Trung Quốc dụng “kế liên hoàn” xâm chiếm Biển Đông
Thursday, March 14, 2013
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung Quốc đang dụng “kế liên hoàn” trong mưu đồ xâm chiếm Biển Đông.
Thời gian qua, Trung Quốc không chỉ đối xử thô bạo với các nước láng giềng nhỏ bé có ranh giới biển với Trung Quốc mà còn luôn gây căng thẳng với Nhật Bản, cường quốc kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trong bài “Trung Quốc với kế liên hoàn”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) ngày 11/3 đặt câu hỏi: “Vì sao thời gian qua Trung Quốc đã áp dụng lập trường cứng rắn đối với các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối với các nước có chung biên giới biển với Trung Quốc?”
Câu trả lời là Trung Quốc đang áp dụng “kế liên hoàn” trong chiến lược lấn chiếm Biển Đông và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.
Theo tờ báo, “kế liên hoàn” nằm trong 36 mưu kế từng được các nhà quân sự Trung Quốc thời cổ đại vận dụng để thôn tính lẫn nhau.
Để thực hiện kế này, Trung Quốc đã tiến hành ba bước:
Bước thứ nhất là không ngừng tăng cường sức mạnh kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Về kinh tế, sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, GDP năm 2010 của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. GDP của Trung Quốc năm 2011 đạt 6.736 tỉ USD, năm 2012 đạt 7298.1 tỉ USD và vẫn duy trì vị trí thứ hai thế giới sau Mỹ.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính tới cuối tháng 7/2012 đạt 3.400 tỉ USD, mức cao nhất thế giới.
Về khoa học kỹ thuật, Trung Quốc hiện là nước đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga về lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Năm 2003, lần đầu tiên Trung Quốc phóng tàu “Thần châu-5” đưa người lên vũ trụ, tới nay đã liên tiếp 3 lần đưa người lên vũ trụ trên tàu “Thần Châu- 6” năm 2005, “Thần Châu-7” năm 2008, “Thần Châu -9” năm 2012. Năm 2011, Trung Quốc tiến hành ghép nối thành công tàu vũ trụ với modul vũ trụ do nước này tự chế tạo và đưa lên quĩ đạo, mở ra thời kỳ mới xây dựng trạm vũ trụ. Trung Quốc hiện cũng là nước phát triển hàng đầu về lĩnh vực công nghệ thông tin và máy tính.
Về quân sự, Trung Quốc không ngừng tăng cường thực lực quân sự về các mặt, với chi phí quốc phòng hàng năm không ngừng tăng lên từ 7% tới 10%, thậm chí năm 2006 tăng tới 20,4%, năm 2007 tăng 19,3%. Chi phí quốc phòng năm 2004 chỉ có 30,2 tỉ USD, năm 2008 tăng lên gấp hai với gần 60 tỉ USD, năm 2011 tới 85,8 tỉ USD, năm 2012 tới 95,7 tỉ USD, năm 2013 dự kiến 114 tỉ USD.
Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh (ngày 25/9/2012). Cùng với sức mạnh Hải quân tăng lên, ngày 10/3, Trung Quốc nâng Cục Hải Dương Nhà nước lên tương đương cấp bộ để tăng cường kiểm soát Biển Đông.
Đồng thời, Trung Quốc luôn đưa tàu chiến, tàu Hải giám, tàu cá, máy bay trinh sát hoạt động sát vùng biển Senkaku do Nhật Bản quản lý và vùng biển của các nước có chung biên giới biển với Trung Quốc. Mục đích của hoạt động này là gây rối, làm cho đối phương mệt mỏi. Hãng Reuter của Anh ngày 7/3 cho rằng mặc dù Hải quân của Nhật Bản mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều, nhưng với “chiến lược tiêu hao sinh lực, khiến đối phương mệt mỏi” như thời gian qua của Trung Quốc sẽ dần chuyển hóa ưu thế sang phíaTrung Quốc.
Bước thứ hai là tìm mọi cách chia rẽ nội bộ giữa Mỹ với các đồng minh, giữa Mỹ với ASEAN và nội bộ Mỹ nhằm gây rối loạn nội bộ, mâu thuẫn với nhau. Mục đích của bước này làm cho nội bộ đối phương bị chia rẽ, lục đục, nghi ngờ lẫn nhau. Từ đó, sức mạnh của Mỹ và đồng minh bị giảm sút, chuyển hóa từ thế mạnh sang thế yếu so với Trung Quốc.
Thời gian qua, Trung Quốc ra sức tìm cách chia rẽ Mỹ và Nhật, giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, giữa Mỹ với ASEAN và trong nội bộ ASEAN với nhau. Thậm chí Trung Quốc ra sức tìm cách chia rẽ chính phủ Mỹ với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực này.
Bước thứ ba là lợi dụng thời cơ, sơ hở của đối phương để phát động tấn công, lấn chiếm. Đây là kế sách lâu dài hơn. Thời gian qua, Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để chia rẽ và tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ. Trong khi Mỹ đang phải bận rộn với công việc nội bộ, Trung Quốc đã ra sức gây sức ép với Nhật Bản và đe dọa các nước nhỏ.
Đối với các nước khác trong khối ASEAN và các nước nhỏ, yếu hơn, ngoài việc gây sức ép về kinh tế, Trung Quốc còn đe dọa sử dụng vũ lực, gây hấn và từ đó lấn chiếm dần, mở rộng phạm vi thế lực ở Biển Đông.
Thực hiện: / Nguồn: Kienthuc.net.vn
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment