Mơ ’chuỗi ngọc’, Trung Quốc vướng phải sợi xích nóng
Monday, June 3, 2013
Bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thẳng thắn 'dằn mặt' tại Hội nghị An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La), Trung Quốc còn đang phải đau đầu đối phó với sợi xích nóng đang hình thành quanh mình, được thiết lập bởi sự hiệp lực giữa các quốc gia, đặc biệt là những các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
“Chuỗi ngọc trai” chỉ các căn cứ quân sự, cảng biển của Trung Quốc nằm rải rác như những hạt ngọc trai, chạy theo tuyến đường hàng hải trên biển bắt đầu từ đảo Hải Nam qua biển Đông, qua eo biển Malacca, sang Ấn Độ Dương… đến tận Châu Phi (Somali) và vùng vịnh Persian, đặc biệt là dọc vùng biển Ấn Độ Dương như Pakistan, Sri Lanka, Sudan….
Tuy nhiên, với sự gia tăng các hoạt động quân sự cùng sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia bị "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc vây quanh, tham vọng bá chủ của Trung Quốc khó thành hiện thực.
Một phần "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc
Mỹ dồn quân đến châu Á-Thái Bình Dương răn đe Trung Quốc
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ rõ những thách thức an ninh tại khu vực. Đó là chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý trên biển Đông, các chiến dịch tấn công mạng…
Người đứng đầu Lầu Năm Góc dành phần lớn thời gian nói về việc thúc đẩy xoay trục của quân đội Mỹ tới Thái Bình Dương. Theo đó, Hagel đảm bảo với các nước châu Á rằng bất chấp sự cắt giảm ngân sách mạnh, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục đưa quân đội, tàu và máy bay tới khu vực Thái Bình Dương.
Ông Hagel cho biết không quân Mỹ sẽ đưa 60% số máy bay hoạt động ở nước ngoài đến châu Á. Khoảng 60% lực lượng hải quân Mỹ cũng sẽ đóng tại khu vực trong năm 2020. Bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng sẽ được điều động đến châu Á - Thái Bình Dương sau khi rút khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan.
Theo ông Hagel, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ ưu tiên triển khai các loại vũ khí hiện đại nhất tới khu vực. Trong số đó phải kể đến máy bay chiến đấu tránh radar F-22 Raptor, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Joint Strike Fighter, tàu ngầm tấn công lớp Virginia…
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khiến Trung Quốc phải lo lắng bởi nước này sẽ phải dè chừng khi tiến hành những hoạt động đòi chủ quyền vô lý trên biển Đông và Hoa Đông.
Chưa hết, cũng trong động thái nhằm củng cố 'trục xoay' của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tái khẳng định cam kết của nước này với hiệp ước quốc phòng với Philippines, nước hiện đang căng thẳng với Trung Quốc trên hồ sơ Scarborough và các đảo khác thuộc Biển Đông. Ông Hagel cũng đề nghị chủ trì một cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á ở Hawaii vào năm tới, trong nỗ lực được cho là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.
Sợi xích của các quốc gia láng giềng
Lo đối phó với đối thủ đến từ bên kia đại dương, Trung Quốc hiện phải xoay xở với sự gia tăng sức mạnh quân sự và phối hợp giữa các quốc gia láng giềng.
Quân đội Ấn Độ đã đề xuất được hỗ trợ triển khai khoảng 4 vạn binh sĩ cùng 2 lữ đoàn thiết giáp tới dọc đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 750 km trên biên giới đất liền với Trung Quốc.
Theo đó, trụ sở chính của quân đoàn này được đặt tại Panagarth, Tây Bengal, nơi cho phép quân đội Ấn Độ có thể tiến hành tấn công vào khu tự trị Tây Tạng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công của Trung Quốc.
Ấn Độ đã đưa thêm hai sư đoàn bộ binh tại Lekhapani và Missamari ở Assam trong năm 2009- 2010. Họ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Arunachal Pradesh.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tạo ra một liên minh chiến lược với Nhật Bản, quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Trung Quốc. Bất chấp sự nổi giận của Trung Quốc, cuối tháng 5 vừa qua, Ấn Độ và Nhật Bản đã nâng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, bằng việc cam kết sẽ phối hợp cùng nhau nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định hai nước phản đối việc sử dụng vũ lực để thay đổi trật tự tại châu Á. Hai bên cho rằng cần phải đẩy mạnh ngoại giao, ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc ép buộc Nhật Bản và các quốc gia khác phải nhượng bộ lãnh thổ của mình.
Về phía Nhật Bản, nước này cũng đang cố gắng lôi kéo Myanmar, nước vốn bị coi là 'sân sau' của Trung Quốc, bằng những cam kết viện trợ cực khủng, chiêu bài Trung Quốc vẫn dùng lâu nay. Sự hiện diện của người Nhật ở chốn này không phải là điều Trung Quốc mong muốn nhưng cũng không thể làm gì được bởi Trung Quốc đang nhìn thấy một sự thật "con nuôi" của mình đang đi tìm cha mẹ khác.
Bản thân Nhật Bản cũng đang cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự để sẵn sàng đối phó với Trng Quốc. Cuối tháng 5/2013, Ủy ban an ninh Quốc gia của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản phê duyệt dự án cải cách lớn các lực lượng vũ trang của đất nước. Dự án cung cấp khả năng tấn công vào căn cứ quân sự trong lãnh thổ đối phương, thiết lập lực lượng thủy quân lục chiến để bảo vệ các hòn đảo xa, cũng như nâng cao hiệu quả phòng thủ tên lửa.
Theo các chuyên gia phân tích, những bước đi này đã để đối phó với sự gia tăng sức mạnh của lực lượng quân đội Trung Quốc mà Nhật Bản coi là mối đe dọa.
Có sự 'chống lưng'' của Mỹ phía sau, Philippines cũng đang đẩy mạnh các hoạt động đối đầu với Trung Quốc và mua sắm vũ khí bên cạnh việc đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế. Căng thẳng trong vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây ngoài Biển Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã thúc đẩy nước này chi 1,8 tỷ USD để gia tăng sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ lãnh hải chống lại "kẻ bắt nạt".
Chiếc chiến hạm này vừa trải qua một kỳ chạy thử nghiệm và kiểm tra hệ thống vũ khí, tên lửa chống tàu ngầm ngoài khơi bắc Charleston, Bắc Carolina. Ngoài ra nó được trang bị thêm 1 trực thăng vũ trang để tăng cường khả năng giám sát trên biển của chiếc chiến hạm này.
Ngoài ra chiếc chiến hạm này còn được trang bị một khẩu pháo tự động 76 mm Oto Melara, 2 súng máy Bushmaster 25 mm và các loại súng máy khác. Hỏa lực mạnh nhất của chiếc tàu chiến này là một hệ thống tên lửa chống tàu ngầm và tên lửa chống hạm để bảo vệ nó trước hỏa lực của chiến hạm đối phương.
Con tàu được Philippines đặt tên là BRP Ramon Alcaraz có chiều dài 378 mét, nặng 3250 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 167 người và được Mỹ bán lại cho Philippine từ tháng 3 vừa qua.
Với Việt Nam, nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ với các tàu ngầm hiện đại. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ nhận đủ 6 tàu ngầm Kilo theo hợp đồng ký kết với Nga vào năm 2016. Và ngay trong năm 2013 này, hai tàu ngầm đầu tiên sẽ về tới Việt Nam.
Tàu ngầm lớp Kilo có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240m và có thể lặn sâu tối đa 300m và có tầm hoạt động 6.000-7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người… Tàu ngầm lớp Kilo còn có động cơ chạy êm nhất thế giới thích hợp trong các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra.
Rõ ràng, nếu Trung Quốc muốn làm xằng vào thời điểm này thì hẳn sẽ phải cân nhắc rất nhiều bởi các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với nước này không dễ gì chấp nhận. Sức mạnh nội lực của từng nước được tăng cường, kết hợp với sức mạnh hợp tác với nhau cùng sự hiện diện Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo nên sợi xích nóng bao quanh Trung Quốc, ngăn chặn và phá vỡ tham vọng xây 'chuỗi ngọc trai' của quốc gia này.
K.L (tổng hợp) - ĐVO
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment