Vì sao Trung Quốc không muốn thực thi đầy đủ luật pháp quốc tế?
Wednesday, August 7, 2013
Trung Quốc không muốn thực thi đầy đủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế bởi nước này cho rằng điều đó đem lại lợi thế cho Mỹ và gây bất lợi cho các lợi ích thiết yếu của Trung Quốc trên biển.
Đảo Phú Lâm quần đảo Hoàng Sa
Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng quan điểm của mình về luật pháp quốc tế, Trung Quốc là một cường quốc bậc trung với những quan ngại an ninh rất lớn về các vùng biển và những khu vực cọ xát giữa nước này và Mỹ - siêu cường có ưu thế vượt trội trên toàn cầu.
Không có gì ngạc nhiên, với mong muốn thu được lợi ích từ việc tuân thủ luật pháp, Trung Quốc đã chấp nhận nhiều nhất có thể các quy tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế mà không gây tổn hại đến những gì nước này xem là lợi ích thiết yếu. Tương tự như vậy, khi Trung Quốc trỗi dậy thành một cường quốc, nước này đã hợp tác ở mức nhiều nhất có thể mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích cấp thiết của mình.
Do đó, như đã đề cập ở trên, Trung Quốc ở nhiều phương diện cũng đã tham gia vào khuôn khổ pháp lý quốc tế đối với vùng biển. Nhưng Trung Quốc không muốn thực thi đầy đủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế bởi nước này cho rằng điều đó đem lại lợi thế cho Mỹ và gây bất lợi cho các lợi ích thiết yếu của Trung Quốc trên biển. Những lợi ích này liên quan đến tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc, tranh chấp biên giới tài nguyên, các quan ngại an ninh và được Bắc Kinh xem là lợi ích thiết yếu liên quan đến an ninh của Trung Quốc và sự ổn định trong vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP).
Trước năm 1970, CCP không chú ý nhiều đến lợi ích trên biển, thay vào đó chủ yếu tập trung vào nghị trình cách mạng của Mao Trạch Đông. Kể từ khi ý thức về các lợi ích này trỗi dậy vào khoảng năm 1970, Trung Quốc đã liên tục theo đuổi lợi ích trên các vùng biển ngoại vi bằng những biện pháp dựa trên sức mạnh, thay vì luật pháp.
Điều này xuất phát từ nhận thức rằng lợi ích ngoại vi trên biển rất quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, và rằng khuôn khổ của luật biển quốc tế vào thời điểm đó phục vụ lợi ích của Mỹ và Liên Xô tốt hơn lợi ích của Trung Quốc. Mặc dù vẫn còn yếu hơn nhiều so với Mỹ hay Liên Xô, Trung Quốc có đủ sức mạnh để quyết định không tham gia khuôn khổ này mà không phải trả cái giá quá đắt. Do đó, thay vì sử dụng luật pháp quốc tế để theo đuổi các yêu sách, Trung Quốc thường xuyên dùng cách tiếp cận dựa trên sức mạnh.
Đặc biệt, trong giai đoạn 1970-1995, Trung Quốc chủ yếu sử dụng sức mạnh quân sự để tăng cường vị thế trên biển của mình, đặc biệt ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Đá Chữ Thập trong năm 1988 và tại Bãi Vành Khăn năm 1995. Từ năm 1995 đến năm 2008, giai đoạn Trung Quốc thực hiện “cuộc tấn công quyến rũ”, nước này đã sử dụng sức mạnh chính trị và kinh tế đang gia tăng nhanh chóng của mình để cố gắng tạo ra một trật tự khu vực có lợi ở đó Trung Quốc có thể dễ dàng hiện thực hóa các lợi ích trên biển của mình.
Khi chính sách này không còn hiệu quả, bắt đầu từ khoảng năm 2008, Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận bằng việc bắt đầu áp dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, kinh tế, sức mạnh chấp pháp trên biển và sức mạnh quân sự gián tiếp để thực hiện mục tiêu của mình. Trong suốt sáu thập kỷ qua, chưa lúc nào luật pháp quốc tế là cách tiếp cận ưa thích của Trung Quốc để đạt được các mục tiêu ngoại vi trên biển.
Peter Dutton là Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược và Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược biển Trung Quốc tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ. Bài tham luận được trình bày tại hội thảo “Quản lý Căng thăng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 tại Washington D.C, Mỹ.
Đoạn trích Infonet giới thiệu được Tuấn Anh dịch, Minh Ngọc hiệu đính. Nguồn:Nghiên cứu Biển Đông
(Lược trích từ bài viết "Sức mạnh Hải quân sẽ đem lại Chiến thắng? Sức mạnh và Luật pháp trên Biển Đông" của Giáo sư Peter Dutton)
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment