Chương trình tàu sân bay của Trung Quốc chỉ bị cầm chân bởi chất lượng động cơ.
Sau những thử nghiệm kéo dài nhiều năm, Trung Quốc đã triển khai đóng hàng loạt cá tàu khu trục lớp Type 052С/D, frigate lớp Type 054А, corvette lớp Type 056. Nhờ các cơ sở đóng tàu lớn nhất thế giới, điều đó sẽ dẫn tới hình thành hạm đội lớn thứ hai trên thế giới. Về chất lượng, nó sẽ vẫn thua kém, dù không nhiều, các lực lượng hải quân tiên tiến nhất thế giới hiện nay là hải quân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự phát triển tiếp theo của hải quân Trung Quốc sẽ tất yếu đi theo con đường đóng tàu sân bay.
Nếu như Trung Quốc không định đóng tàu sân bay thì họ đã chẳng mua tàu sân bay Varyag, vốn đã được đóng hoàn thiện thành tàu Liêu Ninh. Vì những đặc điểm kết cấu của mình, tàu này không phải là tàu sân bay thực thụ và sẽ được hải quân Trung Quốc sử dụng tàu huấn luyện-thí nghiệm. Sau đó, sẽ là việc đóng một loạt các tàu sân bay “bình thường” ở ngay tại Trung Quốc theo các thiết kế của Trung Quốc, nếu không tàu sân bay thí nghiệm sẽ chẳng cần thiết phải có.
“Đối với phương Tây, khía cạnh hải quân của chương trình xây dựng quân đội của Trung Quốc là đáng quan tâm nhất bởi lẽ đụng độ trên bộ với quân đội Trung Quốc, NATO sẽ không có cơ hội”
Không còn nghi ngờ, Bắc Kinh sẽ bắt đầu đóng các tàu sân bay lớn hơn, có kích thước vượt trội tàu Liêu Ninh và có thể sánh được với các tàu sân bay Mỹ. Việc đóng các tàu sân bay cỡ nhỏ hơn là vô nghĩa bởi lẽ các tàu loại này sẽ được đóng hoặc là để hoạt động ở vùng biển xa và đại dương, hoặc là để tác chiến với một địch thủ rất mạnh (hải quân Mỹ và Nhật Bản), hoặc là thậm chí dùng để sử dụng chống một địch thủ đáng gờm ở khoảng cách khá xa bờ biển Trung Quốc (như hải quân của Mỹ hay Ấn Độ). Dẫu sao, trên mỗi một tàu sân bay như thế, cần phải có càng nhiều càng tốt máy bay, nhiên liệu và đạn dược.
Số lượng tàu sân bay mà Trung Quốc sẽ đóng rõ ràng là hiện giờ khó mà xác định chính xác được. Chắc chắn sẽ là 6 chiếc, không kể tàu Liêu Ninh, mỗi hạm đội của Trung Quốc (Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải) sẽ có 2 tàu sân bay, bằng với số lượng tàu sân bay trong biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Mỗi cụm tàu sân bay Trung Quốc, ngoài bản thân tàu sân bay, sẽ gồm 4 tàu khu trục lớp Type 052С/D và 4 frigate lớp Type 054А (hay trong tương lai, các tàu khu trục và frigate thuộc các lớp mới), cũng như 2-3 tàu bảo đảm. Trung Quốc chắc chắn sẽ có đủ số lượng tàu hộ tống cần thiết cho tất cả các tàu sân bay vào thời điểm đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên trong số đó.
Những khó khăn chính
Khó khăn của Trung Quốc là họ không có kinh nghiệm đóng các tàu như vậy. Tàu Varyag-Liêu Ninh và hơn nữa là các tàu sân bay đồng nát mua trước đó là Kiev và Minsk của Liên Xô, cũng như và Melbourne của Australia sẽ không cho phép các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc có được các công nghệ cần thiết do kích thước nhỏ và thiết kế cổ lỗ sĩ của các tàu này. Chắc chắn, các kỹ sư Trung Quốc sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tàu sân bay São Paulo của Brazil (tàu sân bay Foch của Pháp trước đây), tuy nhiên, giá trị của nó cũng hạn chế vì tàu này có kích thước nhỏ hơn tàu Liêu Ninh, đồng thời lại đóng trước khá lâu. Điều đáng quan tâm ở tàu này chỉ là các máy phóng máy bay.
Như vậy, Trung Quốc sẽ phải đóng tàu sân bay nội địa của mình dù là có bắt chước các giải pháp của nước ngoài.
Vấn đề quan trọng nhất là hệ thống động lực dành cho tàu sân bay, tức là nó sẽ là động cơ thông thường hay hạt nhân. Hiện nay, trong tất cả các ngành của công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc gặp những khó khăn nghiêm trọng nhất chính là trong ngành chế tạo động cơ (động cơ cho xe tăng, máy bay và tàu). Giải quyết nhiệm vụ chế tạo động cơ, dù là thông thường, cho tàu sân bay cũng sẽ sẽ cực kỳ khó khăn đối với Trung Quốc, chứ đừng nói đến chế tạo lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu đã chế tạo động cơ hạt nhân cho tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn và tàu ngầm nguyên tử tấn công, nên họ hoàn toàn đủ sức chế tạo lò phản ứng cho tàu nổi.
Một vấn đề không kèm phần quan trọng là lựa chọn loại máy bay trên hạm cho tàu sân bay mới. Đó có thể không chỉ là loại máy bay mới chỉ có 2 chiếc là J-15 vốn sao chép từ mẫu chế thử đầu tiên của Su-33, mà còn cả các biến thể trên hạm của tiêm kích J-10 và tiêm kích mới J-31 được cho là có tham vọng trở thành tiêm kích thế hệ 5. Hiện thời, các biến thể này chưa tồn tại, nhưng việc nghiên cứu chế tạo chúng đang được tiến hành. Cũng có khả năng có sự kết hợp các biến thể này. Ngoài ra, Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển một loại máy bay chỉ huy/báo động sớm trên hạm. Đây là nhiệm vụ khá phức tạp nên hiện chỉ có Mỹ giải quyết được.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, tất cả các nước có các tàu sân bay “bình thường” đều bắt đầu từ việc đóng tàu sân bay thông thường, sau đó mới đóng tàu sân bay hạt nhân. Tuy nhiên, kinh nghiệm này là cực kỳ hạn chế bởi vì vào nửa cuối thế kỷ XX, các tàu sân bay cỡ nhỏ biên chế các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier thay cho các máy bay thông thường đã trở nên phổ biến. Các tàu sân bay kiểu này được đóng ở Anh (một chiếc trong số đó sau này được bán cho Ấn Độ), Italia và Tây Ban Nha (đóng cho hải quân Tây Ban Nha và Thái Lan). Rõ ràng là Trung Quốc không cần các tàu sân bay như thế, hơn nữa, họ cũng không có máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng.
Lấy Mỹ làm mẫu
Dĩ nhiê là hình mẫu chính cho Trung Quốc trong việc đóng các tàu sân bay “bình thường” là Mỹ, quốc gia trong những năm hậu chiến đã đóng 10 tàu sân bay lớn (2 tàu lớp Midway, 4 tàu lớp Forrestall và 4 tàu lớp Kitty Hawk) trang bị động cơ thông thường, sau đó là 11 tàu sân bay hạt nhân (Tàu Enterprise và 10 lớp Nimitz). Ở Pháp, tiếp sau 2 tàu sân bay thông thường lớn (Clemenceau và Foch nay là São Paulo của Brazil) là tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle.
Liên Xô đã lần lượt hiện thực hóa tất cả các khái niệm kể trên. Ban đầu, Liên Xô đã đóng 4 tàu tuần dương chở máy bay lớp Kiev (Projekt 1143) trang bị các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-38. Hiện nay, tàu còn lại duy nhất của lớp này đang được cải tạo thành tàu sân bay cất/hạ cánh thông thường trang bị tiêm kích MiG-29K cho Ấn Độ. Sau đó, đã bắt đầu đóng 2 tàu sân bay “bình thường” cỡ lớn (tàu tuần dương chở máy bay) Đô đốc Kuznetsov (Projekt 1143.5) và Varyag (Projekt 1143.6), sau đó, đã khởi đóng tàu ngầm hạt nhân Ulyanovsk (Projekt 1143.7) mà dự kiến sẽ được trang bị các máy phòng máy bay thay cho cầu bật.
Tuy nhiên, do Liên Xô sụp đổ, Nga chỉ được thừa kế tàu Kuznetsov. Các tàu Varyag và Ulyanovsk (tính đến đầu năm 1992, mức độ sẵn sàng mới là 5%) nằm lại Ukraine. Tàu Varyag sau này được tân trang thành tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, tàu thứ hai bị cắt làm sắt vụn.
Việc các tàu sân bay Liên Xô được xếp loại là tàu tuần dương chở máy bay (chứ không phải là tàu sân bay) cũng có cơ sở của nó. Chúng đã được Liên Xô đóng không phải như hạt nhân của cụm tàu sân bay xung kích để tiến hành các hoạt động trên đại dương, mà là để phòng không cho các khu vực triển khai tàu ngầm tuần dương tên lửa chiến lược, tức là khá gần bờ biển nhà. Các tàu tuần dương chở máy bay không có các máy bay tiến công, vai trò của chúng do các tên lửa chống hạm Bazalt hoặc Granit đảm nhiệm.
Do có các tên lửa chống hạm đó (các tên lửa này cũng được trang bị cho các tàu tuần dương hạt nhân tên lửa lớp Projekt 1144 và các tàu ngầm nguyên tử tiến công đa năng Projekt 949), các tàu lớp Projekt 1143 không thể được coi là tàu sân bay truyền thống, bởi vì chúng không có vũ khí tiế công riêng mà chỉ có các phương tiện phòng không để tự vệ. Dĩ nhiên là vào thời điểm phóng tên lửa hành trình chống hạm, tàu không thể tiếp nhận hay cho máy bay cất cánh, hơn nữa, tất cả các máy bay vào thời điểm này phải được đưa vào hăng-ga dưới mặt boong.
Đặc điểm quan trọng nhất của lớp Projekt 1143.5 là có cầu bật ở mũi thay vì máy phóng máy bay. Đây là những tàu sân bay duy nhất trên thế giới sử dụng cầu bật kiểu này cho các máy bay cất/hạ cánh thông thường cất cảnh. Ở nước ngoài, các cầu bật như vậy chỉ được sử dụng trên các tàu sân bay hạng nhẹ trang bị máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier.
Việc Projekt 1143.5 không có máy phóng làm hạn chế khhar năng của tàu xét tức góc độ nhịp độ cho máy bay cất cánh và không cho phép chúng cất cánh đồng thời khi có một máy bay khác đang hạ cánh (các tàu sân bay Mỹ có 2 máy phòng, có thể để các máy bay cất và hạ cánh đồng thời). Lẽ ra tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk đã có thể là một tàu sân bay thực sự bình thường.
Nếu như Trung Quốc cũng sẽ đi theo con đường như Mỹ, Pháp và Liên Xô đã đi, họ có thể ban đầu đóng 2-3 tàu sân bay động lực thông thường, sau đó là 3-4 tàu sân bay động lực hạt nhân. Cũng có thể có những phương án cực đoan: toàn bộ 6 tàu sân bay đều trang bị động lực thông thường (phương án này tương đối rẻ và nhanh) hay toàn bộ 6 chiếc đều dùng động lực hạt nhân (phương án dài hơi, tốn kém và chưa từng có trên thế giới).
Sự lựa chọn phụ thuộc vào việc khó khăn với vấn đề động lực (cả thông thường lẫn hạt nhân) sẽ được giải quyết ra sao và quân đội Trung Quốc muốn có các tàu sân bay nhanh đến mức nào. Dĩ nhiên là còn có khó khăn về máy bay trên hạm, nhưng rõ ràng là Trung Quốc sẽ giải quyết được nó nhanh hơn là đóng xong tàu sân bay thực sự đầu tiên.
Nếu nói về kinh nghiệm đóng tàu sân bay hạt nhân của nước ngoài thì chỉ Mỹ và Pháp là có. Hơn nữa, kinh nghiệm của Pháp khó lòng coi là thành công vì tàu sân bay Charles de Gaulle trong suốt 12 năm khai thác gặp những khó khăn kỹ thuật nghiêm trọng, kể cả với các lò phản ứng. Điều oái oăm là Pháp đang nghiêm túc xem xét phương án đóng một tàu sân bay động lực thông thường thay cho tàu Charles de Gaulle. Ngoài ra, việc hải quân chỉ có một tàu sân bay là không nên vì một phần đáng kể thời gian, nó được sửa chữa, và khi đó hạm đội hoàn toàn không có tàu sân bay (Nga hiện nay cũng nằm trong tình cảnh này). Vì thế, hình mẫu duy nhất thành công trong lĩnh vực này là Mỹ.
Liên quan đến các tàu chiến mặt nước không phải là tàu sân bay, trang bị động lực hạt nhân thì từng đóng tàu tuần dương hạt nhân tên lửa có Mỹ (9 chiếc) và Liên Xô/Nga (4 chiếc). Tuy vậy, kinh nghiệm này không thể coi là thành công. Tất cả các tàu tuần dương hạt nhân Mỹ đến nay đều đã bị loại bỏ và tháo dỡ. Trong số các tàu tuần dương hạt nhân của Nga chỉ còn trong biên chế một chiếc (Piotr Đại đế), 3 tàu còn lại được niêm cất, khả năng quay lại biên chế của chúng là không nhiều, mặc dù đôi khi những phương án đó cũng được đưa ra thảo luận.
Như vậy, Trung Quốc có thể sao chép các lò phản ứng của Mỹ, mặc dù không loại trừ phương án các lò phản ứng của Nga (dành cho các tàu tuần dương lớp Projekt 1144). Dĩ nhiên là cả Mỹ lẫn Nga sẽ không chính thức chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, nhưng không thể loại trừ họ sẽ có được công nghệ bằng con đường bất hợp pháp.
Nếu như không được, Bắc Kinh có thể chọn phương án đóng các tàu sân bay động lực thông thường, hơn nữa ở đây có thể có phương án mua hệ thống động lực thông thường một cách hợp pháp (chắc chắn là từ Ukraine). Hoặc là họ đơn thuần lắp đặt các lò phản ứng cho tàu ngầm lên tàu sân bay. Tóm lại, khó khăn về động cơ sẽ làm chậm, nhưng chắc chắn sẽ không khiến chương trình tàu sân bay Trung Quốc bị hủy bỏ.
Củng cố vị thế
Trong biên chế hải quân Trung Quốc, các tàu sân bay sẽ có thể giải quyết các nhiệm vụ chính liên quan chặt chẽ với nhau sau đây:
Ngăn chặn Không quân và Hải quân Mỹ tấ công lãnh thổ Trung Quốc và đột phá vành đai phong tỏa gần và xa của Hải quân Mỹ có thể hình thành đối với Trung Quốc;Bảo đảm an ninh các tuyến đường biển cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc trên suốt chiều dài của chúng;
Gây tác động sức mạnh và tâm lý đối với các nước cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc trong thường hợp xảy ra các quá trình chính trị bất lợi cho Bắc Kinh ở các nước này, cũng như có thể giành giật các nguồn cung nguyên liệu mới.
Trung Quốc có khả năng trong thời gian khá ngắn xây dựng được lực lượng hải quân gần ngang bằng với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, hơn nữa là với khả năng tiến công gần tương đương. Hiện thời, Trung Quốc tụt hậu khá xa so với Mỹ trong lĩnh vực chống ngầm, nhưng về phòng không mới đây, họ còn thua kém Mỹ nhiều, song nay đang nhanh chóng thu hẹp sự cách biệt này. Dĩ nhiên là kinh nghiệm chiến đấu của hải quân Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn không thể so sánh với nhau, nhưng các thủy binh Mỹ hiện nay, nói cho cùng, cũng đã chẳng giao chiến với ai trên biển giống như các đồng nghiệp Trung Quốc.
Chỉ 10 năm trước, hạm đội Mỹ có thể đánh tan hạm đội Trung Quốc ngay ở bờ biển nước này mà chẳng phải chịu tổn hại gì. Ngày nay, Mỹ chắc chắn sẽ thắng Trung Quốc ở ngoài đại dương, nhưng ở ven bờ biển Trung Quốc thì đã không còn chắc chắn nữa. Sau khi các tàu sân bay “bình thường” đưa đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc, Mỹ có lẽ sẽ chỉ giao chiến một khi Trung Quốc có hành động xâm lược trực tiếp chống lại Mỹ, điều cực kỳ khó có khả năng xảy ra.
Sự hiện diện của các tàu sân bay sẽ củng cố mạnh mẽ vị thế của Trung Quốc khi xảy ra xung đột với Nhật vì lúc đó họ sẽ có khả năng tấn công Nhật Bản không chỉ từ hướng tây mà cả từ hướng đông, hơn nữa là có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, cho đến tận Hokkaido.
Một khi chiến tranh với Nga, hải quân Trung Quốc khi có các tàu sân bay sẽ có khả năng tấn công vào Sakhalin, quần đảo Kurils và Kamchatka, thậm chí đổ bộ quân lên đó. Các tàu sân bay sẽ còn tăng cường hơn nữa vị thế của Trung Quốc trong thanh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước ASEAN. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ sử dụng các tàu sân bay để gây áp lực với Ấn Độ. New Delhi đang ráo riết hạm đội đại dương, nhưng người Ấn sẽ khó sánh nổi với Trung Quốc, đúng hơn là việc đó không thực tế.
Quá thừa để tự vệ
Về chiến dịch đánh chiếm Đài Loan cần thấy rằng, do đảo này gần đại lục, sự tham gia của các tàu sân bay vào chiến dịch là không nhất thiết. Hiện nay, chỉ cần lực lượng máy bay bố trí trên đại lục là đủ cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sự có mặt của các tàu sân bay sẽ cải thiện các điều kiện tiến hành một chiến dịch như vậy cho Bắc Kinh. Chúng sẽ được triển khai ở phía đông Đài Loan để thực hiện các đòn tấn công từ hướng này (điều đó sẽ gây khó khăn hơn nữa cho hoạt động của phòng không Đài Loan vì phải đánh trả các đòn tấn công từ mọi phía), thực hiện phong tỏa biển tầm xa đối với đảo Đài Loan và ngăn ngừa Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột. Để giải quyết các nhiệm vụ này, hải quân Trung Quốc chỉ cần 2-3 tàu sân bay, hơn nữa, một trong số đó có thể ngay cả tàu Liêu Ninh.
Tuy nhiên, ít khả năng hải quân Trung Quốc sẽ có được tàu sân bay thực thụ trước năm 2020 và cả 6 chiếc đến năm 2030-2035. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ thử giải quyết vấn đề Đài Loan trước các thời hạn này. Bởi vậy, có thể khẳng định hoàn toàn chắc chắn: các tàu sân bay Trung Quốc sẽ đóng không phải để đánh chiếm Đài Loan, mà là để giải quyết các nhiệm vụ sẽ trở nên bức thiết sau khi sáp nhập được đảo Đài Loan vào Trung Quốc. Hơn nữa, việc chiếm được Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc tự do triển khai hạm đội ngoài đại dương xa.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến của đa số chuyên gia phương Tây, hải quân không phải ưu tiên đặc biệt đối với Trung Quốc. Đơn giản là đối với phương Tây, khía cạnh này của hoạt động xây dựng quân sự Trung Quốc là đáng quan tâm nhất vì đụng độ với quân đội Trung Quốc trên bộ thì quân đội NATO hầu như không có cơ hội. Ở nước Nga, nơi người ta thường chỉ chép lại các nguồn tin phương Tây về những gì liên quan đến sự phát triển của quân đội Trung Quốc, cần hiểu rằng: không quân và lục quân Trung Quốc đang được hoàn thiện với tốc độ cũng vũ bão như thế. Sức mạnh quân sự Trung Quốc từ lâu đã quá quá thừa cho việc tự vệ.
Nguồn: Logic trường thành trên biển của Trung Quốc / Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) // VPK, № 17 (485), ngày 1.5.2013.
VietnamDefence
Comments[ 0 ]
Post a Comment