Báo Stars and Stripes của quân đội Mỹ ngày 18.6 có bài viết về triển vọng hợp tác với quân đội Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gây căng thẳng khi hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Tàu cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS 50) của Hạm đội 7 Mỹ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng cùng khu trục hạm USS John S. McCain (DDG 56) ngày 10.4.2014. Mỹ đang muốn Việt Nam cho phép thêm nhiều lượt tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng Việt Nam - Ảnh: Hải quân Mỹ
Với đầu đề “Changing times: Door may open to US military at former Vietnam War hub” (Thời khắc thay đổi: Cửa có thể mở cho quân đội Mỹ vào trung tâm cuộc chiến Việt Nam trước đây), bài báo cho rằng dù có nhiều nghi ngờ về việc chia sẻ cảng nước sâu Cam Ranh rất giá trị ở Biển Đông cho quân đội Mỹ, nhưng sự đón chào tàu chiến và máy bay Mỹ thăm Việt Nam đang gia tăng.
Khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 vào vùng biển Việt Nam đầu tháng 5.2014, sự bế tác giải quyết tranh chấp này đã làm tăng tốc sự ấm lên của mối quan hệ quân sự Mỹ - Việt Nam như vài sự kiện khác có thể có, các nhà phân tích quốc phòng và ngoại giao nói với báo Stars and Stripes sau một hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực tại Shangri-La (Singapore) vừa qua.
Tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền khoảng 90% Biển Đông, chủ yếu dựa trên những điều mà họ gọi là "khám phá lịch sử", đang đe dọa chủ quyền của Việt Nam với vùng biển và hải đảo giàu tài nguyên gần thềm lục địa của họ. Mặc dù Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhưng lợi ích của Việt Nam - cùng với những quốc gia khác tiếp giáp với Biển Đông - là phù hợp với các nguyên tắc của Mỹ về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.
Mỹ cũng muốn bảo vệ nền thương mại của Mỹ trị giá 1.200 tỉ USD/năm (số liệu 2012) thông thương qua tuyến đường biển trên Biển Đông.
Tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam ở Hoàng Sa - Ảnh: Độc Lập
“Mối quan hệ quân sự Mỹ - Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, và phát triển rất nhanh chóng kể từ năm 2010. Sự quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ chỉ tiếp tục thuyết phục Việt Nam rằng họ nên mở rộng liên minh quốc tế, trong đó có Mỹ”, ông Christian Le Mière, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Mỹ) nói.
Hải quân Mỹ đã viếng thăm cảng Đà Nẵng trong những năm gần đây, tham gia vào các hoạt động thể thao và thăm tàu với thủy thủ Việt Nam, và thực hiện một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ chung năm ngoái. Sự tiếp cận nhiều hơn của các tàu Hải quân Mỹ đến vịnh Cam Ranh, phía nam Nha Trang, sẽ là một bước tiến lớn trong mối quan hệ quân sự của hai nước.
Cảng nước sâu này chỉ cách đại dương khoảng 10 km, và cơ sở hậu cần của nó có khả năng chứa các tàu sân bay, các cơ sở này gần đây đã được chi hàng triệu USD để nâng cấp. Sân bay Cam Ranh được sử dụng cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự.
Bộ chỉ huy hậu cần Mỹ đã từng đưa tàu hậu cần vào Cam Ranh để sửa chữa, chiếc đầu tiên vào cảng này cùng lúc với cuộc viếng thăm Cam Ranh của Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông Leon Panetta năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa có chiến hạm nào của Hải quân Mỹ đến thăm cảng kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ngày 31.5.2014, tại đối thoại an ninh quốc phòng Shangri-La ở Singapore, có sự tham dự của các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc, Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã nói rằng cảng Cam Ranh đón chào cả thương mại và quân sự các nước.
“Việt Nam nhận thấy rằng thật là một sự lãng phí nếu vịnh Cam Ranh không được đưa vào sử dụng, vì vậy chúng tôi đang xem xét việc đầu tư, quản lý và xây dựng cảng để cung cấp dịch vụ cho tàu thuyền của các nước”, tướng Phùng Quang Thanh nói.
Tuy vậy, các nhà phân tích đồng ý rằng Việt Nam sẽ tiếp cận thận trọng trong quan hệ với Mỹ, cân bằng các mối quan hệ với những cường quốc khác. Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam. Nga đang đóng sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo cho Việt Nam, và họ sẽ có sự hiện diện thường xuyên tại Vịnh Cam Ranh.
Hầu hết các nhà phân tích không nhìn thấy sự hiện diện của Nga như là một điểm gắn bó. Nhưng sự hiện diện luân phiên của Mỹ tại Vịnh Cam Ranh, tương tự thỏa thuận ấn tượng hồi đầu năm nay giữa Mỹ và Philippines khi cấp quyền cho lực lượng Mỹ đến các căn cứ của Philippines, là một trong số các câu hỏi chưa có lời đáp cho bây giờ.
Tàu hậu cần USNS Richard E.Byrd của Mỹ neo đậu để sửa chữa tại vịnh Cam Ranh, ngày 24.5.2012 - Ảnh: Trần Đăng
Tàu hậu cần USNS Amelia Earhart (T-AKE 6) của Mỹ đang được sửa chữa tại vịnh Cam Ranh, ngày 1.5.2013 - Ảnh: Nguyễn Chung
Thay vào đó, Mỹ và Việt Nam có thể gửi một thông điệp hiệu quả đến Trung Quốc thông qua các chuyến viếng thăm cảng thường xuyên, các chuyến vào tiếp nhiên liệu và các biện pháp khác, theo phân tích của chuyên gia Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Úc), là người có mặt ở Hà Nội lúc Trung Quốc tiến hành hành vi gây hấn đầu tháng 5 vừa qua.
Việt Nam đã dọn đường cho quan hệ nói trên với Mỹ khi ngày 21.5 vừa qua đã có một quyết định quan trọng là tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt (PSI), ông Thayer nói.
PSI do Mỹ và Ba Lan khởi xướng vào năm 2003 là một nỗ lực quốc tế để ngăn chặn các tàu thuyền chở vũ khí hủy diệt hàng loạt, và đã thu hút được chữ ký từ hơn 100 quốc gia.
Lúc đó Việt Nam cùng với Trung Quốc phản đối, cho rằng PSI vi phạm luật pháp quốc tế, và Việt Nam đã thay đổi quan điểm này vào tháng trước.
Vấn đề này được giáo sư Thayer nhận định rằng: “Đó là một giải pháp để yêu cầu Mỹ hỗ trợ Việt Nam về khả năng tiến hành trinh sát và giám sát hàng hải, liên kết với hệ thống radar trên bờ cùng thiết bị kỹ thuật khác”.
Sự gia tăng hiện diện của Mỹ có thể buộc Trung Quốc giảm bớt các hành động hung hăng trong khu vực, đồng thời cho thấy Việt Nam chẳng có hành động khiêu khích nào chống lại Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc (trái) hung hăng lao vào đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam, ngày 21.6.2014 gần khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam - Ảnh: Độc Lập
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc cáo buộc nhau về các vụ đâm tàu ở khu vực giàn khoan làm tăng thêm căng thẳng, nhưng rõ ràng là Việt Nam không có khả năng đâm tàu trước các tàu thuyền Trung Quốc lớn hơn nhiều.
Các tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam có chưa đến 40 chiếc, hầu hết là trọng tải nhỏ, độ 400 tấn/chiếc hoặc ít hơn. Trong khi tàu tuần duyên của Trung Quốc gồm hàng chục chiếc có lượng giãn nước lớn hơn hai lần so Việt Nam.
"Đội tàu của Việt Nam so với Trung Quốc giống như một đội bóng cấp cơ sở chơi với đội hạng chuyên nghiệp, thì bạn đoán xem ai sẽ giành ưu thế?”, giáo sư Thayer nhận định về vụ Trung Quốc tố cáo bị Việt Nam đâm tàu.
Chuyên gia Nga: Trung Quốc sẽ hòa giải với Việt Nam
Chuyên gia Andrei Vinogradov tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga bình luận rằng vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ hòa giải với Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông, trang tin Want China Times (Đài Loan) đưa tin ngày 22.6.
Cụ thể, Want China Times dẫn lời ông Vinogradov nói rằng sự ổn định trong khu vực sẽ bị phá hủy nếu Trung Quốc và Việt Nam không thể tìm ra giải pháp hòa bình cho việc Bắc Kinh tự ý đem giàn khoan Hải Dương-981 (HaiYang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia này nhận định Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ cùng Việt Nam tìm ra cách giải quyết vụ việc vì 2 nước không chỉ là đối tác kinh tế thân cận của nhau, mà còn có chung y thức hệ chính trị.
Tuy nhiên, ông Vinogradov được cho là đã đưa ra phân tích cho rằng sẽ khó có chuyện Trung Quốc đưa hòa hoãn với Việt Nam vì điều này sẽ khiến Nhật Bản gia tăng áp lực cho Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Hoàng uy - Thanh Niên
Tin Nóng
Comments[ 0 ]
Post a Comment