Trung Quốc và tham vọng thay đổi cán cân quyền lực thế giới
Monday, June 23, 2014
Lý giải về hàng loạt các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, ông Chu Công Phùng cho rằng, nước này đang muốn phô trương sức mạnh "cơ bắp", thể hiện tham vọng làm thay đổi cán cân quyền lực của thế giới.
Tiếp tục cuộc trao đổi cùng Dân trí, ông Chu Công Phùng – nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987-1991), nguyên đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng "với những động thái hung hăng xâm chiếm cương thổ Việt Nam, Trung Quốc đã tự đánh rơi chiếc mặt nạ mà họ dày công tô vẽ suốt hơn hai chục năm qua".
Trung Quốc đã đánh rơi chiếc mặt nạ của mình
Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam không đơn giản là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà chính là hành động xâm lược mới của Trung Quốc, ông nhìn nhận như thế nào về ý kiến này?
Trong lịch sử gần 3000 năm của dân tộc Việt Nam, các triều đại Trung Quốc từ phong kiến đến những năm 80 của thế kỷ 20 đã đem quân xâm lược Việt Nam 20 lần. Cụ thể: nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 4 lần, tức với tần suất trung bình 150 năm một lần xâm lược. Chắc chắn trên thế giới chưa từng có một quốc gia nào đem quân đi xâm lược nước láng giềng của mình nhiều lần đến như vậy.
Trong tổng số 20 cuộc xâm lược đó, chỉ riêng từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, trong thời gian 65 năm qua họ đã thực hiện 4 lần việc xâm lấn nước ta.
Lần thứ nhất, năm 1956, sau hiệp định Genève, chớp thời cơ người Pháp phải rút khỏi Việt Nam, bàn giao quần đảo Hoàng Sa cho chính quyền miền Nam Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã xâm chiếm toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Lần thứ hai, tháng 1/1974, tận dụng thời cơ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang tập trung lực lượng giải phóng miền Nam, Trung Quốc đã huy động hải quân và không quân đánh chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa lúc đó do quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ.
Lần thứ ba là vào tháng 2 năm 1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân gây ra cuộc chiến tranh xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Lần thứ tư, tháng 4/ 1988, Trung Quốc đã huy động hải quân đánh chiếm đảo Gạc Ma và các đảo khác của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Như vậy, trong hơn nửa thế kỷ kể từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, cứ trung bình 15 năm một lần Trung Quốc lại thực hiện một cuộc xâm lược Việt Nam, tần suất dày gấp 10 lần so với tần suất xâm lược Việt Nam từ các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Các sự kiện kể trên từ 1956 đến nay đã chứng minh rất rõ ràng chính sách của Trung Quốc luôn sử dụng cơ bắp để lấn chiếm lãnh thổ và khuất phục Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc lần này, bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc đã hiện rõ.
Trước đây, mỗi lần nước này gây ra các vụ việc xâm lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên bộ và trên biển, thậm chí vô nhân đạo bắn chết các ngư dân Việt Nam và bị Việt Nam kháng nghị, phản đối, phía Trung Quốc luôn giở chiêu bài “đồng chí anh em”, “vì đại cục”, “không công khai hóa vấn đề”, “đàm phán song phương hiệp thương giải quyết”… để xoa dịu phản ứng của Việt Nam và lấp liếm tội lỗi của họ. Nhưng lần này, Trung Quốc không nhắc lại các luận điệu cũ nữa, họ đã tự đánh rơi chiếc mặt nạ mà họ dày công tô vẽ suốt hơn hai chục năm qua.
Như vậy, rõ ràng sau hàng loạt các hành động gây hấn, khiêu khích ở Biển Đông, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc dù muốn hay không đã tất yếu “bước sang một trang mới”, thưa ông?
Tôi cho rằng sau sự kiện 2/5/2014 lần này, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đã chuyển sang một giai đoạn mới khác hẳn 23 năm trước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Vì sao vậy? Vì Trung Quốc đã đơn phương vứt bỏ “16 chữ”, “4 tốt”, “4 tương”, đã lộ nguyên hình là nước lớn láng giềng “rộng vai” nhưng “hẹp bụng”, hung hăng xâm lấn chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng “đồng chí anh em”.
Lâu nay chúng trân trọng đối xử tình nghĩa với nước láng giềng như bát nước đầy, nay người láng giềng đã cố ý đổ toẹt bát nước đó đi, thì không thể vớt vát lại được. Dù muốn hay không chúng ta cũng buộc phải điều chỉnh lại mối quan hệ với họ theo khuôn khổ mới: quan hệ láng giếng chung sống hòa bình, hai bên cùng có lợi, bình đẳng, không ai lệ thuộc ai, giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, chúng ta cũng cần phải điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp với quan hệ chính trị. Nhất là vừa rồi phía Trung Quốc đã có lệnh hạn chế và cấm các hoạt động đầu tư, đấu thầu tại Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có quyền chủ động giảm dần nhập siêu, chuyển hướng sang các thị trường khác; lựa chọn kỹ các hạng mục đầu tư, đấu thầu từ Trung Quốc, không cho phép thương lái Trung Quốc tự do ra vào thu mua tài nguyên khoáng sản và những thứ “cây, con, rễ, lá” kỳ cục, không loại trừ có tính chất phá hoại sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Trung Quốc đang thực hiện sự trỗi dậy bằng quân sự
“Trỗi dậy hòa bình” là khái niệm Trung Quốc đưa ra và triển khai với nhiều tham vọng. Thực tế khi Trung Quốc “trỗi dậy”, các hành động của họ khiến các nước xung quanh phải cảnh giác cao độ?
Trong những năm đầu thực hiện chính sách cải cách mở cửa, để tranh thủ thu hút nguồn vốn và công nghệ tiên tiến từ Mỹ và Phương Tây, kim chỉ Nam cho mọi chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn là là phương châm “giấu mình, chờ thời” do ông Đặng Tiểu Bình đề ra. Chính sách ngoại giao “giấu mình, chờ thời” đã làm dịu đi mối quan ngại của thế giới về “hiểm họa Trung Quốc”, giúp Trung Quốc từng bước vươn lên vị trí cao hơn trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, với những hành động hung hăng vừa rồi của Trung Quốc đối với Mỹ, Nhật, Philippnes, Việt Nam … cho thấy Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời”. Thay vào đó, Trung Quốc đang thực hiện sự trỗi dậy bằng sức mạnh quân sự, họ nhận thấy rằng đã đủ mạnh để thách thức vị trí thống trị toàn cầu của Mỹ và họ sẵn sàng phô trương sức mạnh cơ bắp trong các cuộc đụng độ với các nước láng giềng về các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền.
Khi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán chi phối Trung Nam Hải thì Trung Quốc sẽ gây sự, xâm phạm đến lợi ích sống còn của các nước láng giềng, thậm chí vươn xa hơn ra trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, lo lắng thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” do Mỹ và Phương Tây đưa ra là có cơ sở.
Viễn cảnh trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử
Rõ ràng Trung Quốc đang ngày càng muốn khẳng định vị thế “nước lớn” của mình và mong muốn làm cho cán cân quyền lực của thế giới thay đổi theo hướng có lợi nhiều nhất cho Trung Quốc?
Trung Quốc là một quốc gia có đường biên giới dài 22.143km trên đất liền, tiếp giáp với 14 quốc gia khác, và có đường bờ biển dài trên 14.500 km, Trung Quốc cũng là quốc gia có nhiều tranh chấp biên giới với hầu hết các nước láng giềng. Có lẽ đó là một kỷ lục không quốc gia nào trên thế giới muốn “cạnh tranh” với Trung Quốc.
Ai cũng biết, Trung Quốc đã vượt Nhật trở thành nền kinh tế mạnh thứ hai sau Mỹ, chí phí quốc phòng của Trung Quốc hàng năm đều ở mức 3 con số tỉ USD. Với sức mạnh kinh tế và quân sự như vậy, Trung Quốc không còn giấu diếm tham vọng làm thay đổi cán cân quyền lực của thế giới, thách thức và cạnh tranh với vị trí siêu cường của Mỹ. Tuy nhiên, không giống với các nước lớn khác, một nghịch lý đã xảy ra với Trung Quốc là Trung Quốc càng lớn mạnh, càng hung hăng thì càng ít bạn bè và hầu như không có đồng minh.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bình luận của ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông, Bộ Ngoại giao đăng trên báo Straitstimes của Singapore tháng 5/2014: “Nếu Trung Quốc để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng”. Chính vì thế dù có trở thành một cường quốc thì phát triển ấy cũng khó mà bền vững.
Ông có nghĩ rằng với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ khiến thế giới hình thành hai “cực” quyền lực như thời chiến tranh lạnh hay không?
Chúng ta đã biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh thế giới tồn tại hai cực đã gây ra rất nhiều hậu quả cho an ninh thế giới nhất là các nước nhỏ. Khát vọng muốn vươn lên thành một cực, cân bằng chiến lược với Mỹ ở cả sân chơi quyền lực toàn cầu lẫn ưu thế chiến lược vượt trội tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chính là động lực thôi thúc cho Bắc Kinh gần đây đã thực hiện hàng loạt các hoạt động gây hấn, căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tôi cho rằng, Trung Quốc chưa thể vươn lên thành một cực đối chọi với Mỹ như hai cực Xô – Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh. Trung Quốc chưa đủ tầm cỡ, càng không có đồng minh để phát triển thành một siêu cường như Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, “giấc mộng Trung Hoa” đã khiến Trung Quốc như kẻ mộng du đang bước những bước dài phiêu lưu đe dọa an ninh khu vực , đe họa hòa bình thế giới và đe dọa tới sự tồn vong của đế chế Trung Hoa.
Thiết nghĩ, để cảnh tỉnh kẻ mộng du này, không chỉ là việc Việt Nam đang làm mà cũng là trách nhiệm chung của ASEAN, các nước lớn và cộng đồng quốc tế.
Hà Trang-Dân Trí
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment