhắm các mục tiêu đang di chuyển, trong khi đó, Tomahawk chỉ có thể tấn công các mục tiêu cố định.
Thông tin này tiếp tục không chính xác. BGM-109 Tomahawk là loại tên lửa hành trình có hệ thống dẫn đường phức tạp nhất thế giới hiện nay, kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, men theo địa TERCOM, tương quan cảnh trí kỹ thuật số DSMAC và GPS.
Trong khi đó, CJ-10 được trang bị hệ thống dẫn hướng kết hợp quán tính và GPS thì việc bám theo các mục tiêu đang di chuyển như tàu chiến là một dấu hỏi lớn trừ khi nó được trang bị radar chủ động ở giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của CJ-10 được quảng cáo là từ 10-50 m nhưng trên thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, bán kính lệch mục tiêu của Tomahawk chỉ từ 3-10 mét tùy vào điều kiện địa lý của mục tiêu.
Với bán kính lệch mục tiêu như vậy thì khả năng bám theo một tàu tuần dương tên lửa của Mỹ thực sự là một ẩn số. Mặt khác, Tomahawk đã có lịch sử hơn 22 năm tham chiến trong khi CJ-10 chỉ mới được phóng thử nghiệm. Sự ca tụng CJ-10 vượt trội Tomahawk cần phải xem lại.
Ẩn số ở biển Đông và cách giải của Việt Nam
CJ-10 được phát triển để làm lá bài đối phó với Mỹ. Do vậy trước hết, đối tượng và mục tiêu là hạm đội tàu sân bay cũng như các căn cứ Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên với động thái trang bị máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể mang tên lửa CJ-10A, cũng như tuyên bố H-6K sẵn sàng tham chiến ở biển Đông của truyền thông Trung Quốc và hoạt động tập trận bắn đạn thật của H-6K ở biển Đông mà giới quân sự công bố, không loại trừ CJ-10A can dự vào biển Đông. Do đó, ta cần tìm cách hóa giải được ẩn số này.
Máy bay ném bom chiến lược H-6 và tên lửa CJ-10A của Trung Qốc
Máy bay ném bom chiến lược H-6K vừa được Trung Quốc đưa vào biên chế
Hình ảnh Trung Quốc công bố về việc 12 máy bay ném bom H-6 diễn tập ở biển Đông
Trước hết, cần tăng cường hoạt động dự báo, trinh sát phát hiện sớm để kịp thời triển khai các phương án đối phó. Khi dự báo được tình hình cũng như phát hiện sớm tình huống, có thể sử dụng lực lượng tiêm cường kích đánh chặn trên đường cơ động của các máy bay mang CJ-10A.
Các máy bay mang CJ-10 đều là các mang bay thiên về tầm bay xa và tải nặng nên sẽ gặp nhiều khó khăn trước sự linh hoạt của các máy bay Su-27, Su-30MK2, Su-30MK2V… mang tên lửa không đối không hiện đại R-27, R-73, R-77…
Chúng ta thấy hạn chế lớn của CJ-10A là khi bay tốc độ cao 2.500 km/h, CJ-10A chỉ có tầm phóng 300 km, do vậy, các máy bay này hoặc không thể bay quá nhanh hoặc cần thiết phải tiếp cận gần mục tiêu. Đây là điểm yếu mà chúng ta có thể khai thác.
Su-30MK2 có trong biên chế Không quân Việt Nam với các tên lửa không đối không hiện đại R-27, R-73, R-77
Thứ hai là cần tăng cường hệ thống phòng thủ, nhất là hệ thống phòng không trên biển Đông. Có một hệ thống phòng không mạnh thì các tàu chiến cũng như căn cứ trên biển Đông có thể được bảo vệ. Hệ thống phòng không này không chỉ tiêu diệt được máy bay mà cần đánh chặn được các tên lửa hành trình.
Ngoài hệ thống phòng không thì việc bố trí các căn cứ, các tàu chiến cũng cần theo nguyên tắc hỏa lực tập trung hỏa khí phân tán. Khi đó, việc sử dụng tên lửa hành trình sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn, thậm chí là còn thấp hơn vũ khí cổ điển là bom thông thường. Vì các loại tên lửa thường dùng để tiêu diệt mục tiêu quan trọng, tập trung chứ không phát huy khi đánh phá trên diện rộng.
Hệ thống Palma trên tàu Gepard 3.9 Việt Nam bao gồm 2 pháo bắn siêu nhanh AO-18KD 6 nòng x30mm mỗi khẩu, loại pháo này có tốc độ bắn lên đến 6000-10.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả từ 3.000-4.000 m, tạo nên một màn đạn dày đặc đủ sức tiêu diệt bất kỳ loại tên lửa hành trình nào. Ngoài ra, hệ thống còn được tích hợp 8 tên lửa siêu thanh dẫn bằng laser Sosna-R có thể đánh chặn đồng thời 6 mục tiêu ở cự ly 200-8.000 m và bay ở độ cao tối đa 3.500 m
Hệ thống phòng không tầm trung SHTIL-1 theo các thông tin sẽ được trang bị cho tàu Gepard 3.9 mới của Việt Nam có tầm bắn 50 km, độ cao 15 km, số đạn 32, có thể chống tên lửa hành trình
Thực tế chiến tranh Việt Nam đã chứng minh rằng, vũ khí chỉ một yếu tố, quan trọng hơn là cách sử dụng vũ khí như thế nào. Bài học này, nước Mỹ hiện đại và hùng mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc đã trải qua.
Theo: Soha.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment