Chưa lúc nào cuộc sống lại nghiệt ngã một cách bi tráng và thú vị như những ngày tháng 5, tháng 6 này
Saturday, June 14, 2014
Gượm hãy chụp mũ kẻ viết câu này là "thân Tàu". Hãy xem cái giàn khoan là một phép thử. Đại để như học trò làm thí nghiệm trên tờ giấy quỳ. Nhúng mảnh giấy quỳ vào dung dịch, nếu màu giấy quỳ giữ nguyên màu tím thì dung dịch đó trung tính, nếu ngả sang màu xanh thì dung dịch đó mang tính kiềm, nếu chuyển sang màu đỏ thì dung dịch đó mang tính axit. Với cái giàn khoan 981 kẻ cướp kia cũng vậy. Giữa thanh thiên bạch nhật, nó hùng hổ, ngang ngược tọa đặt vào vùng biển của Việt Nam với hàng trăm tàu chiến tháp tùng, máy bay yểm trợ.
Chúng định làm gì? Khoan dầu ư? Cũng có thể. Siêu cường "trỗi dậy hòa bình" đang khát nhiên liệu. Nhưng với nhiều nhà bình luận quốc tế cũng như những học giả am hiểu về Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình cũng như thời Tập Cận Bình đều cho rằng: Đây là một phép thử. Thử bản lĩnh và cách ứng xử của đối phương trong tham vọng bành trướng mà cái "lưỡi bò" ham hố thè ra với đường 9 đoạn tự vẽ trên Biển Đông.
Trò đời, cái anh già mồm, bạo miệng hùng hùng, hổ hổ lại là anh thiếu tự tin trước đối thủ. Họ muốn thử phản ứng của Mỹ, của Nhật mà họ tự biết sự to xác của một quốc gia với hơn 1,2 tỷ dân, tuy đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ khá ngoạn mục để đoạt ngôi vị thứ 2 về kinh tế của Nhật, nhưng còn kém xa Nhật về nhiều mặt mà nhiều thập kỷ nữa vẫn chưa có thể đuổi kịp, chứ chưa nói đến Mỹ. Và rồi, sự quyết liệt của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khiến cho Trung Quốc mất mặt ở "Đối thoại Shangri La", rồi trước công luận quốc tế! Nhục quá hóa liều, viên tướng đại diện cho đoàn Trung Quốc nổi đóa làm xôn xao hội trường. "Khó có thể hiểu sao phía TQ lại tỏ ra cộc cằn đến vậy. Có lẽ vì họ bị phê phán quá nhiều tại cuộc đối thoại lần này", ông Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế [IISS], đơn vị tổ chưc "Đối thoại Sgangri La" nhận xét.
Để chữa thẹn và trấn an người dân Trung Quốc, ngày 03/5/2014, CNR và CCTV phải đưa tin về tàu của họ tấn công tàu Việt Nam để cho dân họ thấy là tàu họ mạnh hơn, nhiều hơn, hiện đại hơn nhưng đâm ra "giấu đầu hở đuôi", tạo hiệu ứng ngược "lạy ông tôi ở bụi này"! Tính toán sai lầm trong phép thử khiến chiếc mặt nạ "trỗi dậy hòa bình" rơi xuống, để lộ nguyên hình bộ mặt hiếu chiến của một "siêu cường nhưng chưa trưởng thành", với sự ngạo mạn của một "kẻ gây hấn tiềm tàng trong khu vực" nhưng tự biết mình yếu thế, như nhận định của Gabriel Grésillon, thông tín viên của Les Echos thường trú tại Bắc Kinh.
Thế nhưng, có lẽ cái "phép thử" cho ra kết quả ngoạn mục nhất lại là với Việt Nam, người láng giềng "cùng chung ý thức hệ XHCN", từng "thắm tình hữu nghị, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông" vốn "sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng,vận mệnh tương quan" [?!] với ông chủ cái giàn khoan kẻ cướp kia!
Bốn điều "tốt" cùng với phương châm 16 chữ bịp bợm kia, đã bị chính cái giàn khoan kẻ cướp lột trần mà không cần phải phân tích. Lời tuyên bố rành rọt và đanh thép : "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó" đã thể hiện được ý chí và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đi thẳng vào lòng người vì đã chạm đến cái điểm sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm thế dân tộc.
