Con đường Việt Nam tháo gỡ các vấn đề châu Á
Wednesday, June 5, 2013
Việt Nam sẵn sàng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đó là tuyên bố của Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong lễ khai mạc Diễn đàn an ninh quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nổi tiếng với tên gọi "Đối thoại Shangri-La", tổ chức tại Singapore.
Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã trở thành sự kiện quan trọng và ý nghĩa nhấttrong Diễn đàn. Đó là nhận xét của một thành viên tham gia sự kiện chính trị quốc tế này, ông Dmitry Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương của Viện Phương Đông học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga).
Chuyên viên Mosyakov cho biết: “Thủ tướng Việt Nam đã nói về cách giải quyết những tranh chấp hiện tại, về việc làm thế nào để tiến tới một thế giới an toàn hơn, bình ổn hơn và thịnh vượng hơn cho toàn thể các cư dân châu Á-Thái Bình Dương. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra sự cần thiết phải tạo lập "lòng tin chiến lược" giữa tất cả các quốc gia trong khu vực.
Và chính đây là nét đặc sắc khác biệt nổi bật giữa bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng so với ngôn luận của đại diện các nước phương Tây, tuyên bố mở rộng vũ trang ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc ký kết văn kiện hợp tác chiến lược với toàn bộ thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và thông qua quyết định tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự cần thiết để tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Biển Đông phản đối sử dụng vũ lực, để tránh phát triển diễn biến nghiêm trọng tại khu vực này của thế giới. Theo dự báo, ¾ lưu thông thương mại thế giới trong những năm tới sẽ là bằng đường biển, và 2/3 là qua vùng Biển Đông, - ông nhắc nhở.
Thủ tướng Việt Nam đã lưu ý cử tọa quốc tế rằng mỗi hành động vô trách nhiệm của một trong những bên tham dự tiến trình này, hoặc bất kỳ sự kích động xung đột nào, đều có thể dẫn đến ngăn chặn dòng lưu thông thương mại to lớn, gây hậu quả không thể lường trước không riêng với nền kinh tế khu vực, mà còn nguy hại cho cả thế giới”.
Hiện tại, tình hình ở Biển Đông (biển Hoa Nam) vẫn căng thẳng. Cơ sở pháp lý để giải quyết các cuộc xung đột tại đây có thể là Quy tắc ứng xử chung của các bên ở Biển Đông (biển Hoa Nam), thế nhưng tài liệu hữu ích như vậy cho tới nay vẫn chưa được thông qua. Đề xuất của Việt Nam về ký kết thỏa thuận với từng thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một mặt, có tính đến lập trường của Trung Quốc, cho rằng tất cả các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực chỉ giải quyết thuần túy trên cơ sở song phương.
Mặt khác, sáng kiến mới của Việt Nam nếu được khai triển và bắt đầu thực thi, thì có triển vọng dẫn đến hình thành cơ sở pháp lý quốc tế về đảm bảo an ninh tại khu vực quan trọng nhưng vẫn âm ỉ xung đột này của thế giới.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment