Biển Đông: Vì sao Trung Quốc bất ngờ xuống nước?
Monday, August 19, 2013
Mặc dù ít được chú ý bởi giới phân tích nước ngoài nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây rõ ràng đã phát đi tín hiệu thể hiện mong muốn làm dịu nhẹ các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trung Quốc càng hung hăng ở Biển Đông thì càng rơi vào thế bất lợi.
Hồi cuối tháng 7, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức một phiên họp đặc biệt bàn về sức mạnh hàng hải ngày càng tăng của nước này. Sức mạnh hàng hải là một phần nguyên nhân gây ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng. Giới truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đưa tin về cuộc họp trên, nhấn mạnh đến bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong bài phát biểu đó, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại nội dung chủ đạo trong chính sách của Trung Quốc được đưa ra từ Đại hội Đảng lần thứ 18 về mục tiêu phát triển nước này trở thành một cường quốc biển thông qua việc phát triển các nguồn lực hàng hải cũng như bảo vệ môi trường đại dương.
Tuy nhiên, những nhận xét thú vị nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này lại ít nhận được sự chú ý của giới chuyên gia, phân tích nước ngoài. Dưới hệ thống lãnh đạo tập thể của Trung Quốc, những bài phát biểu tại các cuộc họp của Bộ Chính trị luôn phản ánh sự đồng thuận, nhất trí của những quan chức tham gia – trong trường hợp này là 25 chính khách hàng đầu của Trung Quốc. Gần cuối bài phát biểu ở phiên họp gần đây nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến các cuộc tranh chấp biển đảo đang diễn ra giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Tất nhiên, Nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn nhắc lại những thông điệp cũ như “không bao giờ từ bỏ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp”, đặc biệt là “lợi ích cốt lõi” của nước này. Tuy nhiên, có hai cụm từ mới mà ông Tập Cận Bình đã sử dụng lần này để nói về cách mà Bắc Kinh sẽ xử lý các cuộc tranh chấp. Vì thế, hai cụm từ đó xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Những phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy, Bắc Kinh có thể đang cân nhắc lại giá trị thực sự của những hành động hiếu chiến nhất mà nước này đã “tung ra” ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua. Đó là những động thái đang gây ra hàng loạt vấn đề ngoại giao nghiêm trọng giữa nước này với các nước như Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Hai "cụm từ" đáng chú ý
Đầu tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại chỉ đạo 12 chữ của cố Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về việc xử lý các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong một loạt các tuyên bố được đưa ra từ năm 1979 đến 1984, ông Đặng Tiểu Bình đã phác thảo một cách tiếp cận ôn hòa hơn mà sau này được đúc kết trong câu “chủ quyền vẫn là của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Trong những năm gần đây, giới học giả và các nhà phân tích Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt với nhau về giá trị của phương pháp tiếp cận mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra trước đây đồng thời cũng đưa ra vài lời chỉ trích về việc nước này đã không ngăn được một số hành động mà họ coi là “sự xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Ví dụ, hồi năm ngoái, một nhà phân tích nổi tiếng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đương đại Trung Quốc – ông Chen Xiangyang, đã kêu gọi thực hiện một chính sách quyết liệt hơn trong các cuộc tranh chấp. Cụ thể, ông này cho rằng, chính sách của ông Đặng Tiểu Bình nên được thay thế bằng một phương pháp tiếp cận mạnh tay hơn: “chủ quyền tất nhiên vẫn là của chúng ta; duy trì các cuộc tranh chấp, nắm bắt cơ hội để phát triển, củng cố năng lực quản lý và kiểm soát khủng hoảng”.
Tuy nhiên, bằng cách nhắc lại chỉ đạo 12 chữ của cố Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy, ông này thay mặt Bộ Chính trị thể hiện sự nhất trí và khẳng định sự đúng đắn của lập trường trước đây của ông Đặng Tiểu Bình. Trong Bộ Chính trị Trung Quốc có 2 vị tướng hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa là ông Fan Changlong và ông Xu Qiliang. Bằng cách nói lên lập trường mà Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đuổi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gián tiếp dàn xếp những tranh cãi trong nội bộ về chỉ đạo trước đây của ông Đặng Tiểu Bình. Tất nhiên, cố Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình không đưa ra một kế hoạch giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo nhưng sự khẳng định của Bộ Chính trị Trung Quốc về phương pháp tiếp cận của ông này đã ra dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh sẽ kiên nhẫn, sẽ theo đuổi các biện pháp tạm thời để làm dịu căng thẳng. Điều đó cũng giúp tránh các ý nghĩ của các nước bên ngoài về việc Trung Quốc đang ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn trên biển.
Một vài ngày sau cuộc họp nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã ám chỉ rằng, những phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể biến thành sự thực. Trong chuyến công du đến các nước Đông Nam Á, ông Vương Nghị đã liên tục nhắc lại lập trường, giải pháp cuối cùng cho các cuộc tranh chấp biển đảo chỉ có thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán song phương và tiến trình này sẽ “mất nhiều thời gian”. Trong khi đó, muốn đạt được tiến bộ trong Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông nhằm giúp giảm thiểu các vấn đề trên biển thì nhất thiết không được có sự can thiệp từ bên ngoài. Vì thế, ông Vương Nghị nhấn mạnh đến việc “tích cực” tham gia các dự án phát triển, khai thác chung ở những vùng tranh chấp dù ông này không đưa ra được bất kỳ kế hoạch chi tiết nào.
Thứ hai, trong bài phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng, Trung Quốc phải “lên kế hoạch vừa đảm bảo được tình hình ổn định chung vừa bảo vệ được các quyền của mình”. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc dùng đến cụm từ này. Có vẻ như, Trung Quốc đang đặt sự quan trọng của việc duy trì ổn định khu vực và bảo vệ “các quyền, lợi ích hàng hải” của Trung Quốc ngang nhau.
Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn giữa nỗ lực bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải với mong muốn duy trì sự ổn định khu vực của nước này. Sự đề cập này cho thấy, Bắc Kinh đã nhận ra rằng, sự quyết liệt, hung hăng của họ trong các cuộc tranh chấp đang làm hại những lợi ích khác của họ, đặc biệt là vai trò của các nước khác trong vấn đề an ninh khu vực. Ví dụ như, kể từ năm 2010, Mỹ đã tuyên bố chính sách ở Biển Đông của cường quốc này đồng thời tăng cường quan hệ liên minh gắn bó với Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo theo đuổi chính sách củng cố hợp tác với Philippines.
Tóm lại, bài phát biểu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc gần đây xứng đáng được chú ý đặc biệt. Nó cho thấy, Trung Quốc có thể sẽ không mất kiên nhẫn trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông như một số nhà phân tích dự đoán. Và nó cũng cho thấy, cách tiếp cận của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp đó có thể sẽ mang nhiều sắc thái hơn là sự cứng rắn chủ nghĩa dân tộc mà nhiều người phán đoán.
Kiệt Linh - (theo The Diplomat) - VnMedia
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment