Vừa qua Ấn Độ đã có những bước đi đầu tiên dấn thân vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong các nước Đông Nam Á và “người khổng lồ Đông Á” Nhật Bản ngày càng tỏ ra lo ngại về lối hành xử quyết liệt của Trung Quốc trên vùng biển này.
Hải quân Ấn Độ tuyên bố sẽ can thiệp vào Biển Đông nếu lợi ích của nước này ở đây bị đe dọa.Hôm 3/12/2012, một quan chức hải quân cấp cao Ấn Độ cho biết New Delhi đã sẵn sàng điều tàu chiến đến Biển Đông đề phòng các hoạt động khai thác dầu mỏ của nước này ở đây bị đe dọa.
Tổng tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K Joshi tuyên bố rằng nước này sẵn sàng can thiệp vào các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nếu chương trình hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn dầu khí Ấn Độ (ONGC) với Việt Nam bị đe dọa.
“Chúng tôi không định hiện diện thường xuyên tại các vùng biển đó nhưng khi lợi ích quốc gia chúng tôi, ví dụ như hoạt động của Tập đoàn ONGC Videsh, bị xâm hại thì chúng tôi sẽ buộc phải có mặt ở vùng biển này và chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống đó”, ông Joshi nói với các phóng viên.
Vị Tổng tư lệnh hải quân Ấn Độ cũng cho biết hải quân nước này đã tiến hành các cuộc tập trận nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông.
Tuyên bố của ông Joshi được đưa ra sau khi Việt Nam buộc tội 2 tàu cá Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khi của Việt Nam trên Biển Đông hôm 30/11.
Sau vụ việc đó, Việt Nam tăng cường các hoạt động tuần tra trên vùng biển tranh chấp để đối phó với nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự.
Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đã nhất trí với đề xuất của Việt Nam về việc khai thác dầu khí chung trên Biển Đông, vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố đòi chủ quyền.
V
iệt Nam và Ấn Độ đã nhất trí tiến hành khai thác dầu khí chung trên Biển Đông.Đáp lại kế hoạch khai thác dầu khí chung Việt - Ấn, một bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc bình luận rằng: “Rõ ràng là sự hợp tác giữa các công ty Ấn Độ và Việt Nam ở Biển Đông có động cơ chính trị chứ không bắt nguồn từ lợi ích kinh tế”.
Tờ Hoàn Cầu tiếp tục với nhận định rằng: “New Delhi muốn làm phức tạp hóa thêm tình hình và kiềm chế vị thế của Trung Quốc trong vùng nhằm giành quyền thống lĩnh trong các vấn đề của khu vực”.
Vào tháng 7/2011, một con tàu hải quân Ấn Độ đang trên đường ghé thăm cảng Việt Nam thì nhận được tín hiệu của một con tàu tự xưng là tàu của “Hải quân Trung Quốc” với nội dung “tàu các anh đang xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc”.
Những lời bình luận của ông Joshi được đưa ra khi Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng về khu vực biên giới trên bộ mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền. Ấn Độ và Trung Quốc đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962.
Tuy nhiên, các cuộc thương lượng bắt đầu bằng sự căng thẳng khi Trung Quốc phát hành hộ chiếu điện tử mới với bản đồ bao gồm khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Đáp lại, Ấn Độ cũng phát hành thị thực của riêng mình với bản đồ cho thấy vùng tranh chấp Trung - Ấn thuộc về lãnh thổ Ấn Độ.
Tuy nhiên, ít có khả năng Hải quân Ấn Độ sẽ trở thành một lực lượng đóng vai trò lớn trên Biển Đông trong tương lai gần. Xét cho cùng, điều mà Ấn Độ ưu tiên nhiều hơn là duy trì sự cân bằng lực lượng với Trung Quốc trên Ấn Độ Dương trong bối cảnh Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) của Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa.
Thêm vào đó, trong tương lai không xa New Delhi có thể sẽ phải điều thêm các lực lượng hải quân tới vùng biển phía tây (biển Ả rập) để bảo vệ tuyến đường nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông và Bắc Phi nếu Hoa Kỳ giảm bớt hiện diện quân sự tại vịnh Ba Tư do trong những thập kỷ tới Washington sẽ dựa nhiều hơn vào các nguồn năng lượng trong nước.
Tuy nhiên, bình luận của Đô đốc Joshi cho thấy sự đối đầu hải quân mới hình thành giữa Ấn Độ và Trung Quốc mà một số chuyên gia đã cảnh báo.
Đã từ lâu Ấn Độ bóng gió về mong muốn có tầm ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, một phần trong chính sách “Hướng Đông” của nước này.
Theo đó, Ấn Độ sẽ tăng cường quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc như các quốc gia ASEAN và Nhật Bản, những nước cũng đang ngày càng lo ngại về lối hành xử quyết liệt của Trung Quốc. Điều đó gần như chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bị rơi vào thế bao vây chiến lược.
Theo Lê Dung
Infonet
Comments[ 0 ]
Post a Comment