-Mỹ vẫn còn do dự và chưa định hình xong chiến lược “Xoay Trục”. Một bước tiến sâu với Việt Nam về mặt quân sự sẽ làm “phiền lòng” và gây phẫn nộ cho Hoa Lục. Sự đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lúc này, dù chỉ trên mặt trận kinh tế sẽ gây khủng hoảng thêm, điều mà Hoa Kỳ né tránh.
-Việt Nam luôn luôn lo ngại Mỹ chơi lá bài “Diễn Biến Hòa Bình” để lật đổ họ. Ngoài ra, kinh nghiệm lịch sử cho thấy “đi với Mỹ” coi chừng có ngày gặp khó khăn Mỹ “tháo chạy” và bỏ rơi đồng minh không thương tiếc.
Trong khi đó đối với Nga:
-Dù Nga và Việt Nam ngày nay khác biệt về thể chế chính trị, Nga không bao giờ đặt vấn đề nhân quyền và đòi hỏi Việt Nam phải theo khuôn mẫu chính trị như Nga. Người Nga quan niệm rằng “sách lược ngoại giao” và lý tưởng nhân quyền là hai chuyện khác nhau. Chẳng hạn Tề-Sở liên minh là vì sự tồn vong của hai nước. Vua Sở không thể nói rằng vì vua Tề hiếu sắc cho nên trẫm không liên minh với Tề. Đó là lối ngoại giao theo kiểu Khổng Tử chứ không phải lối ngoại giao của Quản Di Ngô hay Phạm Lãi.
-Trong quan hệ hợp tác chiến lược với Hoa Lục, Nga ở vào thế thượng phong. Nga không phải nhờ cậy Hoa Lục trong một số vấn đề nóng bỏng của thế giới, không phải con nợ của Hoa Lục. Trong khi Hoa Kỳ là con nợ của Trung Quốc và vẫn còn phải cần Trung Quốc trong một số chuyện nhức đầu, chẳng hạn như Bắc Triều Tiên. Nga hoàn toàn tự do, muốn liên minh với ai thì liên minh.
-Nga thủy chung với bạn bè. Tổng Thống Assad của Syria bị chống đối và lâm nguy như thế nào mà Nga vẫn tiếp tục ủng hộ trong khi Ô. Mubarak là đồng minh thân thiết của bốn đời tổng thống Mỹ, khi bị dân chúng chống đối, Ô. Obama không một biện pháp cứu giúp mà lại nói “Mubarak must step down!”
Chắc chắn bộ ngoại giao Hoa Lục cũng như Mỹ sẽ phải phân tích ý nghĩa của chuyến viếng thăm Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga. Phản ứng như thế nào ít hôm nữa sẽ rõ. Có điều trước khi đến Việt Nam Tướng Sergei Shoigu đã thăm Myanmar, gặp Phó Tổng Thống Nyan Thun, Tướng Min Augung Hlaynom- chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Myanmar. Nội dung các cuộc hội đàm xoay quanh tình hình khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện trạng và triển vọng hợp tác quân sự giữa Myanmar và Nga. Như thế sách lược Viễn Đông của Ô. Putin sau khi định hình đã có những bước tiến cụ thế. Bắt chước Viêt Nam theo chính sách ngoại giao đa phương, Miến Điện hợp tác chiến lược với Ấn Độ, cần sự trợ giúp của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và ngày nay hợp tác quân sự với Nga- không phải để chống Tàu nhưng để cần bằng ảnh hưởng của Tàu và xây dựng một nền quốc phòng độc lập, tự chủ. Qua những bước đi mạnh dạn về ngoại giao lẫn chính trị người ta thấy Tổng Thống Thein Sein là một chính trị gia thông minh, khôn ngoan, bản lãnh chứ không thuộc loại võ biền như các ông tướng Miến Điện trước đây. Theo BBC tiếng Việt ”Vào ngày 20/3/2012 trong chuyến thăm Việt Nam, ngoài cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà, Tổng Thống Thein Sein còn có cuộc tiếp xúc lần lượt với tất cả các lãnh đạo chóp bu của Việt Nam, bao gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo truyền thông chính thức trong nước thì nội dung chính các cuộc thảo luận giữa hai bên là các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và những cải cách mở cửa gần đây của Miến Điện.” Rõ ràng công cuộc cải cách và đường lối ngoại giao của Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đối với Miến Điện. Nếu như mối liên hệ quốc phòng giữa Nga- Miến Điện tiếp diễn không trở ngại thì ở Đông Nam Á - Mỹ có hai đầu cầu chiến lược tại Phi Luật Tân và Singapore, còn Nga đặt được hai đầu cầu chiến lược tại Việt Nam và Miến Điện. Đông Nam Á sẽ không còn ở thế “lưỡng hổ tranh hùng” mà có sự hiện diện của ba “đại cao thủ võ lâm” Hoa Lục, Nga và Mỹ.
Cam Ranh, dù thời đại nào đi nữa vẫn là báu vật của Việt Nam hay Chiếc Nỏ của Thần Kim Quy. Và Việt Nam đang xử dụng nó như là một kế sách giữ nước. Họa phúc thế nào chưa rõ. Nhưng đối với các nước nhỏ, thà có sách lược còn hơn không có sách lược nào và ngồi đó chờ chết. Vả lại theo Binh Thư thì “vũ khí” nào cũng là vũ khí tốt khi nó được xử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Vấn đề là người xử dụng nó có “nội lực thâm hậu” hay không. Rồi đây chỉ một hai năm nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt tàu chiến của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu và kể cả Hoa Lục…sẽ ghé Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì, thủy thủ nghỉ ngơi, tắm mát, thưởng thức những món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, chả giò, nem chua, bì cuốn, cơm tấm Sài Gòn, cua, sò huyết. Nhất là đối với thủy thủ tàu ngầm Nga, sau chuyến hải hành dài 2,550 dặm Anh từ Vladivostok tới Cam Ranh, sau bốn ngày ngày đêm tù túng trong các khoang tàu chật hẹp, được bước lên bờ, hít thở luồng gió mát và nghỉ ngơi tại khách sạn 5 sao - thật thần tiên! Cam Ranh lúc đó đúng là nới quần hùng tụ hội giống như một Quân Cảng Quốc Tế.
Chưa bao giờ thế giới phải chứng kiến một bối cảnh chính trị, ngoại giao lạ lùng và rối bời kiểu “Xuân Thu Chiến Quốc” như ngày hôm nay. Do đó không một ai có thể đoán trước cái gì sẽ xảy ra cho Đông Nam Á.
Cam Ranh đó nước trong xanh như ngọc.
Bờ cát vàng suối tóc óng như tơ
Hàng dừa nghiêng như tiên nữ đợi chờ
Anh hãy đến và cùng em tắm nắng.
Gió rất nhẹ mà trời thì dịu mát
Núi chung quanh kia cũng đẹp như thơ
Hoàng hôn rơi con sóng chạy xô bờ.
Con sò nhỏ cũng thấy đời hạnh phúc.
Đêm buông xuống Cam Ranh sao diễm tuyệt.
Nàng Tiên Xanh xuất hiện ở Ba Ngòi.
Sao trên trời đèn tỏa sáng nơi nơi.
Cung Nguyệt Điện cũng chỉ ngần ấy đó.
Qua Cam Ranh một lần thôi nhớ mãi.
Đem trở về một nắm cát vàng tươi.
Cả mùi thơm của gió biển bồi hồi.
Cam Ranh hỡi Nàng Tiên Xanh huyền diệu!
(Đào Văn Bình)
Đào Văn Bình - California ngày 6/3/2013) - Sachhiem.net
Comments[ 0 ]
Post a Comment