“Hồi sinh” Subic
Sunday, August 4, 2013
Philippines công bố kế hoạch di chuyển lực lượng hải quân và không quân chính tới căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông đang gia tăng.
Subic có ý nghĩa địa chính trị chiến lược tương tự như Cảng Cam Ranh của Việt Nam. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez, sắp tới, Philippines sẽ chuyển trọng tâm quân sự của nước này vào vịnh Subic, trong đó bao gồm hai chiến hạm mà nước này mua của Mỹ. Hai chiến hạm nói trên được xem là hiện đại nhất của hạm đội Philippines.
Giới chuyên gia cho rằng việc hồi sinh Subic nhằm giúp Manila có thể tiếp cận nhanh hơn tới vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ các đồng minh khi được sử dụng cảng biển nước sâu chiến lược này cho mục đích quân sự.
Theo những chi tiết về kế hoạch điều chuyển quân tới Subic của Philippines được truyền thông tiết lộ, mục đích của kế hoạch này là “nhằm bảo vệ Biển Tây Philippines (Biển Đông). Hiện Philippines đang tìm kiếm ngân sách”.
Thông báo trên được đưa ra ngay sau chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhật Bản - quốc gia cũng cảnh giác về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc - đã đề nghị cho hải quân Philippines vay tiền để đóng 10 tàu tuần duyên mới trong bối cảnh cả hai nước đang đối đầu với Bắc Kinh trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ khác nhau. Năm ngoái, sau nhiều tuần kháng cự với một tàu do thám của Trung Quốc, các tàu của Philippines đã phải rời bãi Scarborough tranh chấp (Philippines gọi là Panatag, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), chịu từ bỏ quyền kiểm soát một khu vực đánh bắt cá rộng lớn ở phía Tây Bắc nước này cho Bắc Kinh.
Hiện Philippines đang đề nghị tòa án Liên hợp quốc phân xử nhằm đáp trả những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Manila cũng tìm cách hiện đại hóa các vũ khí, khí tài không quân và hải quân cũ kĩ của mình và tìm kiếm những liên minh để nhờ trợ giúp trong việc đối phó với Bắc Kinh.
Chuyên gia quân sự Clarita Carlos, giáo sư chính trị học Đại học Philippines, cho rằng kế hoạch điều chuyển nói trên nhằm thúc đẩy khả năng quân sự vốn hạn chế của Manila trong việc đối phó với Trung Quốc. Về địa lí, vịnh Subic chỉ cách bãi Scarborough khoảng 124 hải lý. Bà Carlos nói: “Tuy nhiên, ở phương diện lớn hơn, điều quan trọng hơn với Philippines là tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực, đặc biệt là cho phép họ sử dụng các căn cứ quân sự của mình”.
Giáo sư Rommel Banlaoi, chuyên gia về tranh chấp trên Biển Đông, cho hay Philippines đang có những kế hoạch dài hạn cho việc điều chuyển các cơ sở quân đội ở khu vực đô thành Manila, bao gồm cơ sở Aguinaldo vốn là tổng hành dinh của lực lượng vũ trang với 120.000 người của Philippines. Hiện căn cứ này đang nằm trên một khu đất “vàng” và nhiều khả năng sẽ được bán đi để lấy tiền trang bị cho quân đội. Tuy nhiên, Giáo sư Banlaoi cho biết đến nay, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra “rất thận trọng trong việc gắn kết vấn đề này với tranh chấp tại Biển Đông".
Kế hoạch hồi sinh Subic của Philippines lập tức khiến Trung Quốc tức giận. Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng, việc Philippines chuyển lực lượng không quân, hải quân đến Subic để nhanh chóng tiếp cận khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông là một hành động “đổ thêm dầu vào lửa”.
Bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu dẫn nhận định của một số nhà phân tích không nêu tên, rằng động thái này cho thấy sự hợp tác quân sự Manila-Washington đang được thắt chặt và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù không đưa ra được lập luận xác đáng nào, song tác giả bài báo vẫn kết luận rằng điều này sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Bài báo cũng dẫn lời Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng kế hoạch của Philippines khởi động lại căn cứ quân sự vịnh Subic rõ ràng là đòn “song kiếm hợp bích” ứng với sự hiện diện trở lại của một lực lượng quân sự lớn của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương.
Vài nét về Căn cứ Subic
Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Đây là khu vực tranh chấp giữa Philipinnes và Trung Quốc trên Biển Đông và hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Với lực lượng hải quân mạnh đồn trú ở Subic, Mỹ có thể hoàn toàn kiểm soát mọi động tĩnh của Trung Quốc trên biển Đông.
Vịnh Subic ăn sâu vào đường bờ phía tây nam đảo Luzon của Philippines theo trục bắc-nam khoảng 8 hải lí (15km) và có chiều rộng khoảng 3,5 hải lí (6,5km). Về phía biển, vịnh được giới hạn bởi mũi Sampaloc và mũi Mayagao cách nhau gần 6 hải lí (11km) theo trục bắc đông bắc-nam tây nam.
Đường bờ biển phía tây của vịnh tương đối thẳng, định hình rõ với địa hình cao ở phía sau trong khi đường bờ phía đông thì thấp. Subic là một cảng nước sâu được nhiều ngọn núi có rừng nhiệt đới che chở. Độ sâu của vịnh giảm dần từ 60 m (cửa vịnh) đến 13,7 m (gần đầu vịnh). Từ tháng 10 đến tháng 4, vịnh chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc với tốc độ gió trong ngày từ 7,7 đến 10,3m/s. Đảo Grande chia đường vào vịnh thành hai luồng riêng biệt, trong đó chỉ có luồng phía tây đảo là dành cho tàu thuyền lưu thông. Với địa hình như vậy vịnh Subic cho phép mọi loại tàu mặt nước kể cả tàu sân bay cũng như tàu ngầm có thể neo đậu.
Tây Ban Nha lập căn cứ đồn trú tại vịnh Subic từ nửa sau thập niên 1860. Từ năm 1901, Mỹ duy trì căn cứ Hải quân Vịnh Subic tại đây. Sau khi trải qua những trận chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ giành quyền kiểm soát vịnh từ tay Nhật Bản. Ngày 14/3/1947, Thỏa ước Căn cứ Quân sự được ký kết cho phép Mỹ thuê 16 căn cứ và khu vực dành cho quân sự bao gồm vịnh Subic trong khoảng thời gian là 99 năm.
Trong chiến tranh Việt Nam, căn cứ trở thành trạm hậu cần kỹ thuật cho Hạm đội 7. Từ con số trung bình 98 chuyến tàu ghé thăm cảng mỗi tháng trong năm 1964 vượt lên đến con số trung bình 215 chuyến vào năm 1967, với khoảng 30 tàu luôn có mặt ở cảng bất cứ thời điểm nào. Một con số kỷ lục được lập là vào tháng 10 năm 1968 có đến 47 tàu trong cảng.
Năm 1991, Philippines quyết định thu hồi cảng trước thời hạn bất chấp sự phản đối của Mỹ. Ngày 24 tháng 11 năm 1992 , cờ Mỹ hạ xuống tại Subic lần cuối cùng.
Thời gian gần đây, Philippines bị Trung Quốc kéo vào những căng thẳng trên biển Đông. Do đó, Mỹ muốn mượn thời điểm này để quay lại căn cứ Subic. Nhưng phía Philippines hiện tại chỉ mới cho phép các tàu chiến Mỹ vào bảo dưỡng, tiếp tế tại Subic mà chưa cho phép đóng căn cứ tại đây.
Khánh An - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment