Với các hành động ngang ngược của Trung Quốc, Nga rõ ràng cũng đang có nhiều động thái tạo hiệu ứng tích cực, nhất là sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng.
Bên cạnh quan hệ về mặt ngoại giao, quan hệ quốc phòng Việt-Nga xưa nay vẫn được coi là một mối quan hệ tốt đẹp xuất phát từ lịch sử viện trợ, giúp đỡ tích cực của Liên bang Xô Viết đối với Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Điều này cũng có thể dùng để lý giải cho chuyến thăm cấp cao thu hút chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế đến Việt Nam vào ngày 4-5/03 vừa rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu. Trong bối cảnh mà những tranh chấp trên biển Đông vẫn chưa hề lắng dịu thì chuyến đi này còn tạo ra nhiều mối quan tâm khác.
Trong những năm gần đây, Nga gần như vẫn “chơi” một ván cờ nước đôi với cả Trung Quốc và Việt Nam khi mà quốc gia này vẫn là một trong những đối tác vũ khí lớn nhất cho cả hai bên. Tuy nhiên, thế cân bằng của ván cờ này nhiều khả năng sẽ phải thay đổi cùng với những chuyển biến của thời cuộc.
Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trò chuyện sau cuộc hội đàm. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phía Nga dự kiến là vào tháng 8 tới sẽ giao cho Việt Nam chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel đầu tiên. Không chỉ dừng lại ở việc bán khí tài quân sự, ông Sergei Shoigu còn tuyên bố rằng hai bên cũng đã thảo luận về việc Nga giúp Việt Nam đào tạo sĩ quan chỉ huy, tham mưu, cũng như thủy thủ cho hải quân và giúp Việt Nam đóng những chiến hạm mới. Những hợp tác thực chất cả về vật chất và yếu tố con người này dường như đã thể hiện ý đồ chiến lược của Nga trong thời gian tới.
Xung quanh chuyến thăm chính thức này còn có nhiều dự báo trái chiều xung quanh việc Nga trở lại vịnh Cam Ranh. Đây cũng là điều mà Mỹ, và đặc biệt là Trung Quốc đều hết sức quan tâm.
Với chủ trương “quốc tế hóa” cảng Cam Ranh của Việt Nam, cộng với việc Nga thật sự không đủ chi phí để xây dựng và duy trì một căn cứ quân sự nữa ở nước ngoài đã biến vấn đề “Nga trở lại vịnh Cam Ranh” thành điều không thể. Hệ quả là Nga không thể can dự trực tiếp vào tình hình biển Đông nhằm biến tình hình theo hướng có lợi cho mình dù rất muốn. Nhưng với những lợi ích đặc biệt đã và đang có được tại biển Đông, rõ ràng, Nga thật sự đang muốn gián tiếp can dự vào tình hình giải quyết tranh chấp ở khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm sáng 5/3. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Nếu việc can thiệp gián tiếp của Nga thật sự xảy ra, cộng với việc “quốc tế hóa” cảng Cam Ranh bằng cách cho tàu của tất cả các nước có thể vào sửa chữa, Việt Nam đã chủ động làm cho tiến trình giải quyết đa phương các tranh chấp trên Biển Đông được thúc đẩy mạnh mẽ mà vẫn khẳng định được chủ quyền của mình.
Một số nguồn tin còn cho rằng vì Trung Quốc đã sao chép nhiều công nghệ quân sự của Nga nên chính phủ Moscow đã hạn chế các hợp đồng vũ khí bán cho Bắc Kinh, đặc biệt là một số công nghệ có tính nhạy cảm. Tăng cường hợp tác với Việt Nam cũng là một tín hiệu cho thấy Nga đang thật sự muốn hướng sự quan tâm của mình tới khu vực biển Đông.
Trên bình diện quan hệ quốc tế, rõ ràng là Nga muốn một thế giới đa cực và không muốn Mỹ chiếm vị trí thống soái. Với Trung Quốc thì Nga cũng có nhiều quan ngại nhất định về sự trỗi dậy của quốc gia này.Xét về mặt kinh tế, việc Trung Quốc đang có những bước phát triển vượt bậc, chiếm lĩnh các thị trường tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đã khiến không chỉ Nga mà còn nhiều nước khác e ngại.
Xét về mặt ảnh hưởng chính trị, việc Trung Quốc đang vươn lên ngày càng tiệm cận với mức độ “cường quốc” cũng làm Nga trở nên “khó chịu” vì việc gia tăng vai trò của Bắc Kinh cũng đồng nghĩa với sự sụt giảm vai trò của Moscow trong quan hệ quốc tế. Không chỉ thế, quan hệ Nga-Trung Quốc cũng nhiều phen “bằng mặt không bằng lòng” tại khu vực Viễn Đông của Nga, đặc biệt là vấn đề nhập cư bất hợp pháp của người dân Trung Quốc vào khu vực này. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ chứng minh rằng thực tế Moscow coi Bắc Kinh như một đối thủ thật sự, chứ không phải là một đối tác như những lời tuyên bố mang đầy tính ngoại giao.
Còn đối với Việt Nam, nhìn vào thì chủ yếu chỉ là những lợi ích to lớn đối với Nga, đặc biệt là trong hai lĩnh vực cực kỳ quan trọng: dầu khí và vũ khí. Những chính sách trên mọi mặt của chính phủ Việt Nam hầu như không gây ảnh hưởng xấu gì đến đất nước Nga. Việc Nga dành thiện cảm đặc biệt cho Việt Nam là điều dễ hiểu.
Dù không liên quan gì nhiều đến các khu vực đảo, đá mà Việt Nam-Trung Quốc đang tranh chấp, nhưng biển Đông vẫn là khu vực mà Nga đầu tư nhiều tiền của. Do đó, nếu nhìn thẳng vấn đề khi có xung đột xảy ra thì Nga chưa hẳn đã nhìn vào sự ảnh hưởng đến những mối quan hệ song phương, đa phương mà là nhìn vào sự ảnh hưởng xấu đến những nguồn lợi của chính mình. Bản chất cố hữu của bất kì một quốc gia nào cũng đều là ưu tiên quyền lợi của mình trước nên việc phải có biện pháp dù trực tiếp hay gián tiếp để bảo vệ quyền lợi là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, Nga thật sự cũng muốn có tự do hàng hải trong khu vực như Mỹ để đảm bảo sự lưu thông cho các tuyến đường biển quan trọng.
Ý đồ chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Putin đã từng được đánh dấu qua việc Nga đã thành lập Bộ phát triển Viễn Đông.Và để cho quá trình “trở lại” hay “hướng đông” này diễn ra hiệu quả thì rõ ràng Nga cần phải có một đối tác chiến lược toàn diện bên cạnh một môi trường ổn định cả trong nước lẫn quốc tế. Vì thế, việc biển Đông dậy sóng cùng với việc Nga không có nhiều can thiệp vào nơi đây rõ ràng là không tốt cho nước này.
Cùng sự gia tăng những phản ứng bất bình của dư luận quốc tế với các hành động ngang ngược của Trung Quốc, Nga rõ ràng cũng đang có nhiều động thái tạo hiệu ứng tích cực, nhất là sau chuyến thăm chính thức lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Có lẽ là Nga nhận thấy rằng đã đến lúc phải “rẽ” một hướng đi cụ thể tại “ngã ba đường” vốn chẳng thể cân bằng được lâu.
NH (BTVN)
Comments[ 0 ]
Post a Comment