Trao đổi với Dân Trí, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông Richard Hayderian cho rằng, Mỹ cần tham gia tích cực hơn nữa về mặt ngoại giao với ASEAN và tăng cường “dấu chân” về quân sự cũng như chiến lược ở châu Á. Ông cũng cho rằng đề xuất “đóng băng leo thang” ở Biển Đông của Mỹ là dấu hiệu tốt.
Chuyên gia về Biển Đông, Giáo sư Philippines Richard Heydarian
Mỹ đề xuất "đóng băng leo thang" là dấu hiệu tốt
Trong phần tiếp của cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, giáo sư đại học Ateneo De Manila, Philippines, đã nói về vai trò của Mỹ, Nhật, những nước lớn trong khu vực và Indonesia, một thành viên tích cực của ASEAN, trong việc tháo gỡ leo thang căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
PV: Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Mỹ đã ra rất nhiều tuyên bố về vấn đề này. Theo ông ngoài các tuyên bố, Mỹ cần làm thêm những gì?
Giáo sư Hayderian: Chính quyền Obama trước đó bị chỉ trích không quyết đoán trong việc “kìm” sự hiếu chiến trong vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc. Và có một số cơ sở cho điều này. Mỹ không thể tuyên bố là một người đảm bảo hòa bình ở khu vực khi không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp Biển Đông. Mỹ thậm chí không cam kết ủng hộ quân sự rõ ràng đối với Philippines, một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, nếu một cuộc chiến nổ ra do tranh chấp Biển Đông.
Mỹ rõ ràng là nên có vai trò tích cực hơn nữa. Là một cường quốc biển, Mỹ đã không đẩy lùi hiệu quả được Trung Quốc. Những gì Mỹ cần là phải làm nhiều hơn nữa để là một nước mang lại ổn định trên biển.
Điều này có nghĩa là Mỹ phải tham gia tích cực hơn nữa về mặt ngoại giao với ASEAN trong vấn đề Biển Đông và dĩ nhiên phải tăng cường “dấu chân” về quân sự cũng như về chiến lược mạnh mẽ hơn nữa ở châu Á.
Tôi cho rằng chính quyền Obama đã nhận thấy sự nguyên trạng trên Biển Đông không còn bền vững và đang lâm nguy, ảnh hưởng đến tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế - điều cốt lõi trong lợi ích quốc gia và sự ưu việt về hải quân của Washington ở Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp báo quan điện thoại vào ngày 10/6 vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Đông Á-Thái Bình Dương Dainel Russel gợi ý rằng ASEAN và Trung Quốc cần phải đạt được một thỏa thuận tạm thời “đóng băng leo thang”, trong đó có việc không chiếm thêm các đảo còn vô chủ trên Biển Đông. Ngài nghĩ sao về gợi ý này?
Giờ đây Mỹ đang tham gia tích cực hơn và đây là một dấu hiệu tốt. Tôi cho rằng đề xuất của Bộ Ngoại giao Mỹ tạo ra một cơ chế “đóng băng leo thang” lẽ ra phải được đưa ra sớm hơn.
Điều quan trọng vào thời điểm này là tăng cường áp lực mạnh mẽ đối với Trung Quốc nhằm làm giảm leo thang căng thẳng, và để Mỹ, ASEAN cùng các cường quốc Thái Bình Dương khác đóng vai trò làm trung gian. Về chính thức, ASEAN là nhà trung gian chủ chốt, nhưng sự tham gia của Mỹ và các cường quốc Thái Bình Dương khác sẽ tăng cường thêm được áp lực ngoại giao, qua các kênh song phương và đa phương, đối với Trung Quốc và một số nước còn lưỡng lự trong ASEAN.
Trong diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng trước, Nhật đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy vai trò mạnh mạnh mẽ hơn của nước này trong an ninh châu Á nhằm “đối trọng” với Trung Quốc. Ngài có đánh giá gì về điều này?
Việc Nhật Bản nổi lên là một nước đóng vai trò chủ chốt trong an ninh khu vực là điều vô cùng quan trọng. Dưới chính quyền của Thủ tướng Abe, Nhật đã nới lỏng những giới hạn mà nước này từng tự đặt ra về xuất khẩu vũ khí, đã tăng cường chi tiêu quân sự và thúc đẩy sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật. Nhật cũng nổi lên là một đối tác quan trọng của ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Theo học thuyết “tự vệ tập thể”, Thủ tướng Abe rõ ràng là đang xem xét đến viễn cảnh Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật đóng vai trò trực tiếp hơn trong việc bình ổn Các tuyến thông thương Biển (Sea Lines of Communications-SLOC) như Biển Đông, và hỗ trợ Mỹ cùng các đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, như Philippines, nếu một cuộc chiến nổ ra trong khu vực. Không có gì ngạc nhiên, trong Đối thoại Shangri-La, ông Abe đã nói rất rõ Nhật là một “đối trọng” với Trung Quốc.
Chính quyền Obama cũng đã khuyến khích Nhật và các đồng minh Thái Bình Dương khác tăng cường vai trò an ninh của họ. Có thể thấy rõ Washington đang dựa nhiều hơn vào các đồng minh chủ chốt của mình, như Nhật, để đảm bảo trật tự tự do ở Đông Á, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ gặp khó khăn về tài chính và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Có thông tin cho rằng Ngoại trưởng Indonesia đã đề xuất các ngoại trưởng ASEAN nhóm họp một phiên đặc biệt về căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Chúng ta có thể thấy gì từ điều này thưa ông?
Indonesia là một thành viên ngày càng tích cực của ASEAN. Do sự tích cực về ngoại giao và vị thế kinh tế của nước này, Jakarta hoàn toàn có khả năng hối thúc ASEAN trở thành nhà trung gian hiệu quả hơn trong việc đảm bảo an ninh hàng hải khu vực.
Mặc dù không phải là một bên trực tiếp liên quan đến những tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông hiện nay, Indonesia đã phủ nhận tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định “đường chín đoạn” xâm lấn vào cả quyền thực thi pháp luật đối với quần đảo Natuna giàu khí đốt của Jakarta.
Indonesia cũng lo ngại trước những cuộc tuần tra ngày càng được gia tăng của lực lượng bán quân sự Trung Quốc trong chính EEZ của nước này. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Indonesia đóng vai trò tích cực hơn nhằm thống nhất ASEAN trong các tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc có vẻ như đã nhận thấy ảnh hưởng của Indonesia và đó là lý do vì sao Bắc Kinh đang gửi thông điệp ngoại giao tới Hà Nội và Manila cũng để nhằm vào Jakarta, đặc biệt là trong những giai đoạn khủng hoảng như trong vài tháng qua.
Tôi cho rằng Indonesia cần phải vận động tích cực, mạnh mẽ hơn nữa các nước khác trong ASEAN ủng hộ cho những nỗ lực nhằm xúc tiến COC và chỉ trích mạnh mẽ hơn nữa những hành động gây bất ổn của Trung Quốc.
Cần ngăn chặn nạn hô-li-gân cả trong quan hệ quốc tế
Tại Hội thảo về tình hình Biển Đông ở Nam Phi, học giả Viện nghiên cứu Johannesburg, ông Muhamed Nur Nordien cho rằng thế giới không thể làm ngơ trước việc các nước lớn hù dọa các nước nhỏ và cần ngăn chặn nạn hô-li-gân, không chỉ trong bóng đá khi World Cup đang diễn ra, mà cả trong quan hệ quốc tế.
Ông Muhamed Nur Nordien tán thành các hoạt động hòa bình vì luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Ngày 12/6/2014, tại Thủ đô Pretoria, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức Hội thảo về tình hình Biển Đông trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hội thảo thu hút sự tham dự của trên 70 đại biểu, trong đó có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nam Phi, đại diện Đoàn Ngoại giao trong đó có các vị Đại sứ và Đại biện lâm thời, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, New Zealand, Mỹ Nhật Bản, Cuba, Bungari, Angiêri, Botswana, Zimbabwe, cùng nhiều học giả, phóng viên báo chí và các doanh nghiệp sở tại.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng đã cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, nhấn mạnh những hành động gây hấn của Trung Quốc trong hơn một tháng qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó đặc biệt Trung Quốc đã duy trì số lượng lớn bất thường nhiều tàu vũ trang quân sự cùng máy bay hộ tống đến vị trí đặt giàn khoan, tiến hành những hành động uy hiếp, thậm chí ngang nhiên đâm chìm tàu cá của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại Biển Đông
Đại sứ Lê Huy Hoàng nhấn mạnh thiện chí, chủ trương của Việt Nam kiên trì các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nhân dịp này, Đại sứ Lê Huy Hoàng cũng cũng kêu gọi chính giới, học giả và ngoại giao đoàn tại Nam Phi ủng hộ yêu cầu chính đáng của Việt Nam, lên tiếng phản đối hành động phi lý của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.
Tại Hội thảo, nhiều đại diện trong ngoại giao đoàn đã lên tiếng ủng hộ các hoạt động chính nghĩa, chủ trương kiềm chế sử dụng các biện pháp hòa bình của Việt Nam. Ông Hiroaki Fujiwara, Công sứ Đại sứ quán Nhật bản nhắc lại quan điểm của chính phủ Nhật bản đã được Thủ tướng Abe phát biểu gần đây tại Hội nghị Shangri-La ở Singapore, nhấn mạnh Nhật bản ủng hộ các nước ASEAN, đề cao luật pháp quốc tế, yêu cầu các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực, mong rằng Cấp cao Đông Á năm tới nhân kỷ niệm 10 năm sẽ mở rộng chương trình nghị sự để trao đổi về công ước luật biển.
Ông Hiroaki Fujiwara, Công sứ Đại sứ quán Nhật nhấn mạnh Nhật ủng hộ các nước ASEAN
Đại biện sứ quán Philippines, ông Racinto hoan nghênh Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức Hội thảo để giúp chính giới ngoại giao đoàn sở tại có những thông tin cập nhật về tình hình căng thẳng đang xảy ra tại Biển Đông, chia sẻ thông tin liên quan đến việc Philippines khởi kiện Trung quốc tại Tòa án trọng tài quốc tế. Học giả tại Viện nghiên cứu Johannesburg, ông Muhamed Nur Nordien cho rằng khi ngăn chặn để giải bóng đá quốc tế World Cup khởi tranh hôm nay không bị ảnh hưởng bởi những hành động hô-li-gân, thế giới không thể làm ngơ trước việc các nước lớn hù dọa các nước nhỏ, các nước thành viên HĐBA/LHQ cần làm gương để ngăn chặn nạn bạo hành hô-li-gân cả trong quan hệ quốc tế. Theo đó, ông Muhamed Nur Nordien rất tán thành các hoạt động hòa bình vì luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Nhiều học giả cũng đã tranh luận sôi nổi về các biện pháp xử lý tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới, cho rằng Việt Nam có thể tận dụng hơn nữa các cơ chế, diễn đàn liên quan như tại Liên Hợp Quốc, Phong trào Không Liên Kết,… để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Một số đại biểu cũng đề cập khả năng áp dụng một số bài học thành công trong việc xử lý tranh chấp ở các khu vực thời gian qua, kể cả công thức khai thác chung ở những nơi các bên có thể thỏa thuận phù hợp với yêu cầu và lợi ích chính đáng của mình.
Theo nhận xét của nhà báo Kirtan Bhana thuộc tạp chí Diplomatic Society của Nam Phi, hội thảo này do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức là sự kiện hữu ích, những người tham dự có dịp hiểu rõ hơn về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại Biển Đông. Ông hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Vũ Quý, Trung Anh - Dân Trí
Comments[ 0 ]
Post a Comment