Các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc đã có sự thay đổi chính sách từ thế phòng thủ sang thế tấn công ở Biển Đông.
Máy bay Trung Quốc bay trên các tàu chấp pháp Việt Nam ngày 31/5
Theo tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong, một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc vừa cho biết Trung Quốc đang tìm cách mở rộng cơ sở lớn nhất của họ ở quần đảo quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Bắc Kinh gọi là Nam Sa), thành một đảo nhân tạo có hình dáng đầy đủ và trọn vẹn, bao gồm cả đường băng và cảng biển, nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của họ ở Biển Đông.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng hoạt động mở rộng đã được lên kế hoạch ở đảo đá ngầm Chữ Thập của Việt Nam.
Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là một dấu hiệu rõ ràng hơn nữa về sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc trong việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền kéo dài, từ thế phòng thủ chuyển sang thế tấn công.
Theo các chuyên gia, hành động đó được xem là một bước đi tiến tới việc tuyên bố thành lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ).
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc lấn biển tại đảo san hô vòng Đá Chữ Thập sẽ càng làm căng thẳng hơn nữa các mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Giáo sư Kim Xán Vinh, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết đề xuất xây dựng một đảo nhân tạo ở khu vực đó đã được trình lên chính quyền trung ương Trung Quốc.
Theo Giáo sư Kim Xán Vinh, đảo nhân tạo này ít nhất cũng sẽ có kích cỡ gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia, một đảo san hô vòng xa xôi có diện tích 44 km vuông nằm ở giữa Ấn Độ Dương. Đảo ngầm Đá Chữ Thập hiện có một số cơ sở do Trung Quốc xây dựng, bao gồm một trạm quan sát được ủy thác bởi Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của UNESCO.
Trong khi đó Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho rằng hòn đảo mở rộng này sẽ bao gồm cả đường băng và cảng biển.
Theo chuyên gia này, sau khi được mở rộng, hòn đảo này sẽ tiếp tục là nơi đặt trạm quan sát nói trên và là nơi cung cấp tiếp tế và hỗ trợ quân sự của quân đội Trung Quốc.
Một Đại tá về hưu giấu tên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng cho rằng việc xây dựng một đường băng ở Đá Chữ Thập sẽ cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.
Sau khi đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, khi được hỏi liệu Trung Quốc có lập thêm ADIZ hay không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân trả lời rằng việc đó sẽ được tiến hành “vào một thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất sự chuẩn bị cần thiết”.
Đầu tháng 2/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã lên tiếng phủ nhận bài báo được đăng trên tờ Asahi Shimbun (Nhật) ngày 31/1 rằng không quân Trung Quốc đã lập dự thảo kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông và đang tính toán thời điểm thích hợp nhất để tuyên bố thực thi kế hoạch. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thông tin từ Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ hai ở Nhật, vẫn đáng tin cậy.
Hơn một tháng qua, Trung Quốc liên tục có các hành động leo thang trên Biển Đông. Mở đầu là hành động ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có những tàu quân sự vào khu vực này và có những hành vi hung hăng, ngang ngược, đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng thực thi pháp luật và cả ngư dân Việt Nam.
Việt Nam đã kiên trì trao đổi tiếp xúc ở nhiều cấp khác nhau với Trung Quốc, kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước; kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời ngừng ngay các hành vi gây căng thẳng ở khu vực.
Quyết tâm và những thiện chí đó của phía Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục, thậm chí có những hành vi hung hăng hơn, gây ra những sự việc hết sức nghiêm trọng ở thực địa, đồng thời liên tục đưa ra luận điệu vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam, rêu rao về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa, mà trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Báo Pakistan: Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh ngắn, ác liệt
Tờ News Pakistan ngày 7/6 đưa tin, theo báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về tình hình quân sự Trung Quốc đệ trình Quốc hội Mỹ hôm 5/6, chương trình hiện đại hóa quân sự lâu dài của Trung Quốc nhằm mục đích cải thiện khả năng chiến đấu vũ trangvà giành chiến thắng bất ngờ trong khu vực với một khoảng thời gian ngắn và tấn công cường độ cao.
Trong báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay, Mỹ vẫn cho rằng trọng tâm chính của chiến lược quân sự Trung Quốc vẫn là chuẩn bị cho một cuộc chiến "giải phóng" Đài Loan, tuy nhiên nó nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị cho 1 cuộc chiến "dự phòng tiềm năng" ở Biển Đông và Hoa Đông.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng sự hung hăng của Bắc Kinh trong các tranh chấp hàng hải nhằm đối phó với trục châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng một số nhà phân tích tin rằng 2 chiến lược này độc lập với nhau.
Trung Quốc đang tìm kiếm (muốn chiếm đoạt, xâm lược) một phần lãnh thổ của các nước láng giềng và kiểm tra quyết tâm của Mỹ thực hiện các cam kết với đồng minh của mình. Điều này có nghĩa là, nếu Washington khoanh tay ngồi nhìn, Bắc Kinh sẽ quyết định chiếm (xâm lược) một phần lãnh thổ của nước khác.
Minh Triết (Tổng hợp) - Báo Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment