Trục mới Ấn-Nhật hình thành ở châu Á
Monday, June 3, 2013
Ấn Độ và Nhật Bản đã thỏa thuận hành động chung nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại các vùng biển và tiến hành tập trận hải quân chung.
Các công ty Nhật sẽ có thể cung cấp cho Ấn Độ máy bay quân sự và lò phản ứng hạt nhân, những thứ bất lợi cho lợi ích của Nga. Đó là kết quả hội đàm ở Tokyo giữa hai Thủ tướng Shinzo Abe và Manmohan Singh. Sự củng cố quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Nhật đang kích động Trung Quốc.
Chuyến thăm Nhật kết thúc ngày 30/5/2013 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã gây ra một làn sóng phản hồi cả ở hai nước này, lẫn ở Trung Quốc.
Báo chí Ấn Độ cho rằng, kết quả nổi bật nhất của cuộc hội đàm của ông Singh với ông Shinzo Abe là việc Delhi nhất trí với ý tưởng của các chính trị gia Nhật về việc thiết lập “trục chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới”.
Theo tờ Economic Times, Ấn Độ và Nhật Bản đã đưa quan hệ đối tác chiến lược của mình lên một cấp độ mới. Họ đã “cam kết làm việc chung phục vụ sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang diễu võ giương oai ngày một nhiều”.
Đồng thời, ông Abe cũng đã đem đến cho thỏa thuận này ẩn ý chống Trung Quốc. Ông đã nói rằng, hai quốc gia dân chủ này sẵn sàng “phối hợp hành động chống lại việc thay đổi trật tự ở châu Á bằng sức mạnh”. Cách nói ngoại giao mù mờ này hàm ý rằng, Trung Quốc đang cố trói tay Nhật và các quốc gia khác để buộc họ phải có những nhượng bộ về lãnh thổ.
Trung Quốc hiện đang có yêu sách chủ quyền đối với cả quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, lẫn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền các quần đảo này là Việt Nam, Philippines và ba quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, không thể không lưu ý đến việc Tokyo và Delhi đã quyết định tổ chức định kỳ và thường xuyên hơn các cuộc tập trận chung hải quân.
Nhật Bản và Ấn Độ sẵn sàng “phối hợp hành động chống lại việc thay đổi trật tự ở châu Á bằng sức mạnh”
Nhật Bản đã gia cố những thỏa thuận này bằng đề xuất cùng với Ấn Độ triển khai sản xuất loại thủy phi cơ tối tân có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Đồng thời, Nhật tỏ ý sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ các lò phản ứng hạt nhân, mặc dù ngay tại Nhật việc sản xuất lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng băng sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ấn Độ có tiềm năng trở thành thị trường lớn nhất thế giới cho các hãng xây dựng nhà máy điện hạt nhân nước ngoài. Bởi lẽ, thiên nhiên không ban tặng cho Ấn Độ những nguồn năng lượng nào khác.
Có chỗ đứng vững chắc nhất trong lĩnh vực này ở Ấn Độ là Nga. Nga đã giúp Ấn Độ xây dựng xong 2 tổ máy ở bang Tamil Nadu. Hiện hai bên đang đàm phán về các tổ máy thứ ba và thứ tư. Moskva cho rằng, đối thủ thực sự ở Ấn Độ là Pháp và Mỹ. Việc Nhật Bản nhảy vào cuộc chơi có thể làm thay đổi bức tranh.
Tokyo trước đây đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ chống việc hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hạt nhân bởi vì Ấn Độ không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng rõ ràng là mong muốn lôi kéo Ấn Độ vào quỹ đạo của các quốc gia muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á lớn đến nỗi Tokyo đã tìm ra cách để tránh né những hạn chế đối với việc hợp tác. Đáng chú ý là Nhật Bản cũng đã đồng ý đưa Ấn Độ vào số các thành viên Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân quốc tế (mà Nga cũng là một thành viên). Trước đây, Tokyo đã phản đối Ấn Độ tham gia tổ chức này.
Một văn kiện nổi bật khác được ký trong chuyến thăm Nhật của ông Manmohan Singh là Biên bản hợp tác phát triển công nghiệp đất hiếm ở Ấn Độ. Ở đây, mong muốn của Nhật tiếp cận các vỉa quặng này ở Ấn Độ là rõ ràng. Vấn đề là ở chỗ các công ty Nhật hiện buộc phải mua đất hiếm hoàn toàn ở Trung Quốc.
Bắc Kinh không chịu là quan sát viên im lặng cho sự xích lại gần nhau Nhật-Ấn. Nhân dân nhật báo, cơ quan của trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã đăng tải bài báo gọi các chính trị gia Nhật Bản là “những tên ăn cắp vặt” đang cố gieo rắc sự chia rẽ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Bất chấp những sự khiêu khích này, Ấn Độ và Trung Quốc đã giải quyết được một cách hòa bình “sự bất hòa” dọc theo đường kiểm soát giữa quân đội hai nước tại khu vực Ladakh ở Himalaya, bài báo nhấn mạnh.
Một câu hỏi đặt ra: cái gì thúc đẩy Delhi tham gia vào một giả liên minh với Tokyo? Một là, Nhật Bản đã cam kết đầu tư hàng tỷ đô la vào phát triển hạ tầng ở Ấn Độ. Ví dụ, Nhật sẽ tham gia xây dựng tuyến tàu điện ngầm thứ hai ở Mumbai. Hai là, Ấn Độ cũng chịu áp lực từ phía Trung Quốc ở Biển Đông. Một công ty Ấn Độ đã định cùng với Việt Nam thăm dò dầu và khí đốt tại khu vực quần đảo Trường Sa. Nhưng do áp lực của Trung Quốc, dự án này bị gác lại.
Theo VietnamDefence
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment