Khả năng của phương thức thứ nhất không lớn. Trung Quốc đã thông qua các hình thức như điều ước quốc tế, tuyên bố chung hay phát biểu của Bộ Ngoại giao để thể hiện rằng nước này sẽ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng phương thức hòa bình. Thái độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với tranh chấp chủ quyền là “không gây chuyện, không sợ chuyện”, trong khi thái độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường đối với tranh chấp ở Biển Đông là “dùng chính nghĩa để báo thù”. Tất cả những điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không chủ động khai chiến.
Trung Quốc dùng số lượng tàu áp đảo để cản trở tàu thực thi pháp luật của Việt Nam hoạt động ở khu vực Hoàng Sa nơi hạ đặt Hải Dương-981
Phương thức thứ hai có nghĩa Trung Quốc sẽ đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng lớn, có thể dự đoán áp lực này như sau: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ ngày càng đoàn kết và đưa ra tuyên bố về vấn đề này. Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Naypyidaw (Myanmar), việc Ngoại trưởng các nước ASEAN lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về vấn để Biển Đông là một kỳ tích; “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” phiên bản ASEAN sẽ nhanh chóng được ra đời; các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp sẽ đứng về phía các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản; sự ủng hộ của các quốc gia ngoài khu vực - mà Mỹ, Nhật Bản là đại diện - đối với các nước ASEAN sẽ ngày một gia tăng; tiếp bước Philippines, Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp trọng tài quốc tế đối với Trung Quốc; quan điểm “Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng” của cộng đồng quốc tế sẽ tìm được căn cứ thực tế. Vấn đề ở chỗ, điều này có nghĩa là chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc lấy “gần gũi, chân thành, bao dung” làm hạt nhân có thể “gặp trở ngại” ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời việc xây dựng con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 có khả năng thất bại trong trận chiến đầu tiên, nghênh đón một Đông Nam Á có tâm lý xa cách với Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Điều này hiển nhiên không phải là kết quả mà Trung Quốc mong muốn.
Cách làm thứ tư không phù hợp với lợi ích tổng thể, lâu dài của Trung Quốc. Việc khai thác nguồn dầu khí ở Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là một trong những nội dung chính trong chủ trương quyền lợi mang tính lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, do đó Trung Quốc chắc chắn không thể vứt bỏ điều này. Việc tiếp tục chính sách kiềm chế ở hai vùng biển trên đồng nghĩa với việc trì hoãn giải quyết mâu thuẫn. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy việc trì hoãn sẽ không thể thúc đẩy giải quyết vấn đề tranh chấp.
Phương thức thứ năm, nếu như đơn phương khai thác sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn so với hiện nay.
Nếu cùng khai thác, sau này tiến hành không bằng tiến hành luôn lúc này. Suy cho cùng, tiến hành khai thác vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc có quyền chủ động. Cho nên, phương thức thứ ba là lựa chọn tương đối thực tế. Điều này đương nhiên không dễ dàng, song lại vô cùng cần thiết, đồng thời là phương án có thể thực hiện.
- Nguyên nhân là, thứ nhất, trong bối cảnh Trung Quốc có năng lực đơn phương khai thác, việc đồng ý tiến hành “cùng khai thác” sẽ có hiệu quả trong việc hóa giải áp lực quốc tế. Điều này sẽ là bước đi mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc thực hiện phương án cùng khai thác đã bị đình trệ mấy chục năm, đồng thời trở thành ví dụ điển hình cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
- Thứ hai, giữa Trung Quốc và Việt Nam có lợi ích chung to lớn, trên nhiều lĩnh vực, đồng thời có sợi dây gắn bó nhiều tầng bậc giúp duy trì quan hệ song phương, trong khi tranh chấp ở Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ song phương. Sau khi Việt Nam cân nhắc, rất có khả năng sẽ đồng ý cùng khai thác. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam từ chối cùng khai thác, Trung Quốc sẽ tiếp tục đơn phương khai thác.
- Thứ ba, đối với Trung Quốc, ý nghĩa của việc khai thác dầu khí ở vùng biển Tây Sa tương đối có hạn, điều quan trọng hơn là, làm thế nào thay đổi tình hình các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp đơn phương khai thác dầu khí ở Biển Đông, tìm kiếm một mô hình khai thác có thể tiếp tục và cùng thắng. Do vậy, lấy đơn phương khai thác thúc đẩy cùng khai thác là con đường thực tế và có hiệu quả. Trước khi có biện pháp tốt hơn, tốt nhất nên thử phương thức này.
Theo tác giả, vấn đề Biển Đông là “yếu điểm” trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN, cho nên phương thức trên có thể biến “nguy cơ” thành “cơ hội”, không những thúc đẩy tiến trình phân định và khai thác tài nguyên ở vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa) ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời có khả năng thúc đẩy tiến trình cùng khai thác tài nguyên ở vùng biển này. Về ngắn hạn, Trung Quốc sẽ vấp phải một số khó khăn, thậm chí sẽ cảm thấy “đau đớn”, song sau khi giải quyết tốt đẹp, điều này hứa hẹn sẽ trở thành bước đầu tiên trong việc xây dựng con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 của Trung Quốc.
Che đậy ý đồ độc chiếm Biển Đông
Bài báo của Tiết Lực chủ yếu đề cập đến vấn đề khai thác Biển Đông, có những điểm khả dĩ đáng chú ý. Tiết Lực biện hộ rằng chủ trương cùng khai thác gặp phải nhiều trở ngại, từ lâu nay không thực hiện được, cho nên lần này Trung Quốc nắm quyền chủ động thúc đẩy khai thác đơn phương, lấy “đơn phương” để thúc đẩy chủ trương “cùng khai thác”. Nếu “cùng khai thác” không thành, lúc đó sẽ “đơn phương khai thác”, dư luận thế giới không thể phản đối được (!).
Theo tính toán của Bắc Kinh, trong tất cả các bên liên quan nhiều nhất đến Biển Đông, Việt Nam là khâu yếu nhất: Không có đồng minh, không đủ sức mạnh quân sự để kháng cự Trung Quốc một cách lâu dài; Việt Nam và Trung Quốc lại có nhiều mối liên hệ song phương. Nên Trung Quốc thực hiện cuộc “thử nghiệm” lấy khai thác đơn phương để thúc đẩy khai thác song phương. Nếu thành công với Việt Nam sẽ “nhân” rộng ra toàn khu vực với các đối tác khác.
Trung Quốc là nước nổi tiếng về mưu sĩ. Có thể xem, loại ý kiến như của Tiết Lực là kiểu “mưu Tàu” điển hình: Dựa vào ý của quân vương mà bàn vào.
Có ba điều cơ bản không được nói ra.
Comments[ 0 ]
Post a Comment