Giáo sư Tương Lai ( bên phải) trao đổi cùng Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Hòa Bình . Ảnh: Hà Dũng
Liệu có phải tuyên bố đó đánh dấu một giai đoạn mới trong ứng xử với Trung Quốc? Thế rồi, liên tục từ đầu tháng 5.2014 đến nay, hệ thống truyền thông đại chúng liên tục đưa tin bằng những lời mạnh mẽ, quyết liệt, gọi đúng tên kẻ cướp. Những chiếc "tàu lạ" dạo nào nay được chỉ đích danh là tàu Trung Quốc đang hung hăng hoành hành trên vùng biển của ta. Hy vọng rằng những cố gắng không mệt mỏi của những biên tập viên Đài Truyền hình, những thiên phóng sự nóng hổi được chiếu trên màn hình, những trang báo mạnh mẽ, sống động vạch mặt kẻ xâm lược sẽ đủ sức xua bớt đi những mơ hồ, lệch lạc đã từng gieo bám vào đầu óc của không ít người về nước "Trung Quốc XHCN anh em". Xem ra, lật mặt nạ kẻ "mượn màu son phấn đánh lừa con đen"*, bắt nó hiện nguyên hình là "cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người"* cũng là từ cái giàn khoan đang phơi mặt ra giữa Biển Đông của ta.
Thì ra, họa trung hữu phúc, trong cái rủi có cái may, không phải ai khác mà chính Trung Quốc, bằng hành động ăn cướp của mình đã lộ diện là một siêu cường hiếu chiến khiến khu vực Đông Á, Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới phải cảnh giác. Có thể mượn lời cũng của Gabriel Grésillon để nói về hình ảnh cái giàn khoan 981 bất chấp pháp lý và đạo lý : "Nơi đây là mồ chôn của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc"!
Mà thật ra, làm sao "trỗi dậy hòa bình" được khi mà tư tưởng bành trướng Đại Hán đã ăn sâu vào cốt tủy và não trạng giới cầm quyền của đế chế Trung Hoa qua các triều đại từ xưa đến nay. Điều cay đắng phải nói là, do vị thế địa-chính trị oái oăm của đất nước liền kề với nước láng giềng khổng lồ, khiến cho dân tộc Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết về hiểm họa tiềm tàng chưa bao giờ dứt này. Không thể chuyển bán đảo hình chữ S đứng nhìn ra Biển Đông đi nơi khác mà sống, thì phải bám trụ lại mà sống với khí phách "có cứng mới đứng đầu gió". Cho nên, phải cảnh giác, điều đó khắc sâu vào tâm thế của một dân tộc luôn phải thường trực chống lại nguy cơ đồng hóa của chủ nghĩa bành trướng đại Hán vốn cũng thường trực trong não trạng các thế lực cầm quyền Trung Quốc.
Lịch sử Việt Nam dày đặc những trang chống ngoại xâm. Và dường như chưa đủ, các thế hệ Việt Nam còn tạc vào hình thể núi sông những chứng tích trường tồn cùng năm tháng để răn dạy con cháu bài học cảnh giác. Hình tượng con voi cụt đầu ở vùng đồi trung du miền Bắc trong truyền thuyết về 100 ngọn đồi, 99 còn nguyên vẹn, một bị sạt lở mất đỉnh, đấy là hình ảnh con voi bị chém vì đã lìa đàn quay đầu về phương bắc là một ví dụ. Hòn Vọng Phu ở Đồng Đăng, Lạng Sơn là một ví dụ khác.
Cần nói thêm rằng, trên đất nước này, không chỉ có một Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn, mà còn nhiều Hòn vọng phu khác nữa. Chẳng hạn, Hòn vọng phu trên đỉnh núi Bà, Bình Định; hòn vọng phu trên đỉnh M'drak, Đắk Lắk; hòn vọng phu trên đỉnh núi Nhồi, Thanh Hoá; hòn vọng phu bên bờ khe Giai, bản Cơ Lêc, Nghệ An... Chiến tranh chống ngoại xâm diễn ra triền miên, hình ảnh người vợ đứng ngóng chồng trở về từ chiến trường đã hóa đá là một biểu tượng bi tráng của dân tộc này. Khát khao hòa bình, chấm dứt chiến tranh, vì thế, là đòi hỏi của cuộc sống. Tranh thủ mọi điều kiện và phương tiện để duy trì hòa bình, chủ động tránh đẩy tới chiến tranh là chiến lược và sách lược của người lãnh đạo có bản lĩnh và viễn kiến chính trị hiểu rõ khát vọng của dân và xu thế chung của thế giới.
Song hòa bình không thể thực hiện bằng sự nhu nhược và đớn hèn. Đơn giản chỉ vì kẻ xâm lược không bao giờ có thiện ý từ bỏ mưu đồ của chúng. Cho nên, hòa bình chỉ giữ được khi chúng ta có thực lực. Thực lực ấy được khởi động, quy tụ và phát huy từ ý chí và sức mạnh của cả dân tộc bắt đầu từ mỗi người dân. Thật dễ hiểu vì "chúng ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới" đó là chân lý nghiệt ngã mà Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo. Chúng chỉ buộc phải dừng lại trước quyết tâm và khí phách của cả một dân tộc không chịu cúi đầu như đã từng "cửa Hàm tử giết tươi Toa Đô, bến Bạch Đằng bắt sống Ô Mã...khiến cho chúng "ra đến biển chưa thôi trống ngực, về đến Tàu còn đổ mồ hôi" mà Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô Đại Cáo".
Thì chẳng phải là chiến tranh, ngoài những cuộc tranh bá đồ vương khiến người dân buộc phải làm đá lát đường cho những cỗ xe quyền lực lăn bánh, phần lớn là chiến tranh chống xâm lược đến từ phương bắc của các vương triều Trung Hoa Tần, Hán, Tùy Đường...Tống, Nguyên, Minh, Thanh và hậu duệ của họ. Càng nguy hiểm hơn khi những kẻ bành trướng thế hệ mới lại khoác lên mình bộ áo khoác "ý thức hệ XHCN" để dễ bề thực hiện mưu toan bao đời của một đế chế muốn mở rộng cánh cửa về phía nam. Những "Viện Khổng Tử" thời Tập Cận Bình xét cho cùng, cũng chỉ là kế tục âm mưu thâm độc thể hiện trong sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng ngày 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) : “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”!
Khởi nguồn từ đây, những lừa mỵ, bịp bợm về bốn điều tốt và phương châm mười sáu chữ khiến cho chiến lược bành trướng càng thêm thâm độc khi mà tội ác chúng gây ra với chiến tranh biên giới phía Tây Nam rồi chiến tranh biên giới phia Bắc 1979 vào lúc đất nước này chưa kịp hàn gắn những vết thương của một cuộc chiến tàn khốc kéo dài. Phải làm vậy vì chúng hiểu rõ Việt Nam là cục xương ngáng ngang họng không cho chúng nuốt trôi miếng mồi chúng thèm muốn. Có lẽ phải đọc lại cuốn sách do nhà xuất bản Sự Thật phát hành năm 1979 "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua " để dẫn ra câu của Mao nói với đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu tại Vũ Hán năm 1963. Một tư liệu lưu trữ tại Thư viện QĐNDVN ghi lại bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn có đoạn : "Trước khi đoàn ta về nước, Mao có tiếp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi trò chuyện cùng chúng tôi và đến cuối câu chuyện ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á.” (38) Đặng Tiểu Bình cũng ngồi đó và nói thêm: “Đó chủ yếu là vì bần nông của chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn!”. Khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch.” Họ dám ngang nhiên tuyên bố như vậy. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Rõ ràng là không một phút nào họ không nghĩ tới việc đánh Việt Nam!
Chính vì thế khi trả lời câu hỏi của nhà báo Pháp Danielle Hunebel, Cơ quan Phát thanh-Truyền hình Quốc gia Pháp ORTF : "Có một vài ý kiến cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và nói một cách chính trị, khó có thể tránh khỏi trở thành một thứ vệ tinh của Trung Quốc. Có thể nói gì về việc này" Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không một giây do dự, dằn giọng trả lời "Không bao giờ"! Chính ở đây, Hồ Chí Minh đã diễn đạt một cách cô đọng và thấm thía nhất lời nguyền của ông cha ta từ thuở "các vua Hùng có công dựng nước" và nay các thế hệ Việt Nam phải biết cách "giữ lấy nước". Phải chăng, nói đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì trước hết phải quán triệt sâu sắc điều này?
Mà cũng vì thế, cái phép thử nhiệm mầu của cái giàn khoan ăn cướp kia cũng thể hiện rõ nhất ở đây. Cách ứng xử của mỗi người dân Việt Nam, từ bà bán rau ngoài chợ, đến ông tiến sĩ trên bục giảng, rồi ông Sếp vốn khép mình trong cổng kín, tường cao, thì trước "cái giàn khoan made in China" kia , việc tồn tại của nó sẽ như một thứ "dung dịch" thử để làm rõ hơn chất "trung tính", "mang tính kiềm" hay "mang tính axit" của mỗi người ?!
Chao ôi! Chưa lúc nào cuộc sống lại nghiệt ngã một cách bi tráng và thú vị như những ngày tháng 5, tháng 6 này!
Xin kết thúc bài viết bằng một câu của Einstein "trong ánh chớp của những cơn giông sáng lòe của một giai đoạn chuyển động, người ta thấy các sự việc và con người như trần truồng...". Để rồi, nhớ lời khuyến cáo của Nguyễn Du : "Mai sau dầu đến thế nào, Kìa gương nhật nguyệt, nọ dao quỷ thần". Chính vì thế mà phải "cám ơn" cái giàn khoan kẻ cướp.
Tags:
Biển Đông,
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment