Các nước Đông Nam Á mở rộng quan hệ với thế giới
Friday, August 23, 2013
Cuộc họp lần thứ 45 cấp bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đang diễn ra tại Brunei. Một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận là các bước thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ nay đến cuối năm 2015. Theo đánh giá của các thành viên trong hiệp hội, gần 80 phần trăm quá trình đã được thực hiện. Tuy nhiên, tồn tại những khó khăn không nhỏ trước Hiệp hội trong hai năm còn lại, - PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết ý kiến.
Ông Phạm Quang Minh: “Thách thức và khó khăn lớn nhất cho việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính là khoảng cách phát triển kinh tế giữa hai nhóm ASEAN-6 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Brunei) và ASEAN-4 (bốn nước Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào gia nhập tổ chức sau này). Đặc biệt là chênh lệch về phát triển cơ sở hạ tầng, một điều gây trở ngại trong thực hiện các dự án kinh tế chung. Vấn đề thứ hai theo tôi thấy là đặc điểm kinh tế của các nước ASEAN. Nền kinh tế các nước thành viên không có sự bù đắp cho nhau và mang tính cạnh tranh lẫn nhau. Do đó, sự trao đổi nội khối khó được tăng cường và chiếm không quá 30 phần trăm tổng giá trị trao đổi thương mại. Ngược lại, hơn 70 phần trăm tổng giá trị thương mại diễn ra với mười đối tác lớn ở bên ngoài ASEAN, ví dụ như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.”
Đề tài phát triển liên lạc với các đối tác bên ngoài Hiệp hội đã được thảo luận tại Diễn đàn doanh nghiệp và đầu tư ASEAN, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp bộ trưởng tại Brunei. Đến cuối năm 2015, ASEAN và sáu đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand có kế hoạch lập Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực. Mục tiêu của Hiệp định là loại bỏ các rào cản thương mại nội địa, tạo môi trường đầu tư tự do, mở rộng thương mại dịch vụ, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh, vượt trên tất cả các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa ASEAN với từng nước riêng rẽ.
Một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xúc tiến việc đàm phán gia nhập những liên minh kinh tế mạnh đang được hình thành như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Ông Phạm Quang Minh nhận xét rằng, đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, cùng lúc tham gia vào hai hiệp định là việc làm có lợi.
Ông Phạm Quang Minh: “Việc tham gia Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương cũng như Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực không mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, nền kinh tế Việt Nam đến nay còn phụ thuộc rất nhiều vào một số nước, đặc biệt là Trung Quốc. Việt Nam rơi vào tình tạng nhập siêu từ Trung Quốc. Để có được sự cân bằng cần tới những đối tác thương mại mạnh như Hoa Kỳ, chúng tôi đang xuất siêu sang Mỹ. Việc đồng thời cùng lúc tham gia cả Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện và Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ tạo thế cân bằng cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng đòi hỏi Việt Nam tiến hành các cải cách về mặt thể chế kinh tế trong nước: giảm bớt vai trò của các nhà máy và xí nghiệp nhà nước, tăng cường vị thế khu vực tư nhân, cũng như tăng mức nội địa hóa các sản phẩm địa phương.”
Các quá trình liên kết đang diễn ra trong ASEAN sẽ là yếu tố kích thích mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của khu vực, - chuyên gia Việt Nam nhận định.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment