Sau khi bài “Người Nga và kịch bản Trung Quốc tấn công Nga” được đăng trên báo đất Việt ngày 13/3/2013, đã có một số ý kiến phản hồi của bạn đọc cho rằng tác giả bài báo (A.A Khramchilin) thổi phồng sức mạnh Trung Quốc, không thực tế, bi quan về sức mạnh quân đội Nga, có quan điểm về chiến tranh lạc hậu.
Nhiều nhà bình luận quân sự Nga cũng có quan điểm tương tự như vậy về những phân tích của A.A. Khramchlin. Tuy nhiên, các bài trên được viết vào thời kỳ mà A.Serdiukov (cựu bộ trưởng quốc phòng mới bị cách chức và đang bị thẩm vấn) tiến hành cải cách quân đội (với các nội dung như cắt giảm quân số, bỏ cấp sư đoàn, bỏ cấp quân khu, thành lập 4 bộ tư lệnh tác chiến chiến lược theo mô hình Mỹ…) và gây rất nhiều phản ứng trái chiều của giới nghiên cứu quân sự và tướng lĩnh Nga (trong đó có ông).
Tất nhiên, không phải giới lãnh đạo chính trị quân sự Nga không nhận thức được những nguy cơ từ phía Trung Quốc (tuy không công khai nói ra). Bằng chứng rất cụ thể: Trong chính phủ mới (2012) của Nga có thêm Bộ phát triển Viễn Đông và Nga tập trung ưu tiên phát triển khu vực Viễn Đông và Xibiri trong thời gian tới, không phải chỉ vì một lý do duy nhât là phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Nga sẽ xây dựng 2 trạm rada tại vùng Krasnoyarsk phía đông Siberi và vùng Altai phía nam Siberi vào năm 2013 (thuộc Quân khu Xibiri). Mới đây nhất ngày 05/03/2013. Cơ quan an ninh Liên Bang Nga đã công khai lên tiếng về việc Trung Quốc đã bắt đầu “bành trướng dân số” xâm chiếm Khu vực Viễn Đông và Xibiri của Nga bằng cách hỗ trợ cho các công dân Trung Quốc di cư vào Nga.
Còn trong lĩnh vực quân sự, vào năm 2010, Nga cũng đã tiến hành một cuộc tập trận lớn chưa từng có tại 02 quân khu là Viễn Đông và Xibiri (nay Nga gọi là Bộ tư lệnh tác chiến chiến lược nhưng xin cứ gọi là quân khu để tiện theo dõi) mà đối tượng tác chiến giả định chắc ai cũng có thể đoán được.
Cuộc tập trận này cho thấy nhiều nhận xét của A.A. Khramchilin không phải là không có lý. Xin dẫn lại một vài số liệu về “Phương Đông-2010” để bạn đọc tham khảo.
Hai quân khu Xibiri và Viễn Đông có chung đường biên giới với Trung Quốc.
Lực lượng và quy mô tập trận
Cuộc tập trận “Phương Đông-2010” là cuộc tập trận lớn nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga hậu Xô Viết. Tham gia tập trận có gần 20.000 quân nhân, hơn 5.000 phương tiện tác chiến kỹ thuật mặt đất, 75 máy bay và máy bay lên thẳng, hơn 40 tàu chiến các loại.
Đây cũng là cuộc tập trận chưa từng có trong lịch sử Liên Xô nếu tính tới việc điều chuyển một khối lượng lớn sinh lực và phương tiện kỹ thuật từ phía Tây sang phía đông. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp vì cự ly chuyển quân (và phương tiện kỹ thuật) quá xa, cơ sở hạ tầng giao thông kém (từ Ural sang phía đông chỉ có một tuyến đường duy nhất là tuyến xuyên Xibiri), chưa nói đến việc Bộ tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang Nga chưa có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động chuyển quân quy mô lớn như vậy.
Cả 3 quân chủng của Các lực lượng vũ trang Nga đều tham gia tập trận. Cụ thể đối với Lục quân thì Lữ đoàn bộ binh cơ giới sô 28 của Quân khu Privolzski- Ural cơ động bằng các máy bay Il-76 từ thành phố Ekacherinburg (Екатеринбург) đến sân bay “Vozdvizenka” khu Primorsk và không mang theo vũ khí- phương tiện kỹ thuật. Lữ đoàn này nhận vũ khí trang bị tại một kho của Quân khu Viễn Đông, mở niêm cất và tham gia tập trận.
Không quân điều chuyển các máy bay ném bom chiến trường Su-24 từ một căn cứ không quân ở Khu Rostov (phía tây nam Nga) và các máy bay tiêm kích- ném bom Su-34 từ Trung tâm thử nghiệm gần thành phố Lipets (tất cả 26 chiếc). Tất cả các máy bay này bay thẳng (được tiếp dầu trên không – Su-24 tiếp dầu 2 lần, còn Su-34 được tiếp dầu 3 lần).
Cần nhớ rằng Không quân Nga rất ít khi tiếp dầu trên không cho máy bay, nếu có chỉ sử dụng cho không quân chiến lược (không quân tầm xa). Việc tiếp dầu trên không cho không quân chiến trường tại cuộc tập trận này là một trường hợp hy hữu. Một chi tiết đáng chú ý khác là hiện không quân Nga chỉ có 5 chiếc Su-34 và tất cả đều tham gia cuộc tập trận này.
Về Hải quân: Hải quân điều sang vùng Viễn Đông tàu khu trục nguyên tử mang tên lửa “Petr Veliki” (Piot Đại đế) từ Hạm đội Biển Bắc và tàu khu trục tên lửa “Moscova” từ Hạm đội Biển Đen. Trên đường đến Viễn Đông cả 02 tàu này đã tham gia tập trận chung với Hải quân Ấn Độ. Từ trước đến nay, kể cả trong thời kỳ Xô Viết, Bộ tổng tham mưu cũng chưa bao giờ điều các tàu từ các hạm đội khác trên khu vực lãnh thổ Châu Âu sang phía Viễn Đông để tiến hành các cuộc tập trận chung như vậy.
Mục đích và ý đồ của cuộc tập trận
Tuy Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga N. Makarov (khi đó) tuyên bố là cuộc tập trận này không nhằm vào một quốc gia nào nhưng không khó để hình dung đối tượng tác chiến giả định là ai.
Một số đại diện chính thức của Giới lãnh đạo chính trị- quân sự Nga cho biết là: “Cuộc tập trận được tiến hành với mục đích luyện tập các phương án tác chiến với “một số băng nhóm nào đó”. Trên thực tế, tại phía đông nước Nga không có “băng nhóm” nào buộc Nga phải sử dụng cả xe tăng và thiết giáp, pháo binh phản lực và pháo binh pháo có nòng, không quân (kể cả các máy bay Su-34 hiện đại nhất) và các tàu chiến lớn để trấn áp.
Rõ ràng, cuộc diễn tập quy mô lớn lần này tại Quân Khu Viễn Đông là nhằm hoàn thiện các phương án đánh trả một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn có sử dụng tăng- thiết giáp, không quân và tên lửa.
Có thể khẳng định điều này qua các bài báo viết về cuộc tập trận đăng trên tờ “Sao đỏ”- cơ quan thông tấn chính thức của Bộ quốc phòng Nga. Các bài viết rất nhiều không thể dẫn hết ra đây nhưng nội dung của chúng cho thấy một số điểm sau:
1. Các tiểu đoàn và lữ đoàn bộ binh cơ giới được một số đơn vị khác phối thuộc tập các phương án đánh trả lực lượng trên bộ có số lượng vượt trội của đối phương giả định tại các khu vực địa hình rừng núi, đầm lầy và tiêu diệt chúng bằng hỏa lực trong tác chiến phòng thủ cơ động.
2. Xe tăng và lính bộ binh tiêu diệt các đại đội bộ binh cơ giới của đối phương đang cơ động trong thung lũng từ những trận địa phục kích được ngụy trang tốt.
3. Luyện tập các phương án đánh trả các đòn tấn công không quân, tên lửa ồ ạt của đối phương (bảo vệ các mục tiêu quan trọng, trong đó có các kho vũ khí, trang bị kỹ thuật).
4. Thực hiện phương án 3 lữ đoàn Nga được tăng cường pháo binh, không quân, công binh gỡ mìn và các phân đội của các binh chủng khác chuyển sang phản công sau 3 ngày phòng ngự .
5. Điểm cuối cùng nhưng rất quan trọng là: “Trong giai đoạn cuối của cuộc tập trận có sử dụng bộc phá hạt nhân“. (Không ai sử dụng bộc phá hạt nhân để chống lại các “băng nhóm ”).
Còn một chi tiết nữa gián tiếp chứng minh cho kết luận trên: Bộ đội đổ bộ đường không không tham gia tập trận (đây là binh chủng cơ động nhất và nếu để chống lại các “băng nhóm“ thì đây chính là lực lượng thích hợp nhất).
Mặc dù không có một tuyên bố chính thức nào nhưng có thể kết luận rằng cuộc tập trận “Phương Đông-2010 là câu trả lời của Nga đối với cuộc tập trận “Những bước đi lớn“ của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) năm 2009.
Có thể thấy rằng cuộc tập trận “Phương Đông-2010” là rất có ý nghĩa, không chỉ thuần túy mang tính chất quân sự mà còn cả ý nghĩa chính trị. Có lẽ giới lãnh đạo Nga muốn cảnh báo Trung Quốc là họ sẵn sàng ngăn chặn sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc về phía các khu vực phía Đông nước này bằng các giải pháp quân sự và không mơ hồ chút nào về “quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong hơn 20 năm tồn tại, “mối quan hệ chiến lược“ này không hề mang lại một kết quả gì đáng kể cho Nga mà chỉ làm cho vị thế kinh tế và chính trị của Nga ở Viễn Đông và phía đông Xibiri ngày càng yếu đi.
Tuy nhiên, cuộc tập trận cũng bộc lộ một số vấn đề làm giới phân tích quân sự Nga lo ngại, nhất là so sánh lực lượng giữa hai bên tại chiến trường giả định này:
1. Lục quân. Lực lượng tại chỗ của Quân khu Viễn Đông trên chiến trường giả định (các khu Amursk, khu tự trị Evreisk, các khu Primorsk và Khabarovsk) có:
- 6 lữ đoàn bộ binh cơ giới,
- 2 lữ đoàn tên lửa,
- 2 lữ đoàn pháo binh,
- 1 lữ đoàn pháo phản lực,
- 01 lữ đoàn đổ bộ,
- 7 kho vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Các lữ đoàn trên được chia thành 03 cụm quân độc lập, cự ly giữa các cụm quân vào khoảng vài trăm km trên một khu vực có địa hình trống trải.
Trong khi đó, chỉ riêng quân khu Thẩm Dương của Trung Quốc đã có:
- 2 sư đoàn tăng,
- 3 sư đoàn cơ giới,
- 3 sư đoàn bộ binh cơ giới,
- 1 sư đoàn pháo binh,
- 2 lữ đoàn tăng,
- 6 lữ đoàn bộ binh cơ giới
- 2 lữ đoàn pháo binh,
- 1 lữ đoàn chống tăng.
Tương quan lực lượng là :Trung Quốc 9 sư đoàn và 11 lữ đoàn, trong khi Nga chỉ có 12 lữ đoàn .
Các đại quân khu của Trung quốc: Đại quân khu Thẩm Dương (Shenyang) và đại quân khu Bắc Kinh (Beijing) giáp biên giới với Nga.
2. Về không quân: Quân khu Viễn Đông của Nga có 2 căn cứ không quân ở Khu Primorsk và Khabarovsk (tương đương 2 trung đoàn thiếu) gồm một căn cứ máy bay tiêm kích và một căn cứ máy bay ném bom. Quân khu Thẩm Dương của Trung Quốc có 3 sư đoàn máy bay tiêm kích (7 trung đoàn) và 01 sư đoàn không quân cường kích (2 trung đoàn).
Còn đại quân khu Bắc Kinh (đối phó với quân khu Xibiri của Nga) có 2 sư đoàn tăng, 3 sư đoàn cơ giới, 3 sư đoàn bộ binh cơ giới, 1 sư đoàn pháo binh, 3 sư đoàn đổ bộ đường không, 4 lữ đoàn tăng, 6 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 4 lữ đoàn pháo bình.
Tất nhiên, đây mới chỉ so sánh về số lượng, còn rất nhiều yếu tố khác nữa quyết định kết cục một cuộc chiến (nếu có).
Nhưng dù sao thì với tương quan lực lượng như trên thì việc chuyển quân từ phía tây sang phía đông là cực kỳ quan trọng đối với Nga và đây cũng chính nội dung quan trọng nhất trong cuộc tập trận này.
Tuy nhiên, việc chuyển quân từ phía tây sang phía đông sẽ gặp nhiều khó khăn, trước hết là cự ly rất xa và vận chuyển bằng đường bộ sẽ mất nhiều thời gian (có lẽ chỉ đến được Chita), và không thể vận chuyển phương tiện kỹ thuật và vũ khí bằng đường không.
Nga đã tính đến phương án chỉ chuyển quân từ Quân khu Privolzski- Ural và bộ đội sẽ nhận vũ khí và trang bị kỹ thuật tại các kho ở Primorsk. Tuy nhiên, phương án này cũng sẽ có rủi ro nhất định là các kho vũ khí nằm gần đường biên giới, từ đó có khả năng là Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng để đánh chiếm các kho này.
Để đối phó với kịch bản trên, trong “Phương Đông-2010” Nga cũng đã hoàn thiện các phương án đánh trả các cuộc tấn công ồ ạt của không quân và tên lửa nhằm vào các sân bay của Nga (điểm đến của các máy bay chở quân được điều từ phía tây sang) và các kho vũ khí và phương tiện kỹ thuật của quân khu Viễn Đông.
Để kết luận, cuộc tập trận “Phương Đông -2010“ cho thấy một điều rõ ràng là giới lãnh đạo Nga đã không khoanh tay ngồi im trước các mối đe dọa và đang nghiên cứu các phương án đối phó. Còn nhiều chi tiết về cuộc tập trận này chưa được công bố nên khó có thể xác định các phương án cụ thể đó là gì?
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia Nga thì nếu có một cuộc chiến tranh ở phía đông nước Nga thì chắc chắn đây không phải là một cuộc chiến tranh cục bộ (kiểu như cuộc chiến 8 ngày với Gruzia năm 2008) mà chỉ có thể là một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Và giới lãnh đạo Nga chắc không quên Danh mục “các khu vực lãnh thổ mà Nhà Thanh đã để mất vào tay Đế quốc Nga" được giới lãnh đạo Trung Quốc (từ thời Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông) thống kê rất chi tiết- tất cả 8 lần, từ năm 1689 đến năm 1884 với tổng diện tích lên đến 2 triệu 14 nghìn km2- số liệu của “Bách khoa toàn thư nghệ thuật quân sự- Minsk, nhà xuất bản Literatura-1998).
Lê Hùng - ĐVO
Comments[ 0 ]
Post a Comment