Chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản lần này vừa mang ý nghĩa tượng trưng thể hiện Đông Nam Á (và láng giềng khu vực) nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại mới của chính quyền Abe, vừa có ý nghĩa thực chất nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế và an ninh của nước Nhật đang nỗ lực để phục hưng.
Tại sao chuyến thăm Mỹ lại hoãn?Chuyến thăm đầu tiên của ông Abe dự kiến tới Mỹ, đã phải tạm hoãn do tổng thống Mỹ vướng bận về chương trình nghị sự nội bộ: chuẩn bị lễ nhậm chức, chuẩn bị thông điệp liên bang, và thành lập nội các mới. Song, một lý do quan trọng hơn cả, có thể là, chính quyền mới ở Mỹ đang cần thời gian để định hình lại chính sách đối ngoại, cùng việc hình thành ê kip an ninh đối ngoại mới. Rất nhiều điều liên quan đến quan hệ Mỹ-Nhật cũng như các vấn đề đa phương an ninh quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nước Mỹ không thể tiếp tục chi tiêu hàng trăm tỷ đô la cho quốc phòng bằng tiền đi vay. Chính quyền Obama sắp tới sẽ cắt giảm chi tiêu quốc phòng hàng năm xuống còn 3% GDP (so với 4,71% GDP), tức là cắt giảm 258 tỷ USD so với chi tiêu năm 2011. Năm 2012, Mỹ vẫn phải chi cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan khoảng 121 tỷ USD. Mức chi tiêu 3% GDP sẽ đưa ngân sách quốc phòng Mỹ trở về thời kỳ trước khi có hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Chuck Hagel đã được chọn làm Bộ trưởng quốc phòng để thực hiện một sự cắt giảm quy mô hoạt động của quân đội Mỹ. Ông ta có cùng quan điểm với Tổng thống Obama: Ưu tiên khôi phục sức khỏe nền kinh tế Mỹ, quân đội Mỹ cũng phải thắt lưng buộc bụng.
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện tái cấu trúc chính sách đối nội và đối ngoại để thích ứng với tình hình mớiViệc cắt giảm như vậy không chỉ tác động đáng kể đến cấu trúc lực lượng vũ trang Mỹ, mà còn thay đổi tính chất và cách thức hợp tác quân sự với các đồng minh Mỹ, trong đó có Nhật Bản. Song điều mà người Nhật quan ngại lâu nay, đó là việc người Mỹ quay lại làm lành với Trung Quốc như từng diễn ra trong giai đoạn 1971-1989 (sự kiện Thiên An Môn). Lần này là để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phục hồi kinh tế Mỹ. Còn phải chờ xem chính sách xoay trục “trở lại châu Á” của Mỹ sẽ được triển khai như thế nào, nhưng Tokyo có thể không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ như mấy năm qua hết lòng phối hợp với chính sách châu Á của Tổng thống Obama.
Tại sao lại thăm Đông Nam Á trước?Để tránh cho Nhật Bản bị động chiến lược như hồi 1972, chính quyền Abe đã chủ động tái cấu trúc quan hệ an ninh đối ngoại của Nhật Bản, bằng một loạt hoạt động ngoại giao: Bộ trưởng tài chính thăm Mianma, Bộ trưởng ngoại giao thăm Philippines, Singapore, Brunei, Úc; đặc phái viên thủ tướng thăm Hàn Quốc và Nga, và Thủ tướng thăm 3 nước Đông Nam Á.
Nhật Bản là nước bạn lớn của các quốc gia Đông Nam Á, từng là đầu tàu kinh tế của cả Đông Á trong giai đoạn phát triển đầu tiên, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Đông Nam Á kể từ những năm 1980. Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan và có sự hiện diện kinh tế lớn tại Indonesia và Malaysia.
Nhưng từ 10 năm qua, Nhật Bản thường bị động ứng phó với sáng kiến kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc. Chính phủ Abe muốn giành lại thế chủ động trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Chuyến thăm của ông Abe sẽ đặt ưu tiên vào hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương, mang lại lợi ích cho sự ổn định của toàn khu vực.
Phần lớn các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh việc Nhật Bản tăng cường hơn nữa hiện diện tại khu vực. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố ủng hộ việc Nhật Bản tái vũ trang. Theo thỏa thuận của Ngoại trưởng Kishida tại Manila, trong 18 tháng tới, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra biển. Phía Singapore hoan nghênh Nhật Bản thực hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và năng động hơn nữa tại khu vực. Thái Lan sẽ mời chào Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa sau những tàn phá của trận lụt lịch sử năm 2010 làm gián đoạn sản xuất kinh doanh của nhiều công ty Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Việt Nam đã phát triển quan hệ hợp tác trong các khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ dân sự, ứng dụng và phát triển vũ trụ, phát triển khai khoáng (đất hiếm và Bô-xít)… Việt Nam mở rộng chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản. Hai nước cần nắm lấy cơ hội này để thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới. Thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam sẽ khai mạc năm hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013.
Nhật-Nga có nhiều triển vọng giải quyết vấn đề KurilViệc chính quyền Abe chủ động thúc đẩy quan hệ với Nga cho thấy cách tiếp cận mới của Tokyo thích ứng với tình hình mới.
Cựu Thủ tướng Yoshiro Mori sẽ tới Moscow để tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh chấp lãnh thổ phía Bắc (quần đảo Kuril). Tokyo đã hai lần bỏ lỡ cơ hội chiến lược để giải quyết cuộc tranh chấp biển đảo với Nga dưới thời các Tổng thống Gorbachev và Yelsin. Lần này, ông Putin đã hai lần bày tỏ mong muốn cùng Nhật Bản giải quyết vấn đề lãnh thổ theo cách thức hai bên có thể chấp nhận được. Ông Yoshiro Mori từng tới thăm Tổng thống Putin tại dinh thự ngoại ô Moscow. Vừa rồi đứng trước tấm bản đồ “lãnh thổ phương Bắc”, ông đề cập một giải pháp tổng thể. Về lãnh thổ, Nga giữ lại đảo Etorofu, trao trả cho Nhật Bản các đảo ở cực nam như Kunashir, Shikotan and the Habomai. Hai nước sẽ ký hiệp ước hòa bình, chấm dứt 60 năm quan hệ lạnh nhạt. Nhật Bản sẽ đầu tư chiều sâu vào phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng ở Siberia-Viễn Đông. Moscow đã đầu tư lớn vào nhiên liệu hóa lỏng; chinh quyền Putin muốn xây dựng các thị trượng năng lượng ổn định, trong đó Nhật Bản là đối tượng hàng đầu. Vì có dự báo, vài năm tới, các nguồn năng lượng mới sẽ được khai thác tại nhiều nơi trên thế giới. Nga muốn chơi con bài Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ.
Con đường đến Bắc kinhKhông sớm thì muộn, cách này hay cách khác, Nhật Bản sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc - đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất cho các sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản. Ông Abe từng thăm Trung Quốc trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức năm 2006. Ông đã góp phần làm tan băng quan hệ song phương. Vừa qua, không ít lần Thủ tướng Abe khẳng định sẽ khai thông bế tắc trong quan hệ với Trung Quốc.
Có thể phải đợi tới sau cuộc bầu cử Thượng nghị viện Nhật Bản tháng 6 tới, mà Đảng Dân chủ Tự do (LDP) muốn giành lại đa số đã mất vào năm đầu cầm quyền của ông Abe năm 2007.
Con đường đến Bắc Kinh lần này sẽ đi qua Hà Nội, Bangkok, Jakarta, có thể cả Seoul, Washington, Moscow và một số thủ đô khác nữa./.
TS Nguyễn Ngọc Trường - Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment