2012 là một năm đầy sóng gió ở biển Đông với các va chạm và khiêu khích tiếp diễn một cách dồn dập. Đài Loan 2013 đối với biển Đông sẽ như thế nào?
2012 là một năm đầy sóng gió ở biển Đông với các va chạm và khiêu khích tiếp diễn một cách dồn dập. Trung Quốc vẫn luôn là đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất bởi các hành động được cho là ức hiếp các nước nhỏ hơn và xem thường luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một chủ thể khác nữa cần được nhắc tới, khi các hành động và chính sách mà họ đưa ra cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới tình hình biển Đông sắp tới. Đó chính là Đài Loan, nhất là khi cuối 2012, đầu 2013, Đài Loan đã có thêm nhiều hành động áp đặt chủ quyền như: quyết định thăm dò dầu khí trở lại tại vùng biển chung quanh đảo Ba Bình thuộc vùng quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines và Trung Quốc hay lên tiếng phản đối Luật biển Việt Nam.
Tăng cường tiếng nóiĐài Loan đã trở nên chủ động hơn rất nhiều trong việc khẳng định chủ quyền của mình tại vùng biển chiến lược này, điều mà trước 2012 chúng ta dường như ít thấy. Hãy cùng nhau điểm qua một vài sự kiện tiêu biểu: đầu tiên là việc một số học giả và quan chức Đài Loan cho rằng Đài Loan nên hợp tác nhiều hơn nữa với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, mà trước tiên là trên các lĩnh vực không quá nhạy cảm và "phi chính trị" như khảo sát biển, thăm dò dầu khí hay bảo vệ môi trường. Trong tháng 4, một nhóm quan chức Đài Loan đã ra thăm Ba Bình nhằm "tái khẳng định chủ quyền" đối với hòn đảo này.
Đến tháng 5, Đài Bắc thành lập một đội không vận đặc biệt nhằm "phản ứng nhanh và hỗ trợ biển đảo" giữa lúc căng thẳng dâng cao. Vào tháng 7, Đài Loan đã lên kế hoạnh mở rộng đường băng cất hạ cánh thêm 500 mét tại đảo Ba Bình nhằm đảm bảo cho các hoạt động tiếp tế diễn ra một cách suôn sẽ hơn, đồng thời lắp đặt cộng ăng-ten với chiều cao 7 mét. Cột ăngten này sẽ cho phép tăng tần suất các chuyến bay đến đảo Ba Bình, vượt khoảng cách khoảng 1.600 km từ Cao Hùng chỉ trong vòng vài giờ. Và gần đây nhất, ngày 28/12, các quan chức Đài Loan tuyên bố sẽ đưa tàu ra vùng nước xung quanh đảo Ba Bình nhằm thăm dò và khai thác dầu khí, với số tiền ngân sách vào khoảng 17 triệu Đài tệ. Hoạt động này được dự kiến tiến hành ngay trong tháng 1/2013.
Quá trình tăng cường chủ quyền của Đài Bắc khiến cho các nước liên quan khác lo ngại. Liệu Đài Loan có bắt tay với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hay không? Các chính sách và lập trường của Đài Loan đối với vấn đề tranh chấp này là điều mà Việt Nam cần nắm rõ để có thể đưa ra các đối sách phù hợp nhất trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay.
Xu hướng tương laiĐài Loan 2013 đối với biển Đông sẽ như thế nào? Một điều mà chúng ta có thể tương đối thống nhất rằng Đài Bắc sẽ không hợp tác với Bắc Kinh trong ngắn hạn, như Giám đốc Cục an ninh quốc gia Đài Loan Tsai De-sheng trong tháng 5 đã thông báo rằng: "Đài Loan sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan tới biển Đông ở thời điểm hiện tại".
Có thể thấy, Trung Quốc luôn là một yếu tố tác động rất lớn đến Đài Loan, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền và lịch sử. Cả hai bờ eo biển đều cùng đưa ra các tuyên bố chủ quyền giống nhau với quan điểm về đường lưỡi bò xuất hiện từ thời chính quyền Tưởng Giới Thạch. Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường hơn nữa sự hợp tác, đặc biệt về chính trị và quốc phòng giữa hai bên, mà mạnh nhất là những nhóm lợi ích có quan hệ tốt với Trung Quốc.
Chiu Yi, Chủ tịch của Tập đoàn dầu khí quốc gia Đài Loan CPC đã từng đề nghị tiến hành hợp tác thăm dò dầu khí chung giữa Đài Loan và đại lục tại biển Đông, đồng thời coi Việt Nam như là "mối đe dọa lớn nhất". Tuy nhiên tuyên bố trên của Tsai De-sheng cho thấy Mã Anh Cửu vẫn rất thận trọng với cách tiếp cận này, khi nó đem lại nhiều rủi ro đối với chủ quyền chính trị của chính Đài Loan, đồng thời gây khó khăn cho mối quan hệ giữa Đài Bắc với các nước có liên quan khác, đặc biệt là ASEAN và Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Đài Loan có tăng cường hơn nữa các hoạt động của mình trong năm tới hay không còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình trên thực địa. Nếu căng thẳng leo thang, thì các sức ép lên Mã Anh Cửu sẽ càng lớn. Đài Loan hiện tại không muốn bị gạt ra khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp có liên quan tới biển Đông. Tăng cường các hoạt động khẳng định chủ quyền sẽ giúp Đài Bắc giành được hai mục tiêu căn bản, thứ nhất nhằm khẳng định rằng mình là một chủ thể độc lập và đáng được tôn trọng trong khu vực và thứ hai,bảo vệ được chủ quyền qua đó đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh năng lượng trong bối cảnh khủng hoàng tài chính vẫn chưa chấm dứt như hiện nay.Trong tương lai, các hành động như thăm dò dầu khí và tài nguyên có thể sẽ được phía Đài Loan tiến hành thường xuyên hơn
Tuy nhiên, Đài Loan chắc chắn sẽ không phải là bên chủ động leo thang căng thẳng, ít nhất về mặt quân sự khi bản thân họ không muốn xung đột nổ ra. Nguồn lực của Đài Bắc tại biển Đông là hạn chế trong khi họ có nhiều vấn đề khác hơn phải quan tâm. Chính vì vậy, cách tiếp cận của Mã Anh Cửu cũng như của đảng đối lập lớn nhất Đài Loan trong giải quyết xung đột là khá tích cực. Cả hai đều đồng ý với biện pháp thương lượng dựa trên đa phương và luật pháp quốc tế, phù hợp với những gì mà Việt Nam và ASEAN đang theo đuổi. Chính quan điểm này khiến cho hy vọng được tham dự vào các cơ chế giải quyết xung đột của Đài Loan trở nên rộng mở hơn.
Nguyễn Thế Phương
Comments[ 0 ]
Post a Comment