Trung Quốc “khoe” công nghệ tàu hải quân “đột phá”
Thursday, August 22, 2013
Một trong những công ty đóng tàu lớn của Trung Quốc tuyên bố công ty này đã đạt được công nghệ “đột phá” giúp nước này tiến sát hơn tới mục tiêu hiện đại hóa đội tàu hải quân và thương mại của mình.
Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu (171) của Trung Quốc.
Tờ Trung Quốc nhật báo (Chinadaily) dẫn thông báo của Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc rằng Viện nghiên cứu công nghệ điện hàng hải Vũ Hán đã hoàn thành công nghệ động lực đẩy điện tích hợp vào giữa tháng Bảy vừa qua. Công ty này cho biết hoạt động nghiên cứu chế tạo nội địa sẽ giúp nước này không phải lệ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện tàu nước ngoài.
Hầu hết tàu biển của Trung Quốc hiện nay đang sử dụng công nghệ truyền dẫn cơ khí sử dụng động cơ hoặc đầu máy để tạo lực đẩy. Hiện nhiều quốc gia phương Tây đã sử dụng công nghệ động lực đẩy điện tích hợp , sử dụng tua-bin chạy bằng khí tự nhiên hoặc máy phát điện diesel để cung cấp điện cho động cơ.
“Thông thường tàu Trung Quốc sử dụng động cơ hơi nước, động cơ diesel nhiều thì và động cơ tua-bin khí. Để những con tàu hải quân Trung Quốc đạt tốc độ cao, cần phải sử dụng các hệ thống động lực đẩy kết hợp cả diesel và khí”, Wang Dan, phó tổng biên tập tạp chí Tàu hiện đại (Trung Quốc), cho hay.
Việc phát triển công nghệ động lực đẩy điện tích hợp có thể giúp giải quyết những vấn đề về động cơ mà bấy lâu nay Trung Quốc nói chung và hải quân nước này nói riêng vấp phải. Một trong những khó khăn lớn của ngành công nghiệp tàu nước này là thiếu các công ty nội địa có khả năng chế tạo động cơ tua-bin khí giúp tàu có thế thực hiện các chuyến đi kéo dài nhiều ngày.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho hay do không phát triển động cơ tua-bin khí nội địa, hải quân nước này buộc phải nhập khẩu động cơ tàu từ nước ngoài. Trước khi Trung Quốc phổ biến công nghệ động lực đẩy điện tích hợp, hầu hết tàu biển ở nước này chạy bằng động cơ diesel và khí.
“So với các phương pháp tạo lực đẩy khác, công nghệ động lực đẩy điện tích hợp có rất nhiều lợi thế. Công nghệ này giúp tiết kiệm không gian động cơ và dễ dàng kiểm soát hơn. Nó giúp giảm trọng lượng và tiếng ồn của tàu. Nó cũng giúp tàu chạy tốc độ cao hơn và trong thời gian dài hơn”, ông Wang nói và cho biết công nghệ mới này cũng dễ dàng vận hành và bảo dưỡng hơn.
“Lúc này với thành tựu mới này của các kĩ thuật viên, chúng ta đang có cơ hội giảm khoảng cách với các cường quốc hải quân phương Tây. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh và tàu khu trục lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ hiện đang trong quá trình chế tạo cũng sẽ sử dụng công nghệ mới này, điều đó có nghĩa là chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ chế tạo nếu chúng tôi không muốn tụt hậu trong hoạt động đóng tàu tiên tiến”, ông Wang trả lời phỏng vấn tờ Trung Quốc nhật báo.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ bắt đầu chạy thử vào năm 2017, là con tàu sân bay đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ động lực đẩy điện tích hợp.
Ông Wang cho biết điều quan trọng là Trung Quốc phải cải thiện các hệ thống tạo lực đẩy của tàu và đầu tư hơn nữa cho các động cơ tuabin khí cho tàu chiến trước khi áp dụng rộng rãi công nghệ động lực đẩy điện tích hợp.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã hết sức nỗ lực hiện đại hóa hạm đội hải quân và tàu biển của mình và thiết kế các động cơ lực đẩy mới.
Hồi tháng Hai, Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết một trong các viện nghiên cứu của tập đoàn này đã được sự phê chuẩn của nhà nước nhằm bắt đầu nghiên cứu các công nghệ cốt lõi giúp chế tạo tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tùng Lâm - Infonet.vn
Tags:
Comments[ 0 ]
Post a Comment