Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) đều nhanh chóng tự nhận việc ký Hiệp định Hòa bình Paris 1973 là thắng lợi của mình và là thất bại cho đối phương.
Tôi cho rằng thỏa thuận hòa bình này là khoảnh khắc chiến thắng lịch sử cho Bắc Việt vì nó củng cố niềm tin của họ rằng chính phủ Mỹ rồi sẽ kiệt lực và rút quân khỏi Việt Nam. Đó là chiến thắng chiến lược cho Hà Nội vì thỏa thuận hòa bình đánh dấu thời khắc thất bại lịch sử về ba mặt của chiến lược quân sự - Mỹ, ngoại giao và chiến lược.
Hai nhân vật chính của hòa đàm: Lê Đức Thọ và Henry Kissinger
Quân đội Mỹ đã không đè bẹp được quân đội Bắc Việt, và cũng không phát triển được quân miền Nam thành bộ máy chiến đấu hiệu quả. Ngoại giao Mỹ của Ngoại trưởng Henry Kissinger không buộc được quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, mở đường cho sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975. Sau chót, chiến lược kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc của Mỹ thất bại thảm hại, vì đa phần nông thôn miền Nam đã do cách mạng nắm giữ, và năm 1975 thì cả nước nằm dưới sự kiểm soát của người cộng sản.
Một số người trong quân đội Mỹ và sử gia quân sự Mỹ vẫn tin rằng quân Mỹ lẽ ra đã thắng nếu các tổng thống Mỹ không trói tay họ. Họ nói giới làm chính sách đã áp đặt hạn chế lên cách đánh, vì dụ cấm xâm lược bằng đường bộ ra miền Bắc và đánh bom các thành phố miền Bắc.
Quan điểm này hoàn toàn vô căn cứ vì không có hạn chế nào cả. Máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc nặng nề, và sau tám năm giao tranh (1964-1972), chúng vẫn không đánh bại được miền Bắc. Nhưng Tổng thống Lyndon Johnson không cho phép lính Mỹ vượt vĩ tuyến 17 vì ông lo ngại Trung Quốc sẽ gửi vài sư đoàn ra chiến đấu chống Mỹ.
Thỏa thuận hòa bình đem lại lối thoát “danh dự” mà Tổng thống Richard Nixon hằng mong muốn, và lẽ ra đã có sớm hơn nếu ông thực muốn muốn đem lại hòa bình. Nhưng Nixon tiếp tục thả bom miền Bắc trong khi đang đàm phán với Hà Nội. Rốt cuộc, Nixon đã kéo dài cuộc chiến, chỉ làm tăng số lính chết cả của Mỹ và Việt Nam.
Khi thỏa thuận hòa bình được ký, nó có lợi cho Bắc Việt hơn là Hoa Kỳ. Các điều khoản quân sự bao gồm ngừng bắn ngay lập tức ở miền Nam; dừng mọi hành động chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gỡ bỏ mìn mà Mỹ rải ở miền Bắc; triệt thoái toàn bộ lính và cố vấn Mỹ còn ở miền Nam (khoảng 24.000 người), và bỏ các căn cứ Mỹ trong vòng 60 ngày; 150.000 lính miền Bắc ở miền Nam vẫn được ở lại; Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không gửi thêm quân vào miền Nam.
Tương tự, các điều khoản chính trị đem lại lợi thế thực sự cho Bắc Việt như việc công nhận cả chính phủ Nguyễn Văn Thiệu và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Cả hai chính phủ phải thành lập Hội đồng Hòa giải Quốc gia để tiến hành bầu cử nhằm có một chính phủ mới.
Rõ ràng có những khiếm khuyết trong thỏa thuận. Trước hết, nó không giải quyết vấn đề căn bản là ai sẽ cai trị miền Nam. Câu hỏi được để lại cho tương lại, và sau đó do miền Bắc giải quyết nốt bằng việc dùng vũ lực năm 1975. Thứ hai, hiệp định chỉ đem lại ngừng bắn, chứ không kết liễu chiến tranh. Thứ ba, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải dùng ngoại giao để tiễn chân Mỹ khỏi Việt Nam. Điều này có nghĩa là chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Thiệu thêm vài năm. Cuối cùng, cả Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều không có ý định tuân thủa Hiệp định Paris. Hoa Kỳ sẽ giữ lại vài cố vấn ở Sài Gòn, tham dự các vai trò không dính đến chiến đấu. Quân Mỹ để lại vũ khí cho chính phủ Sài Gòn, và rồi giải thích vì chúng không còn là của Mỹ nên Mỹ không phải rút chúng ra khỏi Việt Nam. Còn Bắc Việt vẫn giữ quyết tâm nắm quyền ở miền Nam.
Người thắng, kẻ thua
Hiệp định hòa bình tạo ra người thắng, kẻ thua rõ ràng. Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến và lấy lại tù binh. Hà Nội thôi bị đánh bom, nhưng ông Thiệu chẳng được gì. Tháng Sáu 1973, Quốc hội Mỹ thông qua luật ngay lập tức ngừng đánh bom Campuchia, và chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương.
Tháng 11 năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua luật buộc tổng thống báo cho Quốc hội trong vòng 48 tiếng quyết định điều quân Mỹ trong chiến tranh, và triệt thoái trong vòng 60 ngày nếu không có phép của Quốc hội. Hai biện pháp này đã khiến Nixon không còn khả năng can thiệp ở Đông Dương.
Bị cô lập, chính thể Sài Gòn ở trên bờ vực sụp đổ kinh tế. Siêu lạm phát đe dọa khi giá gạo tăng 100%, giá đường 107% và dầu ăn 139% vào giữa năm 1974. Hoa Kỳ cũng giảm mạnh viện trợ cho miền Nam, từ 2.3 tỉ đôla năm 1973 còn 1.1 tỉ năm 1974, và cuối năm đó còn có những cắt giảm khác.
Đó là nền hòa bình không hoàn hảo, nhưng lại là một nền hòa bình rồi sẽ giúp Bắc Việt thống nhất đất nước.
Ông Harish Mehta từng là phóng viên ở vùng Đông Nam Á cho báo Busines Times từ 1987 đến 2003, đã đi Việt Nam nhiều lần. Ông nhận bằng tiến sĩ ở Đại học McMaster, Canada năm 2009 với luận án về Ngoại giao của miền Bắc Việt Nam 1965-1972.
Comments[ 0 ]
Post a Comment