Vì sao Nhật Bản và Úc tăng cường hợp tác quốc phòng?
Thursday, June 12, 2014
Ngày 11 tháng 6, tại Tokyo đã diễn ra cuộc gặp giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Úc trong định dạng "2+2".
Chủ đề thảo luận hàng đầu là bối cảnh phức tạp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận chung cho vấn đề này và cơ sở cho sự đồng lòng chính là việc Tokyo cũng như Canberra xác định gốc rễ vấn đề bắt nguồn từ các hành động của Bắc Kinh.
Người đứng đầu Nội các Nhật Bản Shinzo Abe đã không chỉ một lần nói rằng, tuy liên minh Mỹ-Nhật tiếp tục chiếm vị trí trọng tâm trong chính sách quốc phòng Nhật Bản, nhưng trước những nỗ lực của Trung Quốc, đất nước cần mở rộng sự hợp tác quân sự với cả các quốc gia khác. Nguyên nhân trước hết của nhu cầu đa dạng hoá hợp tác không phải bởi những lo ngại Mỹ sẽ giảm bớt sự hiện diện quân sự tại khu vực do hạn chế về ngân sách. Tới nay, chưa hề có dấu hiệu nào như vậy và chuyến thăm khu vực gần đây của Tổng thống Barack Obama cũng chứng tỏ điều này. Tuy nhiên, những năm gần đây Nhật Bản đã tích cực thảo luận kế hoạch phát triển hợp tác quốc phòng với Anh, Pháp và Ấn Độ. Đồng thời có sự kích hoạt các liên lạc giữa Nhật Bản và Việt Nam với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc gia tăng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Giữa các nước Châu Á-Thái Bình Dương, Úc là một đối tác ưu tiên của Nhật Bản về hợp tác kỹ thuật quân sự. Canberra cũng không muốn đặt toàn bộ hy vọng vào đồng minh ở Washington và quan ngại trước tham vọng khu vực ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng Tư năm nay, Thủ tướng Chính phủ Úc Tony Abbott đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời dự cuộc họp Hội đồng An ninh Nhật Bản, thành lập vào tháng Mười Hai năm ngoái. Tại đây, ông Abbott cho biết rằng Úc "cam kết tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, thúc đẩy phát triển chiều sâu sự hợp tác quốc phòng, an ninh." Hiệp định hợp tác nghiên cứu chế tạo vũ khí giữa hai nước đã trở thành hiện thực, nhờ thực tế chính phủ Nhật Bản điều chỉnh qui chế cấm xuất khẩu vũ khí từng tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Chuyên gia Victor Pavlyatenko Viện Nghiên cứu Viễn Đông nhận định rằng, có khả năng cuộc họp định dạng “2+2” đưa ra những kế hoạch chế tạo vũ khí cụ thể.
“Cùng với sự xuất hiện của Nội các do ông Abe lãnh đạo, Nhật Bản thay đổi chiến lược đối ngoại và quân sự trong khu vực. Hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nhật Bản và Úc đã được triển khai. Đặc biệt, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Úc công nghệ tàu ngầm hiện đại mà họ sở hữu. Canberra đang rất cần thay thế đội tàu ngầm có trang bị tính tàng hình. Theo đánh giá của các chuyên gia, Úc sẽ chi cho mục đích này khoảng 37 tỷ USD.”
Chưa có thông tin cụ thể về hình thức hợp tác giữa Nhật Bản và Úc - chuyển giao công nghệ hay cung cấp tàu ngầm sẵn sàng sử dụng. Trong mọi trường hợp, mối liên hệ chặt chẽ sẽ được tăng cường giữa các lực lượng vũ trang hai nước và là một bằng chứng nữa cho thấy cuộc chạy đua vũ trang đang tích cực diễn ra trong vùng. Châu Á – Thái Bình Dương với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đang cùng lúc biến thành một khu vực quân sự hóa nhất trên thế giới.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment