Trung Quốc lợi dụng sức mạnh truyền thông?
Wednesday, March 27, 2013
Truyền thông quốc tế đang đưa tin “nhiễu loạn” về thương vụ vũ khí khủng Nga-Trung. Song chính trị luôn khó lường và đôi khi những điều tưởng như không thể lại là có thể. Ít nhất, truyền thông Trung Quốc đã khiến Nhật Bản phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về thương vụ này.
"Su-35 Việt Nam"
Việc truyền thông Trung Quốc đưa tin về thương vụ 24 máy bay chiến đấu và 4 tàu ngầm với Nga nhằm khuếch trương thành công của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời gửi một thông điệp “ngầm” tới Mỹ và các nước láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh.
Ngay sau khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga, truyền thông chính thống của Trung Quốc loan tin về hợp đồng mua bán 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Lada giữa Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, giá trị thương vụ này không được tiết lộ. Chỉ biết rằng đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua Bắc Kinh đã mua một lượng lớn các thiết bị kỹ thuật quân sự của Moscow.
Trung Quốc từ lâu mong muốn được sở hữu chiến đấu cơ Su-35 của Nga
2 trong số 4 tàu ngầm được đặt hàng sẽ được đóng ở Nga, trong khi hai chiếc còn lại sẽ được đóng ở Trung Quốc.
Các nhà bình luận và giới chuyên gia quân sự quốc tế đặc biệt chú ý đến “bản hợp đồng kỳ lạ” này bởi nếu có, nó sẽ gây chấn động thị trường vũ khí thế giới khi ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ được tiếp cận với công nghệ sản xuất động cơ tiêm kích hiện đại nhất thế giới cũng như công nghệ đẩy khí độc lập (Air Independent Propulsion - AIP) sử dụng trên tàu ngầm.
Với số vũ khí này, Trung Quốc sẽ thay đổi cơ bản cán cân tiềm lực quân sự của mình và sẽ đẩy các vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Hoa Đông sang một hướng khác. Thương vụ vũ khí khủng này nếu có cũng khuếch trương thành công của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, và cả Nga không đưa ra bình luận gì về thông tin “gây sốc” trên. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đưa lại tin của Đài truyền hình Trung Quốc mà không có bình luận gì thêm. Tuy nhiên, Itar-Tass lập tức bác bỏ thông tin này.
Dẫn nguồn từ Cơ quan Hợp tác quân sự kỹ thuật Liên bang Nga, Itar-Tass khẳng định trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên không ký bất kỳ hiệp định nào liên quan đến việc Nga bán cho Trung Quốc vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại, kể cả máy bay tiêm kích Su-35 và tàu ngầm chạy diesel loại Lada. Thậm chí, hai bên không hề đề cập đến các vấn đề mua bán vũ khí hoặc hợp tác sản xuất vũ khí giữa Nga và Trung Quốc.
Truyền thông và dư luận quốc tế rầm rộ đồn đoán xem ai mới là người nói thật và nguồn cơn vụ việc là ra sao.
Không ai nghĩ việc tung tin sai lệch của CCTV là sơ suất, là vô tình! Thực tế, sự mập mờ của họ là có ý đồ chính trị.
Theo báo chí Nga, trên thực tế việc ký kết biên bản ghi nhớ về giao dịch vũ khí là có và đã được truyền thông Nga đưa tin cuối năm ngoái. Vào thời điểm đó, một số tờ báo Nga đã công bố một số chi tiết của giao dịch, mà mới xuất hiện trong phóng sự của Đài CCTV. Tuy nhiên, việc gắn kết này với chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc là nhằm khuếch trương thành công của chuyến thăm nhưng đó lại là sai lầm rõ rệt. Bởi lẽ trên thực tế, trong mối quan hệ Nga-Trung, những dự án cụ thể trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật hầu như không bao giờ được các nguyên thủ quốc gia của hai nước đưa ra thảo luận. Các nhà lãnh đạo chỉ đề ra những phương pháp tiếp cận chung cho các vấn đề hợp tác.
Trong bối cảnh chạy đua vũ trang đang gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc với nhiều nước láng giềng; cho nên việc tung tin về “gói mua sắm vũ khí khủng” của Nga- theo nhận xét của nhiều nhà quan sát- đây là cách để Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự của mình, với ý đồ “hù dọa” đối phương, đây là việc làm thường thấy của truyền thông Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Truyền thông Nga Nga đã tỏ ra khá “bực bội” khi biết tin này và cho rằng Trung Quốc đã cố tình “xỏ xiên” để gây nhiễu thông tin và âm mưu chia rẽ Nga với các nước châu Á khác, những khách hàng thường xuyên và tiềm năng của Nga.
Sự giận dữ của báo giới Nga còn là bởi vì Trung Quốc đã nhiều lần lợi dụng các hợp đồng vũ khí tiên tiến với Nga để ăn cắp bí mật công nghệ. Khi Nga đồng ý bán Su-27 cho Trung Quốc, ngay lập tức Trung Quốc đã sao chép để cho ra đời hàng loạt tiêm kích J-11. Còn khi Trung Quốc tuyên bố sản xuất được mẫu máy bay chiến đấu J-15 có khả năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, giới tình báo Nga đã nhận ra rằng đó chỉ là một bản sao chép có chút cải tiến của những chiếc Su-33 Nga.
Hơn nữa, năm 2012, Trung Quốc đã chính thức vượt Anh để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới. Nga lo ngại Trung Quốc sẽ lấy những công nghệ hiện đại của vũ khí Nga để sản xuất hàng loạt vũ khí “made in China” bán ra thị trường thế giới với giá rẻ hơn nhằm tranh giành các khách hàng của Nga.
Một lý do khác khiến giới quan sát cho rằng vào thời điểm hiện tại, Nga không muốn “chọc giận” Nhật Bản bằng một hợp đồng vũ khí lớn có thể là mối đe dọa với Tokyo. Trung Quốc có thể là bạn hàng lớn của Nga về dầu khí, Nga có thể cần Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng tại Viễn Đông nhưng điều đó không có nghĩa là Nga không cần các nhà đầu tư công nghệ chiều sâu của Nhật Bản, những lĩnh vực có độ tin cậy cao mà Trung Quốc không thể có. Để khẳng định cho điều này, ngay khi ông Tập Cận Bình vừa đến Nga, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hải dương - Địa cầu Nhật Bản và Đại học Tokyo thông báo họ phát hiện mỏ đất hiếm (ước tính khoảng 7 triệu tấn) dưới đáy Thái Bình Dương gần đảo Minamitori. Mẫu khảo sát bùn cho thấy hàm lượng đất hiếm gấp 20-30 lần các mỏ đất hiếm của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù có lý lẽ và lập luận như thế nào thì hiện nay, dư luận chưa thể biết chắc chắn thực hư thương vụ vũ khí khủng Nga-Trung này. Chính trị luôn khó lường và đôi khi những điều tưởng như không thể lại là có thể. Và đó là lý do tại sao Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về thông tin Trung Quốc mua các chiến đấu cơ và tàu ngầm của Nga./.
V.V - TOQUOC.GOV.VN
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment