Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Nga
Saturday, March 23, 2013
Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình có tầm quan trọng đặc biệt vì diễn ra trong lúc Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách cân bằng chiến lược “xoay trục” của Mỹ mà Bắc Kinh tin là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 22/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên đường thăm Nga. Giống như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình chọn Nga là điểm dừng chân cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu đất nước. Hiểu theo cách nói của các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì quan hệ chính trị Nga – Trung hiện đang ở thời kỳ rất nồng ấm và hai bên không có chủ đề nào không thể thảo luận.Trong các cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao Nga, hai bên dự kiến sẽ thảo luận tình hình châu Á, hành động chung của các bên trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và tương lai phối hợp hành động với 4 quốc gia Trung Á thành viên khác. Nga và Trung Quốc quan tâm đến việc giữ gìn ổn định trong khu vực sau khi Mỹ và liên quân rút quân khỏi Afghanistan. Nga - Trung hy vọng đạt được một thỏa thuận về năng lượng trong chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận BìnhVấn đề Bắc Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân chắc chắn cũng không nằm ngoài chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo hai nước bởi hai bên có lập trường khá gần gũi xung quanh chủ đề này. Cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng không đồng ý với quan điểm của Mỹ và các đồng minh muốn thúc ép Bình Nhưỡng đi đến nhượng bộ bằng các biện pháp gây áp lực và cấm vận kinh tế. Một trong những đề tài thời sự quốc tế khác mà hai bên có thể tìm được điểm tương đồng là vấn đề Syria. Bắc Kinh và Moscow chống sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc nội chiến ở nước này, bác bỏ âm mưu của Mỹ và các nước phương Tây áp đặt điều kiện chấm dứt xung đột đối với người dân Syria.Từ đây có thể thấy rằng, sự phối hợp chiến lược giữa Nga và Trung Quốc không chỉ bó hẹp trong phạm vi châu Á. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ gần như công khai chính sách kiềm chế Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Barack Obama tuyên bố rằng các nỗ lực quân sự cơ bản của Lầu Năm Góc sẽ tập trung không phải ở Đại Tây Dương mà là ở Thái Bình Dương. Washington cũng ủng hộ các nỗ lực của những nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản…Vladimir Portyakov, Phó Giám đốc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, trong giới học giả ở Trung Quốc có ý kiến cho rằng hiện Bắc Kinh đang có nhiều mối đe dọa, bao vây, thù địch. Vì vậy, họ ủng hộ việc Nga, Trung phối hợp hành động chống lại các thách thức ở châu Á, nói cách khác là tập hợp lực lượng thành một liên minh. Trong bối cảnh đó, một đề nghị từ phía ông Tập Cận Bình thắt chặt quan hệ với Nga là hoàn toàn dễ hiểu. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng, Hiến pháp Trung Quốc hiện nay không có quy định nước này tham gia các liên minh quân sự. Sáng kiến của các nhà chính trị cũng không tìm được sự ủng hộ tài chính. Thêm vào đó, Luận thuyết đối ngoại sửa đổi 2013 của Nga lại đặt trọng tâm thắt chặt quan hệ với Mỹ và châu Âu. Từ đây có thể thấy rằng cả Moscow và Bắc Kinh đều không muốn đưa quan hệ lên một tầm cao mới. Nga và Trung Quốc sẽ vẫn dừng lại ở cấp độ đối tác chiến lược.
Các quan chức Nga tại cuộc gặp với những người đồng nhiệm Trung Quốc thường xuyên bày tỏ sự không hài lòng trước việc tỷ lệ sản phẩm chế tạo máy và công nghệ cao trong xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc ngày càng giảm. Tuy nhiên, Nga gần như không có khả năng thay đổi bức tranh này vì cơ sở công nghiệp của Nga đã bị phá hủy và thiếu nhân lực. Giá lao động của Nga so với Trung Quốc vẫn quá cao. Hiện lĩnh vực duy nhất hai nước có thể tính toán thúc đẩy hợp tác là chế tạo máy bay và năng lượng nguyên tử, nhưng tiềm năng cũng không thực sự to lớn. Vì vậy, lĩnh vực chủ đạo trong hợp tác kinh tế thương mại Nga – Trung vẫn sẽ là dầu khí.Truyền thông Nga cho biết, tại cuộc gặp với ông Tập Cận Bình ngày 23/3, hai bên sẽ ký một thỏa thuận được mong đợi từ lâu về năng lượng, theo đó Trung Quốc sẽ nhận được dầu và khí mà Nga cung cấp với mức giá hợp lý. Trong nhiều năm, 2 nước đã thương lượng để sản lượng dầu Trung Quốc nhập từ Nga sẽ tăng lên gấp đôi, giúp nước này bớt lệ thuộc vào vùng Vịnh và Bắc Phi. Theo một nguồn tin thân cận, 2 nước cũng đang lên kế hoạch mở một quỹ đầu tư chung khổng lồ. Đối với Moscow, điều này có tầm quan trọng không chỉ về chính trị, mà còn về kinh tế với tiềm năng đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ cao và khai thác năng lượng của Nga.Mối quan hệ đối tác Nga - Trung chính là câu trả lời có trọng lượng trước việc trở lại châu Á của Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc muốn nhận được sự ủng hộ của Nga trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Mỹ, trên biển Hoa Đông. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chính trị giữa Moscow và Bắc Kinh lên một tầm mới, có chất lượng cao hơn so với thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Quốc. Với việc đi Nga, ông Tập Cận Bình còn muốn đảm bảo rằng mối quan hệ Bắc Kinh - Moscow sẽ vẫn luôn tốt đẹp, trước khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama trong năm nay./.V.V - Toquoc
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment