Chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên về Cam Ranh là một sự kiện trọng đại đối với Việt Nam -một quốc gia biển.
Tàu ngầm Kilo "Hà Nội" chuẩn bị hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Admiraltei Verfi,
thuộc thành phố St. Petersburg, ngày 28/8/2012
Năm 2013 mở đầu trang sử mới trong lịch sử phát triển của hải quân Việt Nam, đánh dấu bằng sự ra đời của lực lượng tàu ngầm của Việt Nam. Ngày 29/5/2013, Lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam mang phiên hiệu 189 được Bộ Quốc phòng nước ta quyết định thành lập.
Ngày 31/12 vừa rồi, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea chở theo tàu ngầm HQ182 “Hà Nội” lớp Kilo của Việt Nam đã về đến quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Sự kiện này đã được chờ đợi từ năm 2009. Nó là một tất yếu xét từ hai góc độc: Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia biển, diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam rộng 1.000.000 km². Với diện tích ấy, cùng với đường bờ biển dài 3.260 km và có trên 3000 hòn đảo, nằm cạnh các tuyến đường biển giao thông quốc tế huyết mạch, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở Đông Nam châu Á và Biển Đông. Trong thế kỷ XXI - “kỷ nguyên đại dương”, biển càng có ý nghĩa to lớn, sống còn đối với công cuộc chấn hưng dân tộc và hiện đại hóa đất nước ta. Thứ hai, mối đe dọa từ những sức mạnh bên ngoài tìm cách áp đặt ảnh hưởng lên khu vực là một viễn cảnh thực tế. Tàu ngầm được coi là vũ khí chiến lược trong phát triển hải quân của bất kỳ quốc gia nào vì nó phù hợp với hàng loạt tình huống tác chiến như chống thâm nhập, đánh chặn, đặt ngư lôi, phong tỏa và thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Hầu hết các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã phát triển hoặc đang cố gắng để có được sức mạnh dưới đại dương. Việt Nam có lẽ là nước sau cùng có diện tích vùng biển đáng kể ở Đông Á bắt tay xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên. Dự kiến, theo RIA Novosti, Nga sẽ bàn giao xong gói 6 chiếc tàu ngầm vào năm 2016.
Đối với công việc phòng thủ, giá trị của tàu ngầm nằm ở tính kín đáo, linh hoạt, khả năng răn đe và ngăn chặn. Các tàu ngầm thông thường có trang bị ngư lôi, thủy lôi, tên lửa chống hạm và các hệ thống đẩy phản lực hiện đại là thứ vũ khí hùng mạnh mà đa phần các hải quân tiên tiến phải tôn trọng.
Nhưng các chỉ số về kinh tế và kỹ thuật của việc sở hữu tàu ngầm khiến chúng nằm trong số những vũ khí đắt đỏ nhất của kho vũ khí mỗi quốc gia. Để duy trì hoạt động của một tàu ngầm thì cần tối thiểu hai tàu, và tốt nhất là ba. Mỗi tàu đòi hỏi phải có hai đội thủy thủ đầy đủ, cộng thêm các cơ sở hậu cần và nhân lực hỗ trợ. Việc huấn luyện một đội thủy thủ tàu ngầm còn lâu hơn việc đóng một chiếc tàu ngầm. Chi phí mua sắm lẫn duy trì hoạt động đều cao. Năng lực của tàu ngầm không chỉ liên quan các yếu tố kỹ thuật như tiếng ồn, lặn sâu, thời gian hoạt động dưới nước... mà đặc biệt quan trọng là trang bị vũ khí. Đồng thời công nghệ săn tàu ngầm ngày càng hiện đại khiến cho những vùng biển nông, hẹp trở nên đặc biệt nguy hiểm cho tàu ngầm. Vì vậy kích thước tàu ngầm thông thường ngày càng nhỏ. Đồng thời việc chế tạo tàu ngầm phải thích ứng với điều kiện chiến tranh tin học hóa. Các nước có nền công nghiệp quốc phòng mạnh như Mỹ và Nga đang chạy đua sáng chế các tàu ngầm không người lái. Trung Quốc cũng đang tham gia cuộc chạy đua sản xuât vũ khí không người lái trên không và dưới nước.
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia có uy tín về quan hệ quốc tế tại Học viện Quốc phòng Australia, hồi tháng 10/2013, đã nhận xét trên mạng The Diplomat: “Với sự giúp đỡ của Nga, Việt Nam áp dụng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập A2/AD”. Ông Thayer cho rằng cán cân lực lượng hải quân trên Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi từ cuối năm nay, khi Việt Nam tiếp nhận các chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên.
Theo chuyên gia người Australia này, tàu ngầm của Việt Nam được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra, chống ngầm và chống hạm. Cộng thêm với phi đội chiến đấu cơ Su-30 mà Việt Nam vừa đặt mua thêm 12 chiếc, lực lượng tàu ngầm này sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Việt Nam trong việc triển khai sức mạnh trong vùng lãnh hải của mình trên Biển Đông và nâng cao năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập của quân đội Việt Nam.
Tàu ngầm lớp Kilo không phải là loại hiện đại nhất cùng chủng loại. Các hạm đội Nga từ năm 2009 đã thay Kilo bằng tàu ngầm lớp Lada. Nhưng Kilo hiện nay cũng không phải là Kilo của năm 2009 mà là một phiên bản nâng cấp hiện đại hơn, theo giới chuyên gia Nga, được thiết kế chuẩn với hệ thống tên lửa chuẩn dạng Club-S có khả năng diệt tàu sân bay. Kilo thích hợp với nhiệm vụ khởi đầu xây dựng lực lượng tàu ngầm của Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phùng Quang Thanh từng tuyên bố ở Diễn đàn Shangri-la, rằng Việt Nam sở hữu tàu ngầm là việc làm bình thường, minh bạch và Việt Nam chỉ sử dụng tàu ngầm trong vùng biển của mình.
Với nhiệm vụ cụ thể và thích hợp, lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ đóng vai trò đắc lực bảo vệ vùng biển Việt Nam. Sự kiện tàu ngầm Kilo mang tên “Hà Nội” về nước là một chỉ dấu có ý nghĩa đáng kể trên con đường hiện đại hóa quốc phòng của nước ta. Một nền quốc phòng đủ mạnh là cần thiết để góp phần xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi./.
TS Nguyễn Ngọc Trường - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment