Nhân tố quan trọng trong sức mạnh tổng hợp bảo vệ tổ quốc hiện nay
Wednesday, July 3, 2013
Khoa học xã hội và nhân văn quân sự-Nhân tố quan trọng trong sức mạnh tổng hợp bảo vệ tổ quốc hiện nay. Luận giải, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng đó phải đủ sức mạnh bảo vệ tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Thế giới trong những năm gần đây với nhiều sự kiện lớn có tác động thay đổi cục diện chính trị quốc tế. Vấn đề thay đổi chiến lược của Nga, Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và công cụ hạt nhân trên bàn đàm phán ngày càng nóng hơn; cùng với đó là vấn đề biển đảo đang trở thành trọng tâm chiến lược của các nước lớn và các quốc gia có biển. Năm 2011, trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhận định khái quát những đặc điểm và xu thế lớn của thế giới tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong những năm tới, trong đó có đặc điểm “cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn”. Đây là nhận định rất cơ bản và khoa học, phản ánh đúng những xu thế lớn trong sự phát triển của thế giới không chỉ trong 5 năm mà còn trong nhiều thập kỷ tới.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chúng ta cần phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo mục tiêu đã đặt ra.
Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (KHXH&NVQS) là bộ phận đặc thù, nghiên cứu lĩnh vực quân sự. KHXH&NVQS tập trung nghiên cứu khía cạnh chính trị - xã hội của lĩnh vực hoạt động quân sự. Nghiên cứu về con người, mối quan hệ giữa con người với con người trong lĩnh vực quân sự; quan hệ giữa con người với trang bị kỹ thuật quân sự và môi trường quân sự, tùy vào từng chuyên ngành cụ thể. Hoạt động quân sự mà KHXH&NVQS nghiên cứu gắn liền với việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh là một lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người; nói chính xác hơn là của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Hiện nay một số ngành như: Học thuyết Mác- Lênin về chiến tranh và quân đội, Kinh tế quân sự, Tâm lý học quân sự, Giáo dục học quân sự, Sử học quân sự... Sự xuất hiện của các các bộ môn nói trên là do đòi hỏi của thực tiễn hoạt động quân sự, mà tri thức chung của các KHXH&NV thông thường đã không còn đủ tầm để lý giải các hiện tượng và quá trình xảy ra trong lĩnh vực quân sự, không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu chỉ đạo hoạt động thực tiễn quân sự.
Cùng với các ngành KHXH&NV khác, KHXH&NVQS đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm qua. Nhiều kết luận của các chuyên ngành KHXH&NVQS đã được dùng làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, phương hướng, nội dung, biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tuy nhiên, so với yêu cầu của cách mạng, của công cuộc xây dựng quân đội và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sự phát triển của các chuyên ngành KHXH&NVQS vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Sự biến đổi của tình hình thế giới và trong nước cũng như yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp của các lực lượng vũ trang, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở trong bối cảnh cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp hiện nay trên thế giới và ở nước ta tiếp tục diễn ra quyết liệt, phức tạp đang đặt ra cho các KHXH&NVQS nhiều vấn đề mới mẻ và trọng trách nặng nề; đòi hỏi các chuyên ngành này phải có những nghiên cứu cơ bản, toàn diện, hệ thống và chuyên sâu để đủ sức cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đảm bảo cho đất nước sẵn sàng đánh thắng mọi kiểu chiến tranh mà các thế lực thù địch phát động, chống lại đất nước ta, nhất là tình hình biển Đông hiện nay.
Để KHXH&NVQS thực sự là nhân tố trung tâm, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau đây:
Một là, luận giải, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng đó phải đủ sức mạnh bảo vệ tổ quốc trong tình hình hiện nay; làm rõ tác động của những biến đổi kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đến sự nghiệp củng cố nền quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Trên cơ sở đó, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ và từng bước hiện đại, trước hết là vững mạnh về chính trị.
Để tiến hành được những vấn đề này, đòi hỏi lực lượng các nhà khoa học; nghiên cứu về KHXH&NVQS cần phải được trang bị đầy đủ về khả năng tác chiến của Quân đội. Những điều kiện cần thiết trong tình huống chiến tranh; nhằm thúc đẩy động cơ nghiên cứu phục vụ mục tiêu đặt ra. Mỗi chuyên ngành cần được đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng danh mục nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu cần được kiểm nghiệm bằng thực tiễn, hiệu quả hoạt động quân sự.
Tập trung hơn về dự báo tình hình kẻ thù; những đặc điểm và phương hướng chuẩn bị chiến tranh nhân dân đánh thắng các kiểu chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch; về khả năng động viên chính trị - tinh thần của xã hội (nhân dân và quân đội) trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trước các tình huống chiến tranh.
Hai là, Đấu tranh giữ vững những vấn đề lý luận và thực tiễn Đảng lãnh đạo quân đội trong tình hình mới trước những chống phá của các thế lực thù địch nhất là khi chúng lợi dụng đóng góp sửa đổi hiến pháp năm 1992 để chúng đưa ra những luận điệu cực đoan. Những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm lịch sử trong xây dựng quân đội ta về chính trị và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị. Trên cơ sở đó nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị. Đưa ra các giải pháp tiến công chính trị chống lại các âm mưu, thủ đoạn của địch hòng phi chính trị hoá quân đội ta.
Ba là, Đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng đời sống văn hoá tinh thần trong quân đội và những vấn đề đạo đức quân nhân, góp phần xây dựng quân đội về chính trị từ khía cạnh văn hoá, đạo đức.
Trên cơ sở nghiên cứu những cơ sở và điều kiện tâm lý (của quân nhân và tập thể quân nhân) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị và hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao; điều kiện chiến tranh trên không, trên biển.
Đồng thời, nghiên cứu cơ bản, toàn diện, có hệ thống những vấn đề lý thuyết của các chuyên ngành KHXH&NVQS. Làm sáng tỏ những khái niệm, phạm trù, quy luật và tính quy luật của mỗi chuyên ngành, góp phần phát triển các học thuyết về chiến tranh - quân đội, kinh tế quân sự mác xít, công tác Đảng, công tác chính trị, tâm lý học quân sự, giáo dục học quân sự, xã hội học quân sự, văn hoá học quân sự, đạo đức học quân sự... gắn liền với điều kiện thực tế của nước ta.
Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng; nắm vững tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc được trình bày tại Đại hội XI của Đảng; nắm vững những tư tưởng cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ VII, các Nghị quyết của Đảng uỷ quân sự trung ương về xây dựng quân đội. Trên cơ sở đó, xây dựng được kế hoạch nghiên cứu dài hạn, mang tính khả thi của chuyên ngành, bám sát chiến lược quốc phòng - an ninh và tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên ngành có số lượng, cơ cấu hợp lý với chất lượng cao, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có năng lực khoa học cao và phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu sâu sắc những vấn đề về đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, có thực tiễn quân sự phong phú; hình thành được đội ngũ chuyên gia các chuyên ngành sâu của KHXH&NVQS.
Thực hiện được những giải pháp như thế sẽ góp phần nâng cao chất lượng và vai trò của KHXH&NVQS trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đánh bại mọi kẻ thù xâm lược trên cả mọi phương diện khi chúng phát động chiến tranh.
Hoàng Văn Minh - Nguyễn Kim Nguyên - Trường Đại học Nguyễn Huệ
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment