Đã có rất nhiều lý giải khác nhau tại sao Trung Quốc gây hấn ở vùng biển Việt Nam. Một học giả Mỹ cho rằng Tập Cận Bình chịu sức ép đối nội dẫn đến thay đổi cách hành xử đối ngoại. Ý kiến phía Trung Quốc cho rằng uy hiếp Việt Nam là “nắn phần mềm trước”.
Cần đòn bẩy để giảm bớt áp lực từ công chúng
Trang mạng Realclearworld.com hồi tháng 2/2014 đăng bài phân tích của Robert D. Kaplan, một chuyên gia Mỹ hàng đầu về địa chính trị, cho rằng các hành động hung hăng và đối đầu được kiểm soát là nhằm phục vụ mục đích chính trị nội bộ ở Trung Quốc.
Ngoại trừ Nhật Bản, có thể khẳng định chắc chắn rằng lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của Trung Quốc có thể chế ngự bất kỳ một quốc gia cạnh tranh đơn nhất nào. Trung Quốc không thể đối phó với bất kỳ một sự phối hợp nào của các quốc gia trong đó có Mỹ. Mỹ chính là trở ngại của bất kỳ hành động công khai nào nhằm thay đổi nguyên trạng như chiếm giữ các đảo, đối đầu quân sự hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không.
Do đó những gì chúng ta đang thấy chủ yếu là một loạt các cuộc đối đầu được kiểm soát nhằm phục vụ hoạt động chính trị nội bộ ở Trung Quốc, giữ cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở mức độ cao nhằm củng cố cảm giác về sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc, một điều đặc biệt cần thiết cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. “Diễu võ giương oai” trên biển cũng giúp Trung Quổc định hình các cuộc thảo luận song phương với các nước láng giềng tranh chấp biển từ một vị thế của sức mạnh lớn hơn, hay ít nhất là đặt nền móng cho những khẳng định về chủ quyền sau này bằng cách nhấn mạnh sự bất lực của các quốc gia khác trong việc phản bác hoàn toàn các yêu sách của Trung Quốc. Hơn nữa, thông qua việc lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đối chọi với một quốc gia như Philippines, Trung Quốc cho người dân trong nước thấy chế độ đang đối mặt với Mỹ, quốc gia có quan hệ hiệp ước đồng minh với Philippines.
Do đó, khi tranh chấp Biển Hoa Đông lắng xuống chút ít trên mặt báo thì Trung Quốc nâng mức độ khiêu khích trên biển gần ở Việt Nam hoặc Đài Loan. Do Trung Quốc không thể hoàn toàn vươn tới các vùng biển xa tại Thái Bình Dương với việc hải quân và không quân Mỹ theo dõi từng động thái của nước này, nên các hành động của hải quân và không quân Trung Quốc dường như chủ yếu là để có được các hình ảnh nhằm quảng bá ở trong nước.
Hành động gây hấn của tàu Trung Quốc ngày 2/6 tại vùng biển Việt Nam
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng cảm thấy họ đang bị áp lực từ trong nước. Kỳ tích về kinh tế của Trung Quốc không còn giống như vài năm trước đây. Cải cách căn bản và tái cân bằng là điều không thể né tránh được nữa. Thậm chí ngay cả khi những cải cách như vậy thành công và các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc trở thành những người hùng trên con đường mà Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng, vẫn khó có thể tránh khỏi nhiều bất ổn xã hội và chính trị. Chủ tịch mới của Trung Quốc cần các đòn bẩy giúp ông ta có thể giảm bớt áp lực từ công chúng. Chủ nghĩa dân tộc có thể dễ dàng được đẩy lên trong một hoàn cảnh như vậy.
Trung Quốc, thông qua kích động các cuộc khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, dường như đang hành động đi ngược lại các lợi ích chiến lược trung hạn của mình ở nước ngoài để đổi lấy lợi ích ngắn hạn ở trong nước.
“Nắn phần mềm trước”, xoay chuyển cục diện bị động của bàn cờ chiến lược
Cao Trình, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, viết trên Thời báo Tài chính(Anh), ngày 26/5/2014, cho rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây không phải là hiện tượng đơn độc mà là nằm trong điều chỉnh chính sách xử lý vấn đề Nam Hải (Biển Đông) và xoay chuyển cục diện bị động của Trung Quốc trong tranh chấp Nam Hải (Biển Đông). Đồng thời nhằm đánh đi tín hiệu cho các nước tranh chấp, đó là trong vấn đề chủ quyền, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước sức ép của dư luận thế giới; trong trường hợp đối phương thách thức giới hạn đỏ chiến lược của Trung Quốc thì không loại trừ khả năng thông qua vũ lực để giải quyết tranh chấp. Điều này giúp ổn định môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc.
Trong quá trình ngoại giao Trung Quốc chuyển từ “ẩn mình chờ thời” sang “tích cực hành động”, vấn đề hạt nhân của chiến lược biển của Trung Quốc cũng chuyển từ “nên hay không nên hành động” sang “hành động như thế nào”, đột phá khẩu trong vấn đề biển xung quanh Trung Quốc đặt vào chỗ nào. Vấn đề Nam Hải (Biển Đông) là một phần của toàn bộ bàn cờ chiến lược khu vực của Trung Quốc, về sách lược cần có “nặng nhẹ sớm muộn” và phải xem xét toàn cục. Vấn đề trung tâm của Trung Quốc hiện nay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là phải phá vỡ vòng vây kiềm chế của hệ thống đồng minh quân sự của Mỹ tại khu vực.
Nếu Trung Quốc chọn Việt Nam làm mục tiêu chủ yếu và khâu đột phá vì Việt Nam không phải là đồng minh quân sự của Mỹ thì sách lược “nắn phần mềm trước” này sẽ đánh đi một thông điệp cho các nước xung quanh: Không đi theo Mỹ để tìm kiếm sự bảo hộ. Việt Nam là nước lớn thứ hai của ASEAN, uy hiếp Việt Nam trước thì tác dụng ổn định ASEAN càng lớn.
Trước mắt Trung Quốc cần gây sức ép trước những hành động thách thức của Việt Nam, bằng các biện pháp kinh tế, ngoại giao... nhưng không nên đặt Việt Nam thành đối tượng đối phó trọng điểm.
Trung Quốc không mất đi ưu thế ở Nam Hải, ngược lại đang sử dụng vấn đề Nam Hải như một con bài, làm cho không gian chơi con bài với Mỹ và các nước xung quanh thêm rộng mở, “thời gian đang ở về phía Trung Quốc”.
Trần Văn Duật, Ủy viên Hội đồng Nghiên cứu cải cách và phát triển Trung Quốc, viết trên Thời báo Tài chính (Anh), ngày 20/5: “Đơn phương khai phát là sách lược của Trung Quốc tại Nam Hải (Biển Đông)”; “Trung Quốc muốn biến bị động thành chủ động, tất yếu phải thúc đẩy đơn phương khai phát tại Nam Hải, mở rộng sự hiện hữu về chính trị, kinh tế, quân sự ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Điều mà giới học giả Trung Quốc không đề cập đó là hành động này ẩn chứa rủi ro nghiêm trọng cho hình ảnh Trung Quốc về đối ngoại mà cũng khó có thể tránh khỏi nhiều bất ổn xã hội và chính trị đối nội./.
Lưu Việt (Gt)
ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment