Một chính sách, hai cách gọi
Mặc dù cách gọi có khác nhau, nhưng “xoay trục” hay “tái cân bằng” đều được dùng để mô tả chính sách của Nhà Trắng trong việc tăng cường can dự và hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương, nhằm củng cố lợi ích chiến lược của Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Chính sách này có bốn trụ cột chính là: thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, phát triển quan hệ đối tác với các trung tâm quyền lực đang nổi lên, hình thành mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, và tích cực tham gia các cơ chế đa phương.
Về mặt nội dung, thuật ngữ “xoay trục” (Pivot) được dùng để miêu tả sự chuyển hướng trọng tâm của chính sách Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới học giả cho rằng thuật ngữ này gợi lên cảm giác nước Mỹ đã bỏ quên khu vực này trong quá khứ để nay quay lại. Đồng thời, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ “xoay trục” sang khu vực khác trong tương lai. Chính vì vậy, vào khoảng thời gian đầu năm 2012, việc sử dụng thuật ngữ này đã không còn nhận được ủng hộ của giới quan chức Mỹ.
Sau đó, thuật ngữ “tái cân bằng” (Rebalancing) đã được sử dụng lần đầu trước dư luận, khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhấn mạnh từ này nhiều lần trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại Shangrila tháng 6 năm 2012. Tuy nhiên, cách dùng thuật ngữ này lại làm dấy lên những nghi ngại của Bắc Kinh về mục đích thực sự của việc Mỹ tăng cường chính sách đối với châu Á. Vì vậy, thuật ngữ này cũng không nhận được sự ủng hộ của hầu hết các quan chức Mỹ.
Mặc dù cho đến nay vẫn còn tồn tại sự thiếu nhất quán xung quanh tên gọi chính thức, song hai thuật ngữ “xoay trục” và “tái cân bằng” vẫn được sử dụng phổ biến trong các văn bản nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, giới học giả và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới khi đề cập tới chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama.
Quyết tâm chính trị
Để trả lời cho những nghi vấn xoay quanh tính bền vững của chính sách “xoay trục”, các quan chức hàng đầu ở Nhà Trắng đã có hàng loạt những phát biểu nhằm làm rõ quyết tâm của chính quyền Obama. Ví dụ như cố vấn An ninh Quốc gia – Tom Donilon đã phát biểu vào ngày 15 tháng 11 năm 2012 rằng “nước Mỹ có những lợi ích gắn kết chặt chẽ với kinh tế, an ninh, chính trị của châu Á. Sự thành công của nước Mỹ trong thế kỷ 21 sẽ gắn với thành công của châu Á”.
Trước đó, tháng 11 năm 2011, trong bài phát biểu trước Quốc hội Úc, Tổng thống Obama đã khẳng định những tập trung của Mỹ tại khu vực phản ánh một sự thực cơ bản là “Mỹ đã, đang và sẽ luôn là một quốc gia Thái Bình Dương”. Với lời khẳng định trên, chính quyền Obama muốn truyền tải thông điệp rằng Mỹ không phải quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương, vì Mỹ luôn ở đây, và Mỹ đặt khu vực là trọng tâm chính sách vì Mỹ có những lợi ích chiến lược tại đây.
Trong một động thái tương tự, tại diễn đàn Shangri-La năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã chứng minh việc lấy châu Á – Thái Bình Dương làm trọng tâm là hoàn toàn hợp lý với thực tế Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương. Theo bài phát biểu của Panetta, nước Mỹ trở thành một quốc gia Thái Bình Dương kể từ thế kỷ 19, khi nước Mỹ bắt đầu phát triển sang hướng Tây. Trong lịch sử phát triển của nước Mỹ, các hoạt động đánh bắt thủy sản và sự mở rộng của các hải cảng đã giúp gia tăng tầm quan trọng của kinh tế biển trong tổng thể nền kinh tế Mỹ.
Sang thế kỷ thứ 20, trong cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ II, Thái Bình Dương trở thành một mặt trận tham chiến của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ còn dính líu tới các cuộc chiến tranh tại Việt Nam và bán đảo Triều Tiên. Chính những dính líu này đã dẫn tới hơn sáu thập niên Mỹ hiện diện quân sự tại khu vực, cùng với những quan hệ về ngoại giao, thương mại, viện trợ, v.v…
Đối với thế kỷ 21, chính quyền Obama nhận ra rằng thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lý do bởi các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đều đang tập trung ở khu vực, như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia. Sở hữu mức dân số và lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, châu Á – Thái Bình Dương trở thành thị trường kinh tế hấp dẫn và khu vực có khả năng chi phối vấn đề hòa bình, an ninh toàn cầu.
Kế thừa và thay đổi
Chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Châu Á – Thái Bình Dương đang đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong môi trường chiến lược toàn cầu. Không chỉ riêng Trung Quốc mà cả một khu vực rộng lớn hơn từ Nam Á kéo dài sang bờ Tây nước Mỹ, đã trở thành động lực mới của nền kinh tế và chính trị thế giới.
Điều này được thể hiện thông qua sức mạnh tài chính của châu Á sau hai thập niên phát triển gần đây đang vượt qua khả năng tài chính của Mỹ và châu Âu, vốn đang chìm trong khủng hoảng. Chính điều này đã góp phần nâng cao ảnh hưởng chính trị cho châu Á trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, sự mau lẹ trong quá trình mở rộng và hiện đại hóa quân sự đang giúp cải thiện đáng kể khả năng quân sự của các nước ở châu Á. Chính những biến chuyển này khiến châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm chi phối chính trị, an ninh, kinh tế toàn cầu.
Để bắt kịp xu thế, các nước phương Tây phải đổi mới tư duy về vai trò, cũng như những tác động của khu vực này tới toàn thế giới. Trong khi đó, với tư thế của một siêu cường đang chịu cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm quyền lực khác, Mỹ cần một khu vực có thể giúp Mỹ duy trì vị thế. Chính vì vậy, Mỹ không thể đứng ngoài cuộc chơi tại khu vực quan trọng hàng đầu như châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo một số báo cáo của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á thể hiện một sự tăng cường về chính sách hơn là một sự chuyển hướng chính sách quốc phòng triệt để.
Việc chính quyền tăng cường nhấn mạnh vai trò của khu vực châu Á – Thái Bình Dương như một biểu hiện trong việc thay đổi phương tiện thực hiện chính sách hơn là các mục tiêu chính sách. Bằng chứng là những lợi ích cơ bản của nước Mỹ ở khu vực bao gồm ổn định, tự do hàng hải, tự do thương mại, thúc đẩy dân chủ - nhân quyền vẫn không thay đổi.
Trên thực tế, mức độ tiếp nối chính sách với châu Á của chính quyền Obama với các chính quyền trước đó là khá rõ ràng. Tổng thống tiền nhiệm George W.Bush đã có chính sách tập trung vào phía Tây và phía Nam của khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận, thay vì thiết lập các căn cứ cố định và thường trực. Đến nay, chính quyền Obama và chiến lược quốc phòng đang phát triển chính sách về châu Á giống như cách tiếp cận của chính quyền Bush trước đó.
Mặc dù vậy, những thay đổi dưới thời Obama mang tính đổi mới hơn. Trong đó, quan trọng nhất phải kể tới quy mô quân sự và quy mô chiến lược trong bối cảnh Mỹ vừa phải cân nhắc những vấn đề an ninh ở Đông Á, vừa phải giảm thiểu tối đa tác động của quá trình cắt giảm lực lượng hải quân thay vì lục quân hay lực lượng lính thủy đánh bộ. Chiến lược này bao gồm việc hải quân Mỹ sẽ bố trí lại lực lượng, từ 50/50 thành 60/40 giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương vào 2020.
Như vậy, tiếp nối mục tiêu xuyên suốt là duy trì vị thế số 1 thế giới, Mỹ dưới thời chính quyền Obama đã quyết định chuyển hướng, tập trung chính sách cho khu vực Tây Thái Bình Dương – một khu vực phát triển năng động, đang ngày càng có sức ảnh hưởng tới kinh tế và an ninh toàn cầu.
Bùi Quốc Khánh - Tuần VietNamNet
Comments[ 0 ]
Post a Comment