Có thể xem Việt Nam, một quốc gia không để cho nước lớn hơn chèn ép, như một hình mẫu tiềm năng để Nhật Bản noi theo, theo bài xã luận đăng trên trang Japan Times hồi cuối tuần trước.
Các chuyên gia Nhật cho rằng Nhật Bản có thể học tập từ cách thức chống ngoại xâm của quân đội Việt Nam - Ảnh minh họa: Reuters
Trong bài phân tích trên tuần san Asahi Geino (Nhật Bản), Toshio Tamogami, cựu chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, miêu tả việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam ở biển Đông như một tình huống không phải của riêng một ai đó vì “tình huống tương tự cũng có thể xảy ra tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.
Việt Nam là một quốc gia không để cho các nước lớn hơn bắt nạt, ông Tamogami đánh giá.
“Mặc dù sức mạnh không quân hay hải quân không đáng kể, nhưng Việt Nam là một đất nước cương quyết và phát động chiến tranh dựa trên chiến thuật “Không để kẻ thù chiến thắng là đã tránh bị đánh bại” – một chiến thuật đã khiến cho những nước lớn như Pháp, Mỹ và Trung Quốc đại bại”, theo ông Tamogami.
Cựu quan chức quân đội Nhật Bản đề xuất Nhật có thể học tập Việt Nam.
“Người dân Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam có tinh thần tự hào dân tộc, hay có thể gọi là ‘sức mạnh ý chí’”, ông Toru Kitsu, biên tập viên của tạp chí chuyên tin quân sự Ships of the World (Nhật Bản) nhận xét.
Ông Kitsu còn nói thêm rằng binh sĩ Việt Nam thiện chiến và lãnh đạo Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đúc kết từ cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Người Việt Nam tự hào với khả năng chiến đấu quả cảm, thậm chí là trong tình huống bất lợi khi phải chiến đấu chống kẻ thù trang bị tốt hơn, theo ông Kitsu.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự Nhật Bản Sera bình luận quần đảo Hoàng Sa là khu vực thuận lợi cho tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam hoạt động.
Cả hai ông Sera và Kitsu đều có cùng chung đánh giá cho rằng sức mạnh quân đội Việt Nam chỉ tập trung vào lực lượng bộ binh.
Tuy nhiên, Việt Nam có một lợi thế mà Trung Quốc không có – đó là hằng năm sinh viên Việt Nam có dịp được học tập tại Học viện Quốc phòng Nhật Bản ở tỉnh Kanagawa.
“Nhật Bản là nước duy nhất tại châu Á nắm vững các chiến thuật hải quân”, theo ông Sera. “Chúng ta không thể bỏ qua thực tế là có nhiều người Việt Nam đã học tập tại đây (Học viện Quốc phòng Nhật Bản)”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lối đánh du kích trong rừng của quân đội Việt Nam đã gây nhiều tổn thất cho quân Mỹ, khiến Mỹ phải dùng đến bom napalm và chất độc màu da cam để tàn phá các cánh rừng.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải chấp nhận một sự thật rằng không có cách nào để hút hết nước ra khỏi biển Đông, ông Sera bình luận.
Hoàng Uy- Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